Trước năm 1975 khi các võ đài còn cực kỳ sôi động ở Sài Gòn, Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam từng nhiều lần mời võ sĩ từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (TQ), Đài Loan (TQ), Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia… sang thi đấu với các võ sĩ Việt Nam theo thể thức tự do.
Một trong những kỳ đài nổi tiếng nhất ở Sài Gòn giai đoạn đầu thập niên 70 của thế kỷ trước phải kể tới lần các võ sĩ Việt Nam giao đấu với 10 cao thủ Hồng Kông, trong đó có Tiểu Lâm Vúc, người được giới thiệu là học trò của Diệp Vấn và là sư đệ của Lý Tiểu Long. Sự kiện được diễn ra vào năm 1972.
Chúng tôi xin khắc họa lại về kỳ đài nổi danh này dựa theo lời kể của võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. Ông cũng là nhân chứng từng tận mắt theo dõi những trận đấu ở kỳ đài từ 48 năm về trước.
Mười "cao thủ võ lâm Hồng Kông" và tham vọng đại náo võ đài Chợ Lớn
Trò chuyện với chuyên trang Trí thức trẻ, báo điện tử Tổ Quốc, võ sư Hồ Tường bồi hổi kể lại: "Kỳ đài đó chính xác là diễn ra vào năm 1972, khi Sài Gòn đang tràn ngập phim võ thuật của Hồng Kông, lúc đó là thuộc địa của Anh quốc. Thời kỳ đó, nổi bật nhất là hình tượng Lý Tiểu Long mà nhiều người coi là thần tượng võ thuật.
Năm ấy, giới tài phiệt ở Chợ Lớn (Sài Gòn) đã xin phép Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam mời các nhà vô địch ở nhiều hạng cân sang thi đấu hữu nghị với các võ sĩ của Việt Nam. Tổng cuộc Quyền thuật đã đồng ý.
Vào năm đó, một chiến dịch quảng cáo rầm rộ đã được tổ chức ở Sài Gòn. Ban tổ chức phát tờ rơi và poster với nội dung: "Võ sĩ Hồng Kông sẽ đại náo Chợ Lớn", tỉ thí với các võ sĩ Việt Nam và bán vé trước cả tháng. Địa điểm diễn ra kỳ đài là sân Tinh Võ, nay là Trung tâm TDTT Tinh Võ, số 756 đường Nguyễn Trái, Q5, TP.HCM".
Theo võ sư Hồ Tường, vào năm đó, báo chí Sài Gòn đã tiếp xúc với ban tổ chức là những người Hoa ở Chợ Lớn để viết bài giới thiệu các nhà vô địch của Hồng Kông sẽ đấu tự do với võ sĩ Việt Nam. Ngoài hai tờ báo thể thao nổi tiếng lúc đó là Thao Trường và Nguồn Sống, hầu như tờ nhật báo nào ở Sài Gòn, ngày nào, tuần nào cũng có bài viết về các nhà vô địch Hồng Kông chuẩn bị đại náo võ đài Chợ Lớn.
Người được báo chí lúc đó ca ngợi nhiều nhất chính là Tiểu Lâm Vúc, được giới thiệu là cao đồ đang học phái Vịnh Xuân Quyền với Diệp Vấn ở Hồng Kông. Diệp Vấn là sư phụ của Lý Tiểu Long, cho nên Tiểu Lâm Vúc được mang danh nghĩa là sự đệ của Lý Tiểu Long.
Ảnh minh họa về Tiểu Lâm Vúc, một người sang Sài Gòn tỉ thí với danh nghĩa là Sư đệ của Lý Tiểu Long.
"Về mặt nội bộ, Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam cũng đã tuyển lựa những võ sĩ thuộc loại thượng thặng của làng đấm Việt Nam thời đó để tỉ thí với 10 võ sĩ đến từ Hồng Kông.
Tôi không nhớ hết họ tên của 10 võ sĩ Việt Nam mà chỉ nhớ mấy người như Trần Cường, Thạch Sơn, Thạch Sanh (3 võ sĩ này đều của võ đường Trần Xil), trong đó hai võ sĩ họ Thạch và cả võ sư Trần Xil đều là người Khmer Nam Bộ còn Trần Cường vốn là đương kim vô địch Việt Nam lúc bấy giờ. Có thêm võ sĩ Trần Bình Long của võ đường Phạm Văn Chí ở Gò Công" – võ sư Hồ Tường nhớ lại.
Ngay trước ngày khai mạc kỳ đài là buổi cân ký để cáp độ được diễn ra. Hôm đó, Tiểu Lâm Vúc – người mang danh sư đệ Lý Tiểu Long đã hỏi về găng tay mang đấu là loại nào. Tổng cuộc Quyền thuật đã đưa ra loại găng tay 8 ounce dùng trong đấu Quyền Anh để sử dụng trong các trận đấu giữa võ sĩ Hồng Kông và Việt Nam.
Ngay tức thì, Tiểu Lâm Vúc trề môi, nói tiếng Anh rằng đôi găng 8 ounce này to quá, đánh đấm bằng loại găng này mất hấp dẫn do bị hạn chế độ sát thương. Tổng cuộc Quyền thuật đề xuất đưa loại găng nhỏ hơn, từng dùng thi đấu từ năm 1965 trở về trước còn thập niên 70 chỉ thường được dùng để tập đánh bao cát. Tiểu Lâm Vúc và phía các võ sĩ Hồng Kông liền đồng ý.
Màn tỉ thí tranh cãi và thảm bại của 9 "cao thủ Hồng Kông" tại Sài Gòn
"Trận đấu mở màn là cuộc tỉ thí giữa võ sĩ Trần Cường của Việt Nam và một nhà vô địch Hồng Kông cùng hạng cân. Rất tiếc tôi không nhớ nổi tên của võ sĩ Hồng Kông này. Khi ban tổ chức vừa giới thiệu mời hai võ sĩ lên đài chào khán giả thì CĐV người Hoa chiếm khoảng 4/5 khán đài đã hoan nghênh nồng nhiệt cho võ sĩ Hồng Kông bằng những tràng pháo tay không dứt" – võ sư Hồ Tường kể lại.
Sau màn chào khán giả kéo dài vài phút thì màn tỉ thí cũng bắt đầu. Trần Cường do tâm lý xem phim Hồng Kông nhiều nên tỏ ra dè dặt trước đối thủ, không dám tấn công trước, thế là bị đối phương chủ động dồn ép. Trần Cường ở thế bị động, luôn phải thoái lui, đỡ đòn. Thế trận này đã làm cho khán giả người Hoa nức lòng. Khán đài thi nhau la hò, cổ vũ rất ồn ào. Võ sĩ Hồng Kông hưng phấn càng tấn công tới tấp.
Thế nhưng, trong một phút nhập nội, Trần Cường bất ngờ phản công bằng một cú đấm như trời giáng trúng vào mặt của võ sĩ Hồng Kông khiến hắn té nhào xuống sàn. Rất may, lúc đó chuông đánh dứt hiệp. Săn sóc viên bên phía Hồng Kông vội chạy lên sàn đỡ cho võ sĩ này vào ghế ngồi nghỉ.
Ngay sau hiệp đấu này, bên phía Hồng Kông nêu ý kiến xin đổi găng, dùng loại 8 ounce với lý do rằng găng nhỏ đánh quá dã man dễ làm cho võ sĩ cố sát, quyết đánh hạ thủ, mà làm cho nghệ thuật không còn. Tất nhiên, Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam đồng ý, lần thứ hai "chiều lòng" phía Hồng Kông.
Ảnh minh họa về trận đấu của Trần Cường.
Sang hai hiệp đấu sau, Trần Cường tấn công nhiều hơn. Thế nhưng, đám đông khán giả người Hoa bên dưới khán đài lại chỉ cổ vũ cho võ sĩ Hồng Kông. Cứ hễ khi võ sĩ này ra đòn là khán giả lại la ó theo cổ vũ. Điều đó dẫn đến kết quả là Trần Cường bị xử thua điểm dù chính ông mới là người ra đòn hiệu quả hơn so với đối thủ. Việc võ sĩ Hồng Kông được xử thắng khiến 4/5 khán giả là người Hoa reo hò ăn mừng chiến thắng vang rần cả võ đài.
Tuy nhiên, lúc Trần Cường và võ sĩ Hồng Kông đang thi đấu trên đài thì tất cả những võ sĩ còn lại của Việt Nam đã theo dõi không bỏ một giây phút nào. Họ đều cảm thấy yên tâm và tự tin, bởi họ cảm nhận được rằng võ thuật trên phim của các diễn viên Hồng Kông hoàn toàn khác hẳn với võ thuật của võ sĩ Hồng Kông vừa đấu trước mắt họ. Thực chất, võ sĩ Hồng Kông chẳng có gì đáng sợ, không có đòn nào gọi là đòn sát thủ.
Thế là 9 trận còn lại giữa võ sĩ Việt Nam với các nhà vô địch Hồng Kông đều diễn ra cực kỳ sôi động. Các võ sĩ Việt Nam thi đấu cực kỳ quyết tâm như thể đây chính là lần thượng đài cuối cùng. Võ sĩ nào của Việt Nam cũng xuất trận trong tư thế xông tới, tấn công ào ạt bằng những đòn thế độc đáo của Võ Việt Nam. Thế rồi, lần lượt từ võ sĩ thứ hai đến võ sĩ thứ chín của Hồng Kông đều rủ nhau thất bại.
Phía Hồng Kông chỉ còn lại mỗi gương mặt cuối cùng, không ai khác chính là Tiểu Lâm Vúc. Đối thủ của võ sĩ này chính là Thạch Sơn, một nhà vô địch bên phía Việt Nam.
Trận tỉ thí giữa Tiểu Lâm Vúc và Thạch Sơn căng thẳng ngay từ những giây đầu tiên. Tiểu Lâm Vúc bằng bộ tay rất linh và khéo đã chủ động tấn công dữ dội. Trong hiệp đầu tiên, sau một tình huống dùng bàng thủ chặn đòn rờ ve của Thạch Sơn, Tiểu Lâm Vúc áp sát tung liền 3 cú nhật tự xung quyền khiến Thạch Sơn bị ngã xuống sàn nhưng chừng đó vẫn chưa đủ mạnh để khiến Thạch Sơn bị hạ knock-out. Trong hiệp đấu này, "sư đệ Lý Tiểu Long" tỏ ra lấn lướt hơn.
Thế nhưng, sang hiệp 2, Thạch Sơn đã thay đổi chiến thuật để khắc chế bộ tay của Tiểu Lâm Vúc. Thạch Sơn chủ động giữ khoảng cách và sử dụng nhiều đòn chân để tạo thế tấn công.
Thời điểm giữa hiệp 2, lợi dụng khoảnh khắc hiếm hoi Tiểu Lâm Vúc để lộ vùng trung lộ, Thạch Sơn tung cú đá giò lái nhanh như điện trúng cổ đối thủ. Tiểu Lâm Vúc nằm gục xuống sàn bất động, miệng sùi bọt mép. Đám khán giả người Hoa ai nấy im bặt. Trận đấu kết thúc. Thạch Sơn giành chiến thắng knock-out.
Ảnh minh họa về trận đấu của Tiểu Lâm Vúc.
Như vậy, chỉ duy nhất trận đầu tiên là phần thắng tranh cãi thuộc về phía võ sĩ Hồng Kông. Còn lại, phía Việt Nam toàn thắng cả 9 trận sau đó. Theo võ sư Hồ Tường thì sau kỳ võ đài này, võ sĩ Việt nam mới nhận ra rằng võ thuật trong phim ảnh là võ thuật dàn dựng, khác hoàn toàn với võ thuật thi đấu trên võ đài.
Cũng sau kỳ võ đài năm đó, một võ sư nổi tiếng của Việt Nam là Lý Huỳnh đã lên tiếng thách đấu Lý Tiểu Long. Thế nhưng lời tuyên bố thách thức đó không biết có tới tai Lý Tiểu Long hay không, nhưng đã không thấy Lý Tiểu Long hồi đáp.
Còn riêng về võ sĩ Trần Cường và Thạch Sơn, võ sư Hồ Tường cho biết: "Sau năm 1975, khi sư phụ của hai nhân vật này là võ sư Trần Xil qua đời thì giới võ lâm miền Nam cũng không còn tin tức gì của Trần Cường và Thạch Sơn. Trong số các võ sĩ Việt Nam dự kỳ đài năm đó thì chỉ còn Trần Bình Long của võ đường Phạm Văn Chí năm xưa là người mà tôi có hay tin nhưng hiện giờ ông ấy cũng đã cao tuổi".
*(Bài viết được ghi chép theo lời kể của võ sư, tiến sĩ Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà).