Sau trận chung kết trên đất Thường Châu, HLV Park Hang Seo đã đến kéo từng "đứa cháu nhỏ" của mình đứng dậy rồi hét lớn: "Không được cúi đầu! Chúng ta đã cố gắng hết sức, vậy thì tại sao phải cúi đầu?". Trước trận tứ kết lịch sử tại Indo, người cựu chiến binh già lại tiếp tục gọi cả đội chụm đầu và dặn: "Chúng ta là người Việt Nam, các bạn rõ chưa? rõ chưa?" Vào trận đấu, tôi xúc động mãi với cái cách vị HLV người Hàn Quốc đặt tay lên ngực trái, nơi có lá cờ Việt Nam khi Quốc Ca Việt Nam vang lên. Lúc này, không ai coi ông là một người nước ngoài nữa. Dòng máu chảy trong người ông là dòng máu Hàn, nhưng với tinh thần chiến đấu bất khuất, niềm tự hào dân tộc, ý chí và sự đoàn kết mà ông dày công xây dựng cho tập thể Olympic Việt Nam, HLV Park là của Việt Nam!
Người dân Việt Nam sống trong bầu không khí hào hùng dân tộc
Hình ảnh nào vinh quang nhất và cũng xót xa nhất khi chúng ta chiến thắng hết đối thủ này đến đối thủ khác, vượt qua hết chông gai này đến khó khăn kia? Không gì đẹp hơn, đó là Mồ hôi và Máu! Máu đổ từ Thường Châu tới Indo, cầu thủ này gục xuống, cầu thủ khác lại đứng lên, lại đổ máu và nằm xuống, nhưng chưa bao giờ hoàn toàn gục ngã! Khoảnh khắc Quang Hải nằm đó, máu chảy đầy mí mắt, vừa lau đi máu lại xối ra, và chỉ một phút sau em lại xông xáo chạy khắp sân như chẳng hề hấn gì cả... Khoảnh khắc Duy Mạnh bị đau nằm sân mà đội bạn không dừng bóng, trọng tài cũng không thổi còi dừng trận, em lại gượng đứng lên để rồi không vượt qua được, ngất lịm đi khi tiếng còi hết trận vang lên...Khoảnh khắc Xuân Mạnh ôm cái lưng đau chạy từ đường pitch vào sân, mặc kệ nó có là chấn thương gì đi nữa, chỉ để cùng những người anh em "đá một trận chết bỏ"...Mỗi một hình ảnh đó đều là sự hi sinh, tận hiến, đều là vì niềm kiêu hãnh của một dân tộc, đều là vì sự trông ngóng của hàng triệu trái tim nơi quê nhà.
Một đội bóng bất lợi về thể hình, thua sút về thể lực, một đội bóng bị chủ nhà Indo làm khó từ sân tập cho tới mọi điều kiện thi đấu, một đội bóng cứ ra sân là phải đối đầu với những người khổng lồ, bị chơi xấu, bị vùi dập, bị thiên vị...đội bóng ấy cứ lừng lững tiến lên, chẳng sợ gì cả, sứt đầu mẻ trán đấy, kiệt sức thở không nổi đấy, nhưng vẫn hiên ngang không để thủng lưới, không để bị khuất phục. Nhìn Văn Toàn tí hon nhằng nhẵng đeo bám hai cầu thủ khổng lồ đội bạn để giành lấy quả bóng, nhìn Tiến Dũng thủ môn lao ra khỏi khung thành ôm gọn trái bóng bất chấp mọi hiểm nguy, nhìn Đình Trọng, Đức Huy lao thân ra chắn bóng như không hề biết sợ...mới thấy các em đã hi sinh và chiến đấu một cách anh dũng thế nào.
Sau khi trận đấu kết thúc, việc đầu tiên Tiến Dũng trung vệ làm đó là mang chiếc băng thủ quân tuyển Việt Nam chạy đến trả cho đàn anh Văn Quyết. Quyết nhất định không nhận và muốn cả đội cùng ăn mừng trước, nhưng Dũng nhất định trao trả cho bằng được. Sau đó, Quyết với chiếc băng thủ quân trên tay, chạy đến xem vết thương trên mắt và hỏi thăm động viên đàn em Quang Hải cùng các đồng đội khác. Không, đây không còn một đội bóng nữa. Đây là nhà, đây là những người anh em trong một gia đình. Việt Nam chúng tôi thắng chính bản thân mình từ những điều nhỏ nhặt như thế thôi.
Dù kết quả cuối cùng có ra sao, thì đất nước Việt Nam tôi cũng đang trải qua những ngày Quốc Khánh trong hân hoan và tự hào không kể xiết. Quốc ca Việt Nam liên tiếp vang lên trên đấu trường châu lục. Và bạn đã bao giờ chứng kiến hình ảnh hàng triệu người dân đổ ra đường, cờ đỏ sao vàng vẫy rợp trời, đất nước cả một đêm không ngủ, ngoài đường phố hô vang:
- Chúng ta là ai?
- VIỆT NAM!
- Chúng ta đến từ đâu?
- VIỆT NAM!
- Chúng ta sẽ làm gì?
- VIỆT NAM VÔ ĐỊCH!
Tôi lại khóc vì Tổ quốc tôi rồi! Tự hào lắm Việt Nam ơi!!!
Độc giả Nguyễn Tuấn Trung
* Bài viết trên đây thể hiện quan điểm riêng của độc giả Nguyễn Tuấn Trung. Báo Dân Trí xin trích lại toàn bộ quan điểm của độc giả.
https://dantri.com.vn/the-thao/toi-biet-vi-sao-chung-toi-lam-nen-dieu-ki-dieu-roi-20180828131003496.htm