(HNMO) –Theo báo cáo của các địa phương, đến nay gần 80.000 trẻ tại 15 tỉnh, thành phố đã được tiêm vắc xin ComBe Five. Thông tin được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết ngày 3-1.
Ngoài phản ứng thông thường như (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài tại một số tỉnh, thành phố và các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, xử trí.
|
Tiêm vắc xin ComBe Five cho trẻ tại Hà Nội. |
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vắc xin ComBe Five: sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5 độ C, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.
Ngoài phản ứng thông thường như (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài tại một số tỉnh, thành phố và các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, xử trí.
Để đảm bảo công tác tiêm chủng vắc xin ComBe Five an toàn, đạt tỷ lệ, ngày 3-1, Bộ Y tế đã có Công văn số 22/BYT-DP gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế bố trí nhân lực, phương tiện và thuốc..., phối hợp với các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tổ chức khám sàng lọc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng và triển khai tốt việc cấp cứu, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (nếu có).
Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc qui trình về tiêm chủng như: Khám sàng lọc, tiêm đúng kĩ thuật, theo dõi trẻ sau tiêm 30 phút tại cơ sở tiêm chủng; thực hiện tốt việc tư vấn, dặn dò các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm tại nhà trong khoảng thời gian tối thiểu 48 giờ sau tiêm chủng, đặc biệt lưu ý trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như: Sốt cao trên 39 độ C, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú... hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời, trong những ngày trời rét cần giữ ấm cho trẻ để tránh cho trẻ bị viêm phổi và mắc các bệnh do thời tiết lạnh gây nên.
Bộ Y tế cũng đề nghị tiếp tục tổ chức việc tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, quy trình tiêm chủng và thực hiện đúng các quy định khác về tiêm chủng; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để các bà mẹ hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ, những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng, cách theo dõi trẻ và phối hợp tốt với cơ sở y tế đảm bảo tiêm chủng được an toàn, hiệu quả.
Để chủ động phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Bộ Y tế đã sử dụng vắc xin ComBe Five do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất có thành phần tương tự để thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng do nhà sản xuất Hàn Quốc ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem.
Việc tiêm vắc xin ComBe Five được triển khai trên toàn quốc từ tháng 1-2019. Trước đó, việc triển khai tiêm vắc xin này đã được thực hiện tại hơn 10 tỉnh. |