Ngày 25/4, BV Châm cứu TƯ tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và Hội thảo khoa học châm cứu toàn quốc. Trải qua 30 năm phát triển, đến nay BV Châm cứu TƯ đã trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng I thuộc Bộ Y tế với quy mô 440 giường bệnh. Bên cạnh đó, BV Châm cứu TƯ đang triển khai những phương pháp chữa bệnh bằng âm nhạc trong một không gian đậm chất văn hóa Việt.
|
PGS. TS Nghiêm Hữu Thành châm cứu điều trị đau cột sống trong không gian đầm sen tại BV Châm cứu Trung ương.
|
Những ý tưởng sáng tạo
Theo truyền thống, châm cứu gồm hai phương pháp điều trị: Châm và cứu. Châm là dùng kim tác động lên huyệt nằm trên hệ kinh lạc nhằm chữa bệnh nhiệt. Cứu là dùng sức nóng của ngải cứu tác động lên huyệt để chữa bệnh hàn. Châm cứu truyền thống thường thấy những cây kim và những điếu ngải cứu tham gia và điều trị một số chứng đau. Thế nhưng châm cứu hiện đại nhiều năm qua đã bỏ quên “cứu”.
Nói về lý do vì sao “cứu” bị lãng quên, PGS.TS Nghiêm Hữu Thành – Giám đốc BV Châm cứu TƯ cho biết, phương pháp cứu ngải truyền thống là dùng sức nóng của mồi ngải tác động lên huyệt để chữa bệnh. Có các hình thức cứu bằng điếu ngải, cứu mồi ngải trực tiếp trên huyệt hoặc cứu bằng muối, lát gừng, lát tỏi... Tuy nhiên, phương pháp cứu ngải truyền thống có rất nhiều hạn chế như độ nóng không ổn định, có thể gây bỏng cho người bệnh; thao tác cứu phức tạp, khó thực hiện, mất nhiều thời gian, cần nhiều nhân lực đứng bên bệnh nhân hơ điếu ngải... Chính vì vậy mà “cứu” đã bị bỏ quên.
|
PGS. TS Nghiêm Hữu Thành đang châm cứu cho bệnh nhân.
|
Cuối năm 2012, một chiếc đai – hộp ngải cứu được trang trí rất bắt mắt đã ra đời và đưa vào ứng dụng. PGS.TS Nghiêm Hữu Thành – người đưa ra sáng kiến mới này - nói, BV Châm cứu TƯ quyết tâm đưa “cứu” trở về với “châm” với diện mạo mới. Điếu ngải cứu được đựng trong một chiếc hộp có thể điều chỉnh độ nóng. Một chiếc đai vải màu vàng in hình hoa sen được thiết kế đựng chiếc hộp rất lạ mắt. Tuy nhiên, điều đặc biệt của chiếc đai – hộp ngải cứu này chính là sức nóng từ điếu ngải có thể cùng một lúc “cứu” được nhiều huyệt, rất dễ thực hiện, tăng năng suất và tiết kiệm nhân lực. Một thầy thuốc có thể “cứu” cho nhiều người bệnh cùng lúc, nâng cao năng suất đến 3-4 lần so với phương pháp truyền thống.
Sức nóng từ đai – hộp ngải cứu này ổn định cùng với phương pháp châm đã nâng cao hiệu quả điều trị của cả châm và cứu, trả lại đúng giá trị của phương pháp châm cứu. Nếu như trước đây bệnh nhân bị liệt mặt chỉ điều trị châm phải mất từ 6-8 tuần, nay kết hợp cả châm và cứu chỉ cần 4-5 tuần bệnh nhân có thể chữa khỏi. Bệnh nhân liệt nửa người liệu trình điều trị 3 tháng chỉ với châm, nay nhờ có cả châm và cứu thời gian điều trị được rút ngắn còn 2 tháng.
“Khi chiếc hộp đựng điếu ngải được bó vào các huyệt trên cơ thể đã tạo cho tôi cảm giác rất dễ chịu, giảm đau nhanh và bệnh thuyên giảm trông thấy từng ngày. Tôi nghĩ rằng đây là một sáng kiến rất vì người bệnh...”, bà Lê Thị Thơm – bệnh nhân chữa đau cột sống tại BV nói. Gần 1.000 bệnh nhân được điều trị kết hợp cả châm và cứu trong 3 tháng đầu năm 2013 đều có kết quả tốt là lời minh chứng rõ ràng nhất cho sáng kiến mang “cứu” trở về với “châm” của BV Châm cứu TƯ.
|
Việt Nam là nước nổi bật trong việc chữa bệnh bằng châm cứu.
|
Con đường “Châm cứu Việt”
Không chỉ dừng lại ở chiếc đai – hộp ngải cứu, BV Châm cứu TƯ đã đang dần trở thành một “đầm sen”. Một không gian văn hóa Việt đang hiện hữu tại đây.
|
Con đường Châm cứu Việt tại Bệnh viện Châm cứu Trung Ương
|
Trước, những căn phòng khám và điều trị cho bệnh nhân luôn một màu trắng toát, nay đã khác lạ bởi “đầm sen” lung linh trên tường, trần nhà là một đàn chim Việt bay trên bầu trời trong xanh. 20 phòng khám, chữa bệnh tại khoa Khám bệnh và Trung tâm kỹ thuật cao – Châm cứu Việt được hòa mình với hoa sen, đầm sen. Dọc hành lang của khoa khám bệnh hoa sen bên tường và chim Việt bay trên trần nhà đã được mang một cái tên đầy ý nghĩa: Con đường châm cứu Việt.
Một điều đặc biệt hơn là âm nhạc dân tộc 3 miền du dương được phát đi từ những chiếc đài nhỏ trong khắp các phòng khám, phòng điều trị, các nữ điều dưỡng viên mặc trang phục dân tộc Việt đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân... đã tạo ra một không gian đậm đà văn hóa Việt trong một bệnh viện y học cổ truyền. “Mỗi ngày tôi đến đây chữa bệnh 1-2 tiếng, được nằm giữa đầm sen, nghe nhạc dân tộc đã mang lại một cảm giác thư thái quên cái đau của bệnh tật. Một không gian văn hóa Việt trong bệnh viện, đó là ý tưởng rất độc đáo rất cần được nhân rộng...”, ông Phạm Minh Thông, bệnh nhân điều trị tại đây cho biết.
|
Tác giả Con đường châm - cứu Việt - PGS. TS Nghiêm Hữu Thành (bên phải), Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung Ương.
|
Khi nói về ý tưởng đổi mới tại BV Châm cứu TƯ, TS Nghiêm Hữu Thành tâm sự: “Đã từ lâu tôi ấp ủ một mong muốn là thông qua châm cứu để tôn vinh văn hóa Việt và giúp người Việt yêu châm cứu Việt. Châm cứu Việt được nhiều nước trên thế giới biết đến tại sao lại không xây dựng một BV châm cứu mang đậm bản sắc dân tộc. Từ trăn trở đó tôi đã cùng các đồng nghiệp quyết tâm mang đến cho người bệnh một không gian văn hóa Việt gần gũi và thân thiện. Tôi cũng có ý nguyện đưa gói “châm cứu Việt” trong không gian văn hóa Việt đến tất cả các BV Y học cổ truyền trong cả nước để tạo ra chuỗi giá trị”...
Theo PGS.TS Hữu Thành, hiện BV đã triển khai nhiều kỹ thuật mới mang thương hiệu “Châm cứu Việt”. Theo đó, với kỹ thuật châm kim xuyên kinh - thủ thuật châm kim xuyên từ kinh dương sang kinh âm để thực hiện thủ thuật “tòng dương dẫn âm”, nghĩa là đưa khí từ kinh dương hỗ trợ cho kinh âm đang ở trạng thái thiểu khí. Hoặc ngược lại: Châm kim từ kinh âm sang kinh dương để thực hiện thủ thuật “tòng âm dẫn dương”, nghĩa là đưa khí từ kinh âm hỗ trợ cho kinh dương đang thiểu khí.
|
Phòng Châm - Cứu Việt
|
“Ý nghĩa quan trọng của phương pháp châm xuyên kinh (xuyên kinh lạc) với kim đại trường châm làm nâng cao khả năng điều khí huyết gấp nhiều lần. So với kỹ thuật châm kim chỉ ở một đường kinh, phương pháp châm xuyên kinh làm tăng mạnh khả năng điều khí huyết ở nơi dư thừa đến nơi đang thiếu khí huyết. Điều này góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng chữa các bệnh khó của phương pháp châm cứu Việt Nam (gọi là phương pháp châm Việt) trong điều trị bệnh nhân bị liệt sau đột quỵ não”, PGS.TS Hữu Thành nói.
Bên cạnh đó, kỹ thuật châm xuyên huyệt được áp dụng điều trị bệnh nhân thành công. Đây là thủ thuật châm kim xuyên từ hai huyệt đến nhiều huyệt có thể xuyên kim qua 2 đến 6, thậm chí đến 8 huyệt và dùng kim đại trường châm dài 20-30cm.
Châm cứu Việt Nam trong những năm qua liên tục phát triển, trong các phương pháp châm cứu truyền thống được kế thừa một cách có chọn lọc, các phương pháp mới đã được nghiên cứu phát triển mạnh mẽ như điện châm, thủy châm, lares châm, từ châm... Phương pháp thủy châm đã được nghiên cứu phát triển từ những năm 1971 từ phòng nghiên cứu thủy châm của Hội Đông y Việt Nam do cố lương y Đặng Văn Cáp và bác sỹ Nguyễn Tài Thu, bác sỹ Nguyễn Năng An… thực hiện. Đến nay phương pháp thủy châm đã được nghiên cứu phát triển, phổ cập sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu tác dụng giảm đau của điện châm và thủy châm trong điều trị một số chứng đau như đau sau phẫu thuật, đau do K vòm giai đoạn cuối, đau lưng, đau dạ dày- tá tràng do PGS.TS Nghiêm Hữu Thành là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước đã nghiệm thu năm 2010, là một công trình khoa học chứng minh tính khoa học khách quan tính năng tác dụng điều trị của phương pháp thủy châm.
|
Đầm sen trong Phòng Châm - Cứu Việt: một không gian chữa bệnh đậm chất văn hóa Việt.
|
Phương pháp thủy châm là sự tiếp tục phát triển của thủy châm trong giai đoạn đầu là dùng dung dịch chiết xuất của nọc ong, đến dung dịch vitamin. Đến nay thủy châm có thể áp dụng mở rộng với các loại thuốc kháng sinh để nâng cao hiệu quả chống nhiễm khuẩn, đến việc thủy châm nhiều loại thuốc bổ thần kinh, thuốc điều trị sau đột quỵ não, liệt thần kinh trung ương và ngoại biên như: Cerebrplysin, các nhóm thuốc Gingkobiloba… hay các thuốc điều trị bệnh lý dị ứng, thoái hóa xương khớp, thuốc giảm đau, giãn cơ trong điều trị đau cột sống do thoát vị đĩa đệm, thuốc điều trị thoái hóa xương khớp.
|
Tâm Thanh - Vân Khánh