Tuyển Việt Nam gặp Thái Lan: Thắng thua ở đôi chân, không phải ở cái đầu Tuyển Việt Nam gặp Thái Lan: Thắng thua ở đôi chân, không phải ở cái đầu , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Không ít ý kiến cho rằng đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020 là sai lầm của huấn luyện viên Park Hang Seo và ban huấn luyện. Tuy nhiên có thực sự đội tuyển Việt Nam sợ gặp Thái Lan?
Sau vòng bảng AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam đứng nhì bảng B, bằng điểm nhưng kém chỉ số phụ so với Indonesia. Do vậy, Việt Nam sẽ gặp đội tuyển Thái Lan ở bán kết. Có nhiều ý kiến cho rằng, HLV Park Hang Seo phạm sai lầm khi không chú ý đến số bàn thắng nên trận đấu với Lào hoặc ngay cả với Campuchia đã không để học trò bung hết sức nhằm có những chiến thắng đậm và Việt Nam giành ngôi đầu bảng B, tránh gặp Thái Lan ở bán kết.
Phải nói rằng thật đáng tiếc khi Việt Nam gặp Thái Lan tại bán kết. Đáng tiếc ở đây là đối với giải đấu đang diễn ra tại Singapore. Đội tuyển Thái Lan và Việt Nam là hai đội bóng mạnh nhất khu vực, có đẳng cấp vượt trội hơn các đội bóng khác. Vì vậy đối với giải đấu, Việt Nam gặp Thái Lan ở chung kết sẽ là kịch bản tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, cặp đấu này lại diễn ra tại bán kết nên trận chung kết AFF Cup, dù đội bóng nào có mặt, cũng sẽ không hấp dẫn bằng trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan.
Về việc đội tuyển Việt Nam đáng ra phải tránh Thái Lan ở bán kết. Xin khẳng định luôn, đó là tư duy sai toàn diện và cần được xóa bỏ nhanh chóng, vì ở thời điểm này, đội tuyển Việt Nam chắc chắn không có lý do gì để phải sợ Thái Lan.
Thứ nhất, nếu không gặp nhau, cứ cho rằng Việt Nam và Thái Lan đều thi đấu tốt ở bán kết trong trường hợp gặp đội khác và sau đó hai đội gặp nhau ở chung kết. Nếu đội tuyển chúng ta thua ở chung kết, đó vẫn là một thất bại và rõ ràng tấm huy chương bạc so với việc chỉ vào bán kết thì cũng chẳng khác gì nhau. Cần nhớ rằng từ trước tới nay, lịch sử chỉ lưu danh người chiến thắng, không ai lưu danh kẻ thất bại. Vì vậy khi gặp nhau vẫn là những cuộc chiến "sinh tử" thì gặp ở bán kết, chung kết không khác gì nhau. Muốn giành vinh quang, chúng ta phải chiến thắng tất cả mọi thử thách.
Thứ hai, tư duy sợ Thái Lan cần phải được loại bỏ triệt để. Quả thật, trong quá khứ, có khoảng thời gian rất dài đội tuyển Việt Nam thường thua trước Thái Lan, thậm chí thua đậm. Điều đó khiến tâm lý e ngại người Thái hằn sâu vào tâm trí nhiều người, nhưng mọi thứ đã thay đổi theo thời gian.
Từ khi huấn luyện viên Park Hang Seo tới Việt Nam, các cầu thủ Việt Nam không thua Thái Lan ở mọi cấp độ đội tuyển. Hơn bốn năm qua là một khoảng thời gian không phải ngắn, các cầu thủ có nhiều lần thi đấu với đối phương, nên trước đây cho dù bản thân họ có e ngại thì tâm lý ấy giờ đây cũng không còn. Chẳng ai đi sợ hãi một đối thủ mà mình liên tục không thua.
Thứ ba, cần phải nói về vị thế bóng đá Việt Nam thay đổi rất mạnh trong thời gian qua. Bóng đá trẻ Việt Nam về nhì ở U23 châu Á 2018, vô địch SEA Games 2018. Đội tuyển Việt Nam ghi dấu ấn mạnh ở Asiad 2018, Asian Cup 2019, vô địch AFF Cup 2018, là đội bóng duy nhất của Đông Nam Á tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Chừng đó thành tích thừa đủ chứng minh sự vươn tầm của bóng đá Việt Nam. Cứ cho rằng nền bóng đá trong nước của Việt Nam chưa phát triển mạnh, nhưng điều đó có thể gây lo ngại về nguồn nhân lực trong tương lai cho đội tuyển quốc gia. Hiện tại, khi đội tuyển vẫn còn những thế hệ cầu thủ làm nên những chiến tích huy hoàng nêu trên, còn huấn luyện viên Park Hang Seo thì Việt Nam vẫn đang ở trên "đỉnh cao" chứ chưa phải đã rơi vào giai đoạn suy thoái. Do đó chưa cần phải "lo".
Nói chung, tại thời điểm hiện tại, chẳng có một lý do nhỏ nhoi nào khiến đội tuyển Việt Nam phải sợ Thái Lan. Tất nhiên, một cuộc chiến luôn có thắng có thua. Đội bóng nào cũng mong chiến thắng và ngay cả kịch bản xấu nhất, chúng ta thua, đó là thua về mặt kết quả, "thua về đôi chân" chứ không phải thua tâm lý, "thua ở cái đầu".