Thứ Năm ngày 16/08/2018
(HNMO) - Chiều 16-8, theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tại Khoa Nhi của Bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi T.K.V (10 tuổi, ở Bắc Kạn) bị rắn độc cắn vào bàn tay trái. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay trái, hai ngón tay và hoại tử thâm đen diện rộng cánh tay trái.
|
Bàn tay trái của bệnh nhi T.K.V bị hoại tử |
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhi V bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay trái khi đi chăn bò trên đồi. Sau khi bị rắn cắn, gia đình đã không cho bệnh nhi đến bệnh viện ngay mà dùng thuốc lá đắp vào vết cắn. Sau đó vài giờ, trẻ xuất hiện đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, sau đó chuyển đến Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai).
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của Khoa Nhi đã nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Mặc dù được dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất nhưng do bệnh nhân đến viện muộn nên dấu hiệu hồi phục sẽ khó khăn. Sau khi đã điều trị đủ huyết thanh kháng độc và kháng sinh, bệnh nhi sẽ được hội chẩn ngoại khoa và chuyển sang Bệnh viện Bỏng quốc gia để xử trí vết thương và hoại tử tại chỗ.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện đang là mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của rắn. Trong một tháng trở lại đây, tuần nào cũng có từ 1-3 ca bị rắn cắn nhập viện, tập trung phần lớn ở các tỉnh: Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Kạn, Yên Bái. Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân đến bệnh viện muộn, khi đã xuất hiện tình trạng sưng nề, hoại tử lan rộng. Sai lầm lớn nhất trong sơ cứu khi bị rắn cắn là người nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian, chữa mẹo..., không mang lại hiệu quả và chưa có cơ sở khoa học.
Gia Phong
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/910273/cap-cuu-benh-nhi-bi-hoai-tu-ban-tay-trai-do-ran-doc-can--
|