Chứng kiến hình ảnh Pogba tranh đá phạt đền với Rashford, nhiều người hâm mộ MU đã nhớ về trận đấu với Zalaegerszeg ở vòng loại Champions League 2002. Diego Forlan cầm quả bóng hướng về chấm đá phạt đền. Đó là cơ hội tốt để cầu thủ người Uruguay chấm dứt cơn hạn hán bàn thắng.
Thế nhưng, có một người không nghĩ như vậy. Đó là đội trưởng Roy Keane. Thủ quân của MU đã lấy bóng từ tay Diego Forlan để đưa cho… Ruud van Nistelrooy, người được Sir Alex Ferguson trao nhiệm vụ đá phạt đền.
Ở góc độ nào đó, hành động của Roy Keane được xem là phũ phàng với Diego Forlan. Thế nhưng, luật vẫn là luật. Đó là yếu tố mà mọi cầu thủ trong tập thể cần phải tuân theo. Roy Keane sinh ra để đảm bảo rằng luật ấy sẽ vận hành trên sân bóng và cả trong phòng thay đồ.
Roy Keane đại diện cho thế hệ đội trưởng “cũ kỹ”, những người phủ bóng “quyền lực” của mình một cách rõ ràng. Sau Roy Keane, người ta từng chứng kiến những “ông chủ thực sự” phòng thay đồ như Wayne Rooney, Rio Ferdinand hay Vidic.
Cách vận hành MU của Sir Alex Ferguson (với những người đội trưởng như vậy) có phần quân phiệt nhưng nó là yếu tố đảm bảo cho thành công xuyên suốt của MU trong thời gian dài.
Tất nhiên, ở góc độ nào đó, cách quản trị như vậy không phù hợp hoàn toàn với bóng đá hiện tại. HLV Pep Guardiola, Jurgen Klopp hay Pochettino đều thành công mà không cần thủ lĩnh đích thực trên sân. Thậm chí, ngay khi tới Man City, HLV Pep Guardiola đã loại bỏ những “kẻ có tầm ảnh hưởng” như Joe Hart.
Giờ đây, các HLV đã đặt vào vị thế trung tâm. Chính họ là những người thủ lĩnh cả trên sân lẫn trong phòng thay đồ. Đơn cử, HLV Pep Guardiola sẵn sàng loại bỏ những thủ môn không chơi chân tốt và có thể triển khai bóng từ phần sân nhà (ngay cả khi có tầm ảnh hưởng lớn) để phục vụ tốt nhất cho lối chơi của mình.
Thế nhưng, quay trở lại với tình hình của MU, HLV Solskjaer lại chưa có được sự cứng rắn như vậy. Ngay kể cả việc không thể phân nổi một cầu thủ đảm trách nhiệm vụ đá phạt đền cho thấy năng lực quản lý của ông thầy người Na Uy. Tình cảnh của MU chẳng khác gì PSG, khi Neymar và Cavani tranh đá phạt đền ở mùa trước. Họ là tập thể của những ngôi sao nhưng lại “lộn xộn” khi lắp ghép với nhau.
Do đó, trong giai đoạn tái thiết này, MU cực kỳ cần một thủ lĩnh. Huyền thoại MU, Paul Ince đã nổi cáu sau trận đấu với Wolves vừa qua: “HLV Solskjaer phải là người ra quyết định. Ông ấy phải làm rõ việc chỉ một người được sút phạt đền. Ông ấy phải cho thấy phẩm chất của người lãnh đạo. Hãy nói rằng các cầu thủ thôi tranh đá phạt đền đi, chỉ có một người được thực hiện.
Ở thời của tôi, khi MU có phạt đền, chẳng ai dám tranh với Eric Cantona cả. Nếu như tiền đạo này không đá thì Dennis Irwin thực hiện. Lúc nào Eric Cantona không muốn đá thì xin phép Sir Alex Ferguson hoặc Bryan Robson. Chúng tôi luôn biết rõ nhiệm vụ của từng người”.
Thực tế, đây không phải là lần đầu, người ta nói về việc MU thiếu đi thủ lĩnh. Trong những năm qua, các cầu thủ được trao băng đội trưởng như Valencia, A.Young đều không có cá tính đủ mạnh để có thể thiết lập kỷ luật của đội bóng trên sân cũng như phòng thay đồ.
MU như mớ hỗn độn với rất nhiều ngôi sao. Pogba là cầu thủ có cá tính lớn nhưng nó lại không được sử dụng để trở thành thủ lĩnh. Thậm chí, ở chiều ngược lại, chính cá tính của Pogba lại góp phần tạo ra sự bất ổn.
Rõ ràng, MU sẽ còn loay hoay và bất ổn nếu như họ vẫn tiếp tục tái hiện những “trò trẻ con” như trận đấu với Wolves. Đã đến lúc họ cần phải lớn hơn và cùng nhìn về một hướng…