Vì sao Barcelona đã "phản bội", lật kèo với Messi? Vì sao Barcelona đã "phản bội", lật kèo với Messi? , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Việc Barcelona chấp nhận chia tay Messi thực sự là cú sốc lớn. Vậy vì sao Los Blaugrana đã "phản bội" giao kèo trước đó, để chia tay ngôi sao số một của đội bóng?
Cách đây chừng hai tuần, báo chí Tây Ban Nha rộ lên thông tin rằng Barcelona đã đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng thêm 5 năm với Messi. Trong đó, El Pulga chấp nhận giảm 50% lương để ở lại đội bóng.
Thực tế, thông tin này là chính xác, chỉ trừ một điều, Barcelona không đủ tiền để gia hạn hợp đồng với Messi . Trong tuyên bố trên trang chủ, Los Blaugrana thừa nhận cả hai bên đều tiếc nuối khi không thể thực hiện đúng với thỏa thuận trước đó.
Cần phải nhấn mạnh rằng, ngay từ khi nhậm chức Chủ tịch Barcelona, ông Joan Laporta đã không ngừng nhấn mạnh thông điệp "giữ chân Messi" và "làm cho Messi hạnh phúc" bằng mọi giá. Trong buổi ra mắt của Joan Laporta, ống kính máy quay đã hướng về Messi. Khi ấy, siêu sao người Argentina đã nở nụ cười.
Tới mức, người ta quên mất rằng chỉ một năm trước, Messi từng nằng nặc đòi rời Barcelona sau khi gửi bản fax tới Ban lãnh đạo CLB (đứng đầu là Chủ tịch Bartomeu). Nỗi đau ấy chỉ được xoa dịu sau khi ông Joan Laporta nắm quyền Chủ tịch đội bóng.
Nhưng giờ đây, khi Messi đã toàn tâm toàn ý muốn ở lại Barcelona thì chính CLB lại "phản bội" với giao kèo cách đây không lâu. Vậy nguyên nhân vì sao?
Điều này đã được Barcelona lý giải ngay trong tuyên bố chính thức. Đó là vì CLB đang gặp khó khăn về tài chính và cơ cấu về quỹ lương của Ban tổ chức La Liga.
Barcelona "ngầm đổ tội" cho La Liga khi giới hạn quỹ lương trần. Trong đó, họ buộc phải giảm quỹ lương xuống còn 200 triệu euro. Nên nhớ, quỹ lương của Los Blaugrana ở thời điểm cách đây 2 năm là 671 triệu euro. Ở mùa giải trước, giới hạn này bị Ban tổ chức La Liga giảm xuống còn 347 triệu euro. Lần này, nó lại được giảm đột ngột xuống còn 200 triệu euro.
Cần nói thêm rằng với một CLB lớn, thì việc giảm quỹ lương rất sâu như vậy qua mỗi mùa giải không phải là điều đơn giản. Bởi lẽ, họ không thể đàm phán, yêu cầu các trụ cột giảm lương qua mỗi mùa giải. Họ không thể bán gấp cả siêu sao. Bởi đó là câu chuyện của thị trường, người bán thì phải có người mua.
Nhiều nghi vấn cho rằng Ban tổ chức La Liga đang "chơi xấu" Barcelona và Real Madrid vì những CLB này qua mặt họ để tự tổ chức thành lập European Super League. Những người đứng đầu La Liga đã "gợi ý" sẽ tung ra gói hỗ trợ với Barcelona (vào khoảng 270 triệu euro) nhưng với điều kiện rút khỏi European Super League. Tuy nhiên, cả Barcelona lẫn Real Madrid đều không đồng ý.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Barcelona có thể "đá quả bóng trách nhiệm" sang Ban tổ chức La Liga. Sự ra đi của Messi chỉ là lát cắt, phản ánh toàn bộ sự yếu kém của Barcelona trong những năm qua.
Một vài con số đã chứng minh điều đó. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho Barcelona thiệt hại số tiền 350 triệu euro nhưng vấn đề của họ không hoàn toàn vì đại dịch. Tổng số nợ của Barcelona ở thời điểm này vào khoảng 1,17 tỷ euro. Vào mùa Đông năm ngoái, họ đã phải "cắn răng" vay thêm 525 triệu euro từ Goldman Sachs để cơ cấu lại tài chính. Trong khi đó, các cầu thủ đã đồng ý để CLB chậm lương vào tháng 11.
Chủ tịch Joan Laporta thừa nhận rằng quỹ lương của Barcelona hiện chiếm tới 110% doanh thu của đội bóng. Ông chia sẻ: "Chúng tôi không tuân thủ các quy định về luật công bằng tài chính". Câu chuyện của Barcelona có thể hiểu đơn giản là, họ không còn đủ sức trả lương cho các cầu thủ (chưa kể những người mới).
Cần nói thêm rằng, những quy tắc về quỹ lương mà Ban tổ chức La Liga đưa ra dựa trên "sức khỏe" tài chính của CLB. Và khi Barcelona không còn "khỏe", thì họ cũng khó lòng đòi hỏi được sự ưu ái như trước.
Tất nhiên, Chủ tịch Joan Laporta không có lỗi. Thay vào đó, sự xuất hiện của ông là để sửa chữa sai lầm cho người tiền nhiệm Bartomeu. Bởi lẽ, họ luôn bội chi. Quỹ lương của CLB luôn chiếm ít nhất 70% doanh thu ngay cả thời điểm có "sức khỏe tốt nhất". Bên cạnh đó, Los Blaugrana đã vung ra số tiền cực lớn để mang về những tân binh. Phần nhiều trong số đó là thất bại. Điều này khiến cho CLB luôn rất dễ "bị tổn thương".
Chủ tịch La Liga Javier Tebas từng nhấn mạnh rằng cách vận hành của Barcelona là "không bình thường". Và khi khủng hoảng xảy ra, họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
"Của ăn hôm nay nhưng là cơn đói của ngày mai", nó giống với tình cảnh của CLB. Barcelona ăn sạch những gì họ kiếm được thời thịnh vượng và rồi, đến một ngày, họ giống như kẻ chết đói, chỉ biết "giật gấu vá vai" để tồn tại.
Bây giờ đây, Barcelona đang giống như kẻ hoảng loạn. Tới Messi, họ còn có thể để ra đi thì bất cứ ngôi sao nào cũng có nguy cơ rời Nou Camp, để cứu vớt CLB trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Thật đáng buồn cho đế chế từng làm khuynh đảo châu Âu.