Công Phượng: Tiếng đàn piano hay tiếng kèn Vuvuzela trong dàn giao hưởng của thầy Park? Công Phượng: Tiếng đàn piano hay tiếng kèn Vuvuzela trong dàn giao hưởng của thầy Park? , Người xứ Nghệ Kiev
Tâm Anh - Ảnh: Tú Anh, Đoàn Ca |
Trận thắng trước UAE, có lẽ Công Phượng là thứ duy nhất người ta có thể than phiền ở đội tuyển Việt Nam. Song cũng có không ít nhận định rằng CP10 đá như thế là do thầy Park.
1. Thực ra, việc trầm trồ hay khó chịu với những pha đi bóng của Công Phượng trong trận đấu với UAE, phần lớn nằm ở cảm xúc của người theo dõi. Nó như điểm nhấn thực sự làm sống lại ký ức U19 Việt Nam, U19 HAGL ngày nào, gợi cho người ta nhớ lại về một thời những pha đi bóng lắt léo, đậm chất kỹ thuật và cống hiến ấy là ánh sáng xua tan đi đám mây mù u ám của bóng đá Việt Nam sau gần một thập kỷ sa sút đến thảm hại, cho đến ngày lứa U19 của bầu Đức xuất hiện.
Song ở một góc nhìn khác, một cảm nhận khác, nó là thứ đem đến sự khó chịu đến kinh người. Công Phượng chạm vào bóng, là người ta biết ngay rằng rồi sớm muộn cũng là những pha rê dắt lát nhắt, những pha gạt bóng, đảo người, nhưng chẳng thể bứt tốc hay tung ra bất cứ pha kết thúc nào, và rồi sớm muộn cũng mất bóng vào chân đối phương.
Nó như khi người ta yêu nhau, mỗi lời nói của người mình yêu cũng đều là tiếng đàn piano thánh thót, réo rắt vang lên nền của một dàn giao hưởng, thật lộng lẫy, thật cuốn hút, quyết rũ và mê đắm. Còn khi hết yêu nhau, hết muốn nhìn mặt nhau nữa, thì vẫn giọng nói ấy, dù có ngọt ngào đến mấy, thì cũng như vác cây kèn Vuvuzela mà thổi giữa buổi hòa tấu của dàn giao hưởng, lạc lõng và thô kệch đến ghê người.
Vấn đề nằm ở chỗ những pha trình diễn kỹ thuật ấy của Công Phượng không "ra sản phẩm", không chạm được cứu cánh của nó, là bàn thắng giúp đội tuyển tuyển Việt Nam gia tăng khoảng cách an toàn trước UAE. Xét ở khía cạnh ấy, Công Phượng thất bại.
Nhưng dù có là gì đi nữa, thì đó cũng là lựa chọn của HLV Park Hang-seo, với tính hai mặt mà nhà cầm quân này phải chấp nhận. Có thể trong 6, 7 lần đi bóng, ông chỉ cần Công Phượng thành công một lần. Hoặc ông muốn Công Phượng làm đối phương tiêu hao thể lực. Hoặc đơn giản là khi đội bạn thiếu người, chúng ta cần thêm những giải pháp khó đoán hơn.
Cái cách mà Công Phượng chơi bóng trước UAE mang nặng một sự cực đoan, nhưng chẳng phải bàn thắng đem chiến thắng về cho thầy trò HLV Park Hang-seo trước UAE của Tiến Linh cũng đến từ một lựa chọn xử lý cực đoạn chẳng kém đó sao?
Tiến Linh nhận bóng ở trung lộ, ở một vị trí rất xa khung thành đối phương, bất thần tung một cú sút ở đẳng cấp Ronaldo. Đó là tình huống rất nhiều tiền đạo có đẳng cấp cao hơn chân sút Việt Nam rất nhiều không dám thực hiện, nhất là trong một trận đấu quan trọng đến nhường ấy. Ở tình huống ấy, Tiến Linh có rất nhiền lựa chọn, thay vì tung chân sút.
Với pha xử lý bóng cực khó và liều lĩnh ấy, Tiến Linh xác định sẽ phải nhận sự chỉ trích nếu bóng đi ra ngoài, như cái cách mà người ta từng chỉ trích Tuấn Tài sau trận hòa trong thế hơn người của U22 Việt Nam dưới tay HLV Hữu Thắng với U22 Indonesia ở SEA Games 2017. Xác suất ăn bàn của cú sút ấy là vô cùng thấp. Nhưng cuối cùng chính lựa chọn cực đoan ấy đã biến anh thành người hùng, với bàn thắng duy nhất đưa Việt Nam đến chiến thắng.
2. Để đánh giá chính xác nhất quyết định của Công Phượng, quyết định của HLV Park hang-seo, hãy nhìn vào thời điểm ông thầy người Hàn Quốc tung tiền đạo xứ Nghệ này vào sân.
Sau giờ nghỉ giữa hai hiệp, HLV Park Hang-seo không thay người, nhưng thay đổi sơ đồ chiến thuật. Ở thời điểm bóng lăn trở lại đầu hiệp 2, Quang Hải có mặt ngay phía trước trung vệ lệch trái Bùi Tiến Dũng để nhận bóng, thậm chí là nhận bóng liên tiếp.
Đội tuyển Việt Nam thời điểm ấy chuyển sang chơi với sơ đồ 3-5-2, với Tuấn Anh chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ, Quang Hải và Hùng Dũng được đặt vào vị trí của cặp tiền vệ tấn công, như cách mà họ vẫn chơi ở CLB Hà Nội. Văn Toàn và Tiến Linh trở thành cặp tiền đạo thực sự, với mục đích tạo ra sức ép lớn hơn lên khung thành của UAE, với đích đến là bàn thắng nhân đôi cách biệt khi đối phương phải chơi thiếu người.
Sự thay đổi ấy cũng đồng thời giải phóng Văn Hậu và Trọng Hoàng ở hai cánh. Các học trò của HLV Park Hang-seo triển khai tấn công mạch lạc hơn trước đối thủ chỉ có 10 người, bằng những pha tấn công theo nhóm 3 người ở cả hai biên, với Văn Hậu - Quang Hải - Tiến Linh ở bên trái, và Trọng Hoàng - Hùng Dũng - Văn Toàn ở bên phải.
Nhưng quan trọng nhất, là bàn thắng mà ông Park cần lại không đến.
Thay vào đó, thay đổi để lấy thế trận này của HLV Park Hang-seo cũng đem lại sự mạo hiểm lớn hơn cho đội tuyển Việt Nam. Trong bối cảnh cần bàn thắng gỡ hòa, UAE đã có những nỗ lực rất đáng khen, với sự có mặt thường trực hơn của Abdulrahman ở trung lộ, và sau đó là sự góp mặt của Mubarak - tiền vệ dám cầm bóng và thực hiện những quyết định xử lý táo bạo.
Đấy cũng là quãng thời gian người hâm mộ chứng kiến một Tuấn Anh bừng sáng, ở vị trí phía sau Quang Hải và Hùng Dũng để thu hồi bóng. Quãng thời gian thay đổi của đội tuyển Việt Nam kéo dài khoảng 20 phút, và đó là quãng thời gian đủ để Tuấn Anh nhận được những lời trầm trồ từ mọi người.
Song cũng trong 20 phút ấy, UAE cũng có được ít nhất hai cơ hội đưa bóng tới vòng cấm của đội tuyển Việt Nam, trong đó có một tình huống căng ngang "có sức nặng" - điều mà suốt hiệp 1, với đầy đủ 11 cầu thủ trên sân, họ thậm chí còn không làm được.
Tuấn Anh thực sự xuất sắc ở vai trò tiền vệ phòng ngự để thu hồi bóng, nhưng với ông Park, 20 phút chứa đựng sự rủi ro ấy có lẽ đã là đủ. Thời điểm người ta thấy sự nhăn nhó trên gương mặt của HLV người Hàn Quốc, tiếp đấy là những bước chân vội vã vượt ra khỏi phạm vi huấn luyện, cũng là lúc "bài test" cho Tuấn Anh, cũng như cho sự thay đổi chiến thuật ở đầu hiệp hai kết thúc.
Công Phượng được tung vào sân để chơi ở hành lang phải, và đội tuyển Việt Nam thêm lần thay đổi chiến thuật. Từ 3-5-2 đẹp mắt, đội hình được chuyển sang 3-4-2-1/5-4-1 đầy xù xì, nhưng đặt hiệu quả an toàn lên hàng đầu.
Công Phượng chính là sự đánh đổi của HLV Park Hang-seo, từ bỏ đúng lúc tham vọng nhân đôi cách biệt, để bảo vệ an toàn lợi thế có được,và quan trọng nhất là chiến thắng sau cùng.
Bảo Công Phượng là "vật tế thần" của HLV Park Hang-seo trước UAE cũng chẳng sai, nhưng ở một góc nhìn nhẹ nhàng hơn, nó là thử thách, cũng là cơ hội của Công Phượng. Ở đó, Công Phượng được trao quyền thực hiện bản độc tấu của riêng mình, trong khi cả đội sẽ lùi lại, để đóng vai trò dành giao hưởng làm nền, đảm bảo cho một đêm diễn thành công.
Màn trình diễn của Công Phượng, xét trong hoàn cảnh ấy chưa thể là tiếng piano solo đủ hay, réo rắt để nhận được lời khen ngợi, nhưng quan trọng nhất là đội tuyển Việt Nam chiến thắng, và thêm lần nữa HLV Park Hang-seo chứng minh được tài cầm quân ứng biến siêu phàm của mình.