Thông tin trên được ông Nguyễn Đình Tâm - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013) được UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức vào sáng 18/9.
Theo ông Tâm, mới đây nhất, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 68/2012/NQ-HĐND về việc quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên dân số ở thôn, khu phố tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, 1.760 cộng tác viên của hơn 700 thôn, khu phố toàn tỉnh sẽ được hưởng phụ cấp ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia là 0,3 mức lương tối thiểu/tháng/người (tương đương 345.000đ).
Trong 10 năm qua, ngành Dân số đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 11 kế hoạch, chỉ thị, công văn, nghị quyết, quyết định về công tác DS-KHHGĐ.
Ông Nguyễn Hạnh Chung – Giám đốc Sở Y tế cho hay: Mỗi năm, ngoài nguồn ngân sách Trung ương cấp, tỉnh Bắc Ninh cũng cấp nguồn kinh phí đối ứng khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với nguồn chi trả phụ cấp cho cộng tác viên, tổng ngân sách địa phương hỗ trợ công tác dân số - KHHGĐ đạt 8 tỷ đồng/năm.
Báo cáo tổng kết cũng nêu rõ những kết quả mà công tác DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Ninh đạt được. Trong đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 từ năm 2003 - 2013 giảm từ 17,4% xuống còn 16,5%. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72,4%...
Hiện mức sinh, tổng tỷ suất sinh của Bắc Ninh vẫn còn ở mức cao. Theo số liệu của ngành Dân số, năm 2012, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Bắc Ninh là 2,7 con.
TS Dương Quốc Trọng phát biểu tại Hội nghị
|
Đặc biệt, vấn đề rất nhức nhối trong công tác DS-KHHGĐ tại tỉnh này là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra trên hầu khắp 8/8 huyện, thành phố, thị xã toàn tỉnh. Có những năm lên cao điểm như 129 bé trai/100 bé gái (năm 2010), đến năm 2012, tỷ số này giảm còn 122/100, giảm 3 điểm phần trăm so với năm 2011. Tuy đã giảm “nhiệt”, nhưng rõ ràng, đây vẫn là một trong 5 tỉnh có mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước.
Bắc Ninh hiện cũng đang triển khai một số mô hình nâng cao chất lượng dân số như Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (mỗi năm sàng lọc sơ sinh cho khoảng 4.500-5.000 trẻ); đề án Tư vấn sức khỏe vị thành niên, thanh niên với việc duy trì đều đặn câu lạc bộ tiền hôn nhân tại 32 xã, phường.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (PLDS) tỉnh Bắc Ninh, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể với công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua.
Tổng cục trưởng cũng đã chia sẻ với các đại biểu về dự buổi tổng kết những vấn đề mới trong công tác DS-KHHGĐ giai đoạn mới, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Luật Dân số, thông báo tiến trình xây dựng dự thảo Luật Dân số.
Đối với công tác DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Ninh, Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang rất bức xúc tại đây. “Nếu không kiên quyết xử lý, hậu quả sẽ khôn lường” – TS Trọng nhấn mạnh. Đồng thời, TS Trọng cũng đề cập đến những hậu quả mà các bài học nhỡn tiền tại Trung Quốc, Ấn Độ… đang gặp phải khi không hạn chế giảm thiểu tình trạng nhức nhối này, khi khoảng 60 triệu nam giới Trung Quốc, 40 triệu nam giới Ấn Độ đang không có khả năng tìm được vợ. 14 nước trên thế giới đang trong thảm họa này cũng đang thiếu 117 triệu phụ nữ. Việt Nam sẽ vấp vào kết quả này khi khoảng 20-25 năm nữa, khoảng 2,3 triệu - 4 triệu đàn ông Việt Nam sẽ không có cơ hội lấy vợ Việt.
Nhấn mạnh về tính quyết định của vấn đề tổ chức bộ máy, Tổng cục trưởng đồng thời đã giới thiệu đến các đại biểu mô hình đang nhận được sự đồng tình rất cao đó là đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện, thay vì trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ như hiện nay; và cán bộ chuyên trách dân số là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, biệt phái làm việc tại UBND xã (hiện nay tại Bắc Ninh, cán bộ chuyên trách là viên chức làm việc tại Trạm y tế xã).
“Hiện nay đã có 16 tỉnh áp dụng mô hình này. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các tỉnh, huyện, cơ sở. Mô hình này hoàn toàn nằm trong tầm quyết định của UBND tỉnh”- TS Trọng nói.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh Dân số
|
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tử Quỳnh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh khẳng định tầm quan trọng của sự vào cuộc của cấp ủy, đảng, chính quyền và đề nghị lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân các huyện, thị, thành phố phải luôn coi Dân số - KHHGĐ là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển KT-XH trên địa bàn, phải đánh giá lại mức độ hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu về DS-KHHGĐ để bình xét trong thi đua, khen thưởng của cá nhân, tập thể, đơn vị.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh cũng đặc biệt đề nghị ngành Dân số, Y tế phải quan tâm, chú ý đến nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số, triển khai các mô hình sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, đặc biệt cần chú ý đến chất lượng sống của trẻ em và người già trên địa bàn tỉnh.
“Ngày 16/9 vừa qua, 1 vạn cháu nhỏ của 24 trường đã được uống sữa chống còi xương, tăng cường vitamin D, chi phí cho mỗi cháu là 21.000đ/tháng; trong đó, ngân sách địa phương trợ giá 50%” – ông Quỳnh dẫn minh chứng cho việc ưu tiên chăm sóc cho lứa tuổi “măng non” của tỉnh.
Cũng nhân dịp này, UBND, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã trao tặng Bằng khen, Giấy khen cho 16 tập thể, 21 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013).
Võ Thu