Dù Iran được đánh giá cao hơn hẳn Việt Nam, nhưng cuối cùng Nhật Bản lại thắng với tỉ số đậm đà 3-0. Ngay sau trận đấu, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng phải đến khi gặp Iran, người Nhật mới thực sự bung sức.
Còn trước đó, Samurai xanh cố tình "giấu bài" trước Việt Nam nên chỉ thắng 1-0. Vậy, sự thật thì Nhật Bản liệu có "nương tay" khi đối đầu với thầy trò HLV Park Hang-seo?
Đòn độc của Nhật Bản
Theo nhận định của HLV Park Hang-seo, các đội bóng Tây Á thường không giữ được sự lạnh lùng, bình tĩnh. Mỗi khi đối đầu với đội bóng đến từ khu vực này, nhà cầm quân người Hàn Quốc tin rằng nếu đủ kiên trì, ĐT Việt Nam sẽ đợi được đến lúc đối thủ tự suy yếu và ra đòn quyết định.
Nhật Bản đã khôn khéo đưa Iran vào bẫy theo cách như thế. Trong thế trận giằng có, các cầu thủ Iran mắc một sai sót sơ đẳng dẫn đến bàn thua đầu tiên.
Minamino một mình đuổi theo bóng, trong khi các cầu thủ Iran bận phân bua với trọng tài dù chưa có tiếng còi.
Khi Takumi Minamino ngã xuống trước vòng cấm, trọng tài chưa thổi còi thì một loạt cầu thủ Iran đã đứng lại phân bua. Riêng Minamino mặc kệ tranh cãi, đứng dậy đuổi theo bóng và tạt vào cho Osako đánh đầu ghi bàn.
Ngay cả trên những sân bóng "phủi", các cầu thủ cũng không dừng lại đột ngột khi bóng vẫn trong sân và đối thủ vẫn đang tấn công như thế.
Sau bàn thua, Iran không còn giữ được bình tĩnh. Quả penalty từ VAR càng khiến họ bối rối và cuối cùng kết thúc trận đấu với thảm bại 0-3.
Nhật Bản "giấu bài"?
Đội hình xuất phát của Nhật Bản trong trận đấu với Iran và Việt Nam khác biệt duy nhất một cái tên: Osako. Osako cũng chính là người lập cú đúp vào lưới Iran. Nhật Bản biết có thể thắng Việt Nam mà chẳng cần Osako? Có vẻ là không.
Trong tay HLV Moriyasu có nhiều chân sút xuất sắc. Và việc sắp xếp ai đá chính tùy theo nhận định về đối thủ cũng như chiến thuật mà nhà cầm quân này đề ra.
Osako đang tỏa sáng rực rỡ. Nhưng tại Asian Cup anh cũng mới chỉ ra sân đúng 3 trận, một phần do chấn thương. Nên nhớ khi Nhật Bản gặp Saudi Arabia, Osako thậm chí còn chẳng góp mặt phút nào. Đến trận đấu với Việt Nam, anh còn có khoảng 20 phút cuối để tung hoành.
Có thể khi vắng Osako, Nhật Bản thiếu đi một phương án tấn công khung thành Việt Nam. Nhưng với dàn sao như Minamino, Kitagawa, Haraguchi hay Nagatomo, sức mạnh của đội bóng xứ Mặt trời mọc vẫn quá khác biệt.
Nhật Bản làm chủ thế trận trước Việt Nam, điều chỉnh nhịp độ trận đấu theo ý muốn, tạo ra hàng tá cơ hội trước khung thành thủ môn Đặng Văn Lâm. Sau khi dẫn bàn, họ chủ động giữ vững thành quả, không còn tấn công dồn dập nữa.
Từ đây, có ý kiến cho rằng Nhật Bản kiểm soát được mọi diễn biến trên sân và chỉ giữ chiến thắng ở tỉ số 1-0. Ý kiến này thiếu tôn trọng nỗ lực của cả Nhật Bản lẫn Việt Nam.
Takumi Minamito không thể chiến thắng được Đặng Văn Lâm.
Nếu chỉ cần thắng 1-0, Minamito đã không tiếc nuối đến thế khi bị Đặng Văn Lâm từ chối bàn thắng. Và không thể quên biến số bất ngờ mà người Nhật chưa chắc đã tính toán được mang tên Công Phượng hay Quang Hải.
Nếu pha băng vào của Quang Hải trong hiệp một đưa bóng vào lưới, hay một trong các pha solo của Công Phượng thành công, mọi thứ sẽ đi theo chiều hướng rất khác.
Trong một trận đấu vòng knock-out, chỉ một sai lầm nhỏ có thể thay đổi trận đấu. Hàn Quốc và Australia thất bại là những ví dụ hùng hồn. Nhật Bản, với mục tiêu tối thượng là giành ngôi vô địch, chắc chắn không dại dột đến mức giữ sức và để khung thành đội nhà gặp nguy hiểm khi mới dẫn 1 bàn.
3-0 trước Iran, vì Nhật Bản đánh đúng tử huyệt của đối phương. 1-0 trước Việt Nam, bởi Nhật Bản gặp phải đối thủ dù kém hơn về nhiều mặt nhưng lại tiếp cận trận đấu một cách tỉnh táo và lì lợm, cộng thêm một thủ môn xuất thần.
Bóng đá không có tính chất bắc cầu, mỗi trận đấu là một câu chuyện riêng. Tại World Cup 2014, trước khi hạ Brazil 7-1, Đức chỉ vượt qua Pháp 1-0 và Algeria 2-1. Ngày đó Đức liệu có "giấu bài"? Câu hỏi nghe thôi đã thấy lạ lùng.
Bán kết Asian Cup 2019: Nhật Bản 3-0 Iran (nguồn: AFC)
00:02:20
Bán kết Asian Cup 2019: Nhật Bản 3-0 Iran (nguồn: AFC)