Đầu gối, bắp đùi tím đen vô cớ
Tắm cho con gái 10 tuổi, chị Hà ở Bình Dương phát hiện đầu gối và đùi cháu bé có 2 mảng bầm, ở giữa tím ngắt quầng màu hồng nhạt. Khi mẹ hỏi, con chị phủ nhận, không bị ngã cũng không va đập vào đâu. Dù vết bầm như vậy nhưng mẹ ấn vào không thấy bé kêu đau. Cẩn thận hơn, hôm sau đưa con đi học chị tâm sự và hỏi cô giáo, cô khẳng định mấy ngày qua bé vẫn chơi với bạn bè rất vui vẻ.
Không thấy con đau chị cũng yên tâm để con ở nhà, không đưa đi khám xét gì cả. Theo dõi vài ngày, thấy vết thâm dần nhạt màu rồi biến mất khoảng 1 tuần sau đó. Một thời gian sau, chị lại tình cờ phát hiện vết tím không gây đau đớn trên đùi con gái.
Lần này chị quyết định đưa con đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Bác sĩ cho biết, bé bị thiếu một số loại vitamin như B12, C,… khiến cơ thể không sản xuất đủ tiểu huyết cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm bảo vai trò dẫn đến xuất huyết dưới da.
Ảnh minh họa
Xuất huyết dưới da là hiện tượng phổ biến, diễn ra tự nhiên do thiếu vitamin, axit folic,… nhưng cũng cần đề phòng những trường hợp vết bầm không đau, không ngứa này lại là biểu hiện bệnh lý nguy hiểm như bệnh đa hồng cầu, xơ gan,...
Chị Hồng Loan 32 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội thường xuyên thấy xuất hiện những vết bầm tím ở bắp tay, chân, đùi và cổ mà không rõ nguyên nhân. Thấy nhiều người bị như thế và chỉ sau một tuần thì khỏi nên chị không quan tâm. Nghĩ rằng bị thiếu máu chị bổ sung thêm sắt, thay đổi chế độ ăn tăng cường bổ máu nhưng tình hình không có biến chuyển.
Mấy tháng gần đây vết bầm không chỉ có ở chân tay và lan ra khắp người kèm theo các biểu hiện bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ù tai, mắt mờ, sốt về đêm, rong kinh…. Đến bệnh viện khám, làm các xét nghiệm bác sĩ kết luận chị mắc bệnh đa hồng cầu nên cần điều trị sớm.
Không nên coi thường vết bầm tím da
Khi bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ, máu thoát ra ngoài, tụ lại dưới da và hình thành nên máu bầm hay còn gọi là xuất huyết dưới da.
Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết, bầm tím da có nhiều nguyên nhân. Thông thường hiện tượng bầm tím da do va chạm, sẽ tự hết sau đó vài ngày. Vết bầm máu có thể nhỏ hoặc lớn tuỳ theo mức độ tổn thương mạch máu, thông thường sau 2- 5 ngày các vết bầm này sẽ thay đổi màu sắc từ màu đỏ sẫm qua màu xanh rồi màu vàng và từ từ biến mất. Với các vết bầm nhẹ, thương tổn không lớn chỉ cần dùng đá chườm lạnh ngay sau khi bị té ngã, đụng cạnh bàn, trượt cầu thang, sau phẫu thuật,… giúp mạch máu co lại, khiến vết thương giảm viêm giảm sưng, giảm chảy máu.
Bầm tím trên da có thể chỉ đơn thuần là tổn thương thành mạch sau chấn thương, ngoài ra còn có thể do những nguyên nhân gây rối loạn quá trình đông máu như giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc tổn thương thành mạch mắc phải. Do thiếu vitamin, dùng thuốc, di truyền từ mẹ,… Khi cơ thể không sản xuất đủ tiểu cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm đương vai trò thì dù không có va chạm thương tích tình trạng xuất huyết dưới da rất dễ xảy ra.
Đặc biệt, trong một số trường hợp bầm tím có thể dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Vì thế, để biết chính xác nguyên nhân vết bẩm, cần xét nghiệm máu để xem lượng tiểu huyết cầu có bình thường hay không.
Đối tượng dễ bị bầm tím da nhất là phụ nữ, người già và trẻ em, những vết bầm thường tập trung ở vùng bắp đùi, bắp tay bởi lớp da mỏng hơn nên rất dễ bị tổn thương.
Bác sĩ khuyên, dù đa phần vết bầm tím da lành tính nhưng cũng không nên coi thường. Khi thấy vết bầm dưới da, nhiều người thường chủ quan không đi điều trị. Với những vết bầm thông thường có thể đỏ tím, hơi đau và sẽ tự hết sau một thời gian.
Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện nhiều vết tụ máu dưới da mà không có lý do gì rõ ràng hoặc những vết bầm máu đã tan sau đó cứ bị tái phát thường xuyên, cần đến ngay các bệnh viện để kiểm tra máu vì có thể có các bệnh lý cần được bác sĩ xác định và điều trị.
Theo Afamily.vn/Trí thức trẻ