1. Năm 2009 trên đất Lào, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đến gần với tấm huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games đến thế. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa tưởng như đều nằm trong tay thầy trò Henrique Calisto. Tại vòng bảng, U23 Việt Nam chỉ hòa đối thủ số một U23 Thái Lan và thắng cả ba trận còn lại để chễm chệ ở ngôi đầu bảng.
Không những thế, Voi chiến còn bất ngờ bị loại bởi thất bại bất ngờ trước U23 Malaysia ở lượt trận cuối. U23 Việt Nam hiên ngang tiến vào chung kết bằng màn hủy diệt những chú sư tử non U23 Singapore với tỷ số 4-1 để tái ngộ U23 Malaysia, đội bóng thầy trò Calisto đã đè bẹp 3-1 tại vòng bảng.
Và rồi, giấc mơ vàng vụn vỡ như giọt nước mắt ai cay xè lăn dài trên má rớt xuống hư không. Đối với những chứng nhân năm ấy, dù là người trong cuộc hay CĐV, có lẽ mỗi khi nhắc tới SEA Games 25 đều cảm thấy nhói đau hoặc thậm chí cay xè đôi mắt. Trọng Hoàng là một trong số đó, thậm chí không nhiều người đau đớn như anh.
Ký ức đau đớn của Việt Nam ở Chung kết SEA Games 2009.
Năm đó, Hoàng "bò" 21 tuổi, là một trong những trụ cột của U23 Việt Nam bên cạnh Thành Lương, Thanh Bình, Phan Thanh Hưng, Mai Xuân Hợp hay Mai Tiến Thành. Bằng lối chơi dũng mãnh uy vũ, Trọng Hoàng cùng Lương "dị" trở thành hai mũi giáp công của U23 Việt Nam. Trận gặp Malaysia ở vòng bảng, chính Hoàng ghi bàn ấn định tỷ số với một pha vặn sườn hậu vệ và sửa lòng bằng chân trái vào góc xa.
2. Vì quy chế thời điểm đó chỉ cho phép cầu thủ dưới 23 tuổi tham dự môn bóng đá nam, SEA Games 25 tưởng chừng là lần đầu tiên và duy nhất Trọng Hoàng được tham dự sân chơi gắn chặt với ký ức của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, cánh cửa lại mở ra với Hoàng "bò" khi ở SEA Games 30, quy chế sử dụng cầu thủ là U22 +2, tức có 2 cầu thủ trên 22 tuổi được tham dự.
Tất nhiên, để vẫn đứng trước cánh cửa ấy sau 10 năm, Trọng Hoàng phải tài năng và bền bỉ như thế nào. 10 năm trước có thể anh là ngôi sao mai căng tràn nhựa sống, nhưng hôm nay để người cận vệ già ấy vẫn tận tụy và bền bỉ mới thật bất phàm. Và lần này sẽ là lần cuối, như cầu thủ gốc xứ Nghệ chia sẻ trên trang cá nhân trước thềm giải đấu.
Hoàng bồi hồi trở lại sân chơi anh từng tung hoành 10 năm trước, để xóa nhòa vết sẹo trong ký ức bản thân lẫn ký ức và nỗi khắc khoải của hàng triệu triệu người hâm mộ. SEA Games có thể không còn là sân chơi hấp dẫn nhất nhưng giá trị mà đấu trường này mang lại vẫn chưa hề mai một mà hình ảnh những quảng trường đỏ rực sau trận bán kết, dù đối thủ chỉ là U22 Cambodia là minh chứng.
Và biểu tượng cho khát khao chinh phục vàng SEA Games của người Việt chính là Trọng Hoàng chứ không phải ai khác. Trước Campuchia, Hoàng "bò" nhận không ít pha vào bóng ác ý đến mức gọi là đòn thù cũng chẳng sai, hệ quả là những lần nằm sân quằn quại đau đớn và hai chiếc đầu gối rỉ máu. Thế nhưng, Hoàng vẫn cháy hết mình trong từng pha bóng để dẫn dắt đàn em đến chiến thắng.
3. 10 năm trước, Hoàng và những đồng đội cùng trang lứa sụp đổ bởi sự non nớt. Hôm nay, đã nhiều người đề cập đến sự giống nhau kỳ lạ của hai hành trình vào chung kết. Cũng vừa vô địch AFF Cup, cũng nằm chung bảng Thái Lan và Thái Lan bị loại, cũng thắng lớn ở bán kết và cũng gặp lại đội nhì bảng ở chung kết.
Thế nhưng, mọi sự so sánh đều khập khiễng khi lứa cầu thủ hiện tại dày dạn kinh nghiệm hơn rất nhiều nhờ cọ xát tại các giải tầm vóc châu lục. Hơn nữa, họ được dìu dắt và che chở bởi người cận vệ tận tụy và bền bỉ như Trọng Hoàng, người không chỉ đem đến sự cơ động tuyệt hảo vốn có của một người không phổi mà còn là điểm tựa tinh thần cho cả toàn đội.
Cuộc đời cầu thủ bất quả chỉ một lần 10 năm. Hoàng cũng đã có đủ mọi vinh hoa mà một ngôi sao bóng đá có thể có. Thế nhưng, khi trước mắt là trận chiến cuối cùng, 10 năm sau ký ức đớn đau tại SEA Games 25 và 30 năm cơn mộng vàng vẫn dở dang từ ngày hội nhập, trong Hoàng cũng như mọi người hâm mộ bóng đá Việt không thể không dềnh lên một cảm xúc khó tả. Đơn giản, đã đến lúc chấm dứt giấc mơ khắc khoải này.
https://soha.vn/nguoi-can-ve-gia-va-thoi-khac-cham-dut-con-mong-vang-do-dang-suot-10-nam-20191208142333985.htm