Trong quán càphê trên con phố Nguyễn Ngọc Vũ ở thủ đô Hà Nội, tôi và Hoa Lý ngồi trò truyện với nhau về chuyện đời, chuyện thơ. Hoa Lý rất cảm động và hạnh phúc vì những vần thơ bình dị từ một trái tim yêu nước nồng nàn đã được khán giả nói chung và những người lính Hải quân biết tới!
Nhà thơ Hoa Lý sang lao động tại Kiev – Ucraina từ tháng 2 năm 1988 và ở lại cho tới giờ. Trải qua bao thăng trầm của cuộc mưu sinh vất vả xứ người nhưng tình yêu quê hương vẫn luôn bỏng cháy trong trái tim. Cảm xúc đó đã giúp những vần thơ ngân lên, tiếp thêm sức mạnh cho Hoa Lý cùng với TBT Hồ Sỹ Trúc trong việc biên tập trang điện tử Nguoixunghekiev ngày càng phong phú hơn, hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực nhất: Ủng hộ quỹ “Trái tim cho em”, quyên góp ủng hộ Cảnh sát biển Việt Nam... trong những ngày biển Đông dậy sóng. Hoà chung trái tim của hàng triệu kiều bào là những vần thơ cháy bỏng, sục sôi gửi về quê hương, về biển Đông những tình cảm tha thiết nhất. Và nhờ có mạng Facebook đã kết nối những tâm hồn đồng điệu để nhạc chắp cánh cho thơ, đem tình yêu biển đảo tới những người chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy. Nhờ phụ trách trang báo mạng Nguoixunghekiev.vn, tin tức về quê hương, về biển đảo luôn cập nhật cùng với niềm đam mê thơ, nỗi trăn trở về chủ quyền thiêng liêng đã giúp Hoa Lý viết nên những vần thơ ngập tràn tình yêu quê hương đất nước và trái tim luôn hướng về Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu!
Tập thơ “Khát vọng biển Việt Nam” được Hoa Lý hoàn thành trong vòng chưa đầy một tháng sau khi Hoa Lý tìm hiểu thông tin về Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Hoa Lý muốn dành tặng những người chiến sĩ đang canh gác biển đảo thiêng liêng, gia đình và bè bạn. Với một thông điệp: Khi Tổ quốc bão giông” – “triệu con tim chung một lòng” hướng về nơi máu thịt thiêng liêng đang bị xâm phạm. “Khi Tổ quốc bão giông” – tinh thần yêu nước lại bừng bừng thức dậy trong mỗi trái tim Việt. “Khi Tổ quốc bão giông” – toàn dân lại nắm chặt tay nhau ca khúc Kết đoàn, và “Hịch biển Đông” như một lời hiệu triệu, thúc giục những trái tim yêu nước!- Là sự đồng điệu giữa nhạc và thơ “Khi Tổ quốc bão giông”! “Khi Tổ quốc bão giông” là tiếng lòng của đứa con xa Tổ quốc nhưng trái tim vẫn luôn hướng về đất Mẹ Việt Nam, về biển Đông đang dậy sóng. Là món quà dành tặng những người lính Hải quân đang ngày đêm đương đầu với bao gian khổ, hiểm nguy.
Trở về Việt Nam vào cuối tháng 8-2014, tập thơ “Khát vọng biển Việt Nam” được hoàn thành vào ngày 9-10-2014, được in ấn tại NXB QĐND.
Đồng cảm với những vần thơ của chị, nhiều nhạc sỹ đã phổ nhạc thơ thành những ca khúc đến với rộng rãi công chúng.
Ấn tượng nhất là bài thơ “Khi Tổ quốc bão giông” viết vào tháng 6-2011 khi diễn ra sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của ta. Và cho tới khi diễn ra sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 thì bài thơ “Khi Tổ quốc bão giông” vẫn nguyên tính thời sự. Ngay khi đó, Hoa Lý đã gửi bài thơ vào inbox cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp với lời nhắn “Kính gửi chị tấm lòng của một người con xa Tổ quốc!”. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã thức gần như trắng đêm để phổ nhạc và Hoa Lý cũng thao thức cùng chị khi “Hịch biển Đông” ra đời! Ca khúc đã ngay lập tức được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng như Vnexpress, mạng MP3, Youtube và sau đó được dàn dựng trong chương trình “Những người giữ biển” kỷ niệm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15-6-2014. Và một thời gian sau, nhạc sĩ Trần Xuân Lâm – Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa cũng đã phổ thành ca khúc cùng tên trên nền nhạc Piano. Ngoài “Hịch biển Đông”, nhạc sĩ Quỳnh Hợp còn có những ca khúc phổ thơ Hoa Lý như: “Chuyện người lính đảo’, “Tiếng gọi quê hương”, “Khát vọng xanh” nằm trong album “Tổ quốc cánh sóng”, “Vì biển Đông”, “Thương nhớ biển quê hương”... Chùm ca khúc về Hà Nội: “Mơ về Hà Nội”, “Nhịp bước em về” “Níu bước thu đi” trong album “Phố Thu” vừa hoàn thành cùng nhiều ca khhúc khác. Tác giả Trần Thanh Dũng – một giáo viên mỹ thuật tại Nghệ An đã phổ bài thơ “Khát vọng thanh bình”, “Đôi cánh giữ bình yên” thành những ca khúc cùng tên. Ngoài những ca khúc về chủ đề biển đảo là những ca khúc in đậm tình yêu quê hương đất nước và thiên nhiên “Vương vấn thu Hà Nội” (Thạch Cầu); “Hà Nội thu”, “Hà Nội trong trái tim tôi”, “Thu về bên bác Văn” (Hồ Hoàng), “Hà Nội thu”, “Em về phố thu”, “Hà Nội- Thăng Long ngàn năm”, “Tình quê”, “Quê hương tôi”- (Trần Thanh Dũng), “Nhớ về quê mẹ” (Nghiêm Sỹ Hoà); “Nhị Hà yêu thương” (Trần Huyền Nhung); “Đêm đông xứ lạ”, “Đi tìm thơ”, “Lập đông”, “Mùa xuân của bé” (Trần Xuân Lâm)...
Với tác phẩm thơ “Khát vọng biển Việt Nam” mới ra mắt bạn đọc, Hoa Lý tâm sự rằng chị đã “đến” với người lính Hải quân qua những bài báo, những bức ảnh về Trường Sa. Những bức ảnh, những câu chuyện về người lính biển trong đó có cả những câu chuyện của chồng Hoa Lý – đã từng đóng quân tại đảo Ngọc Vừng đã giúp Hoa Lý hình dung rõ hơn về cuộc sống của người lính Hải quân, về sự hy sinh, quả cảm và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng! Tất cả hoà nhịp cùng những vần thơ, những nốt nhạc đồng điệu để thơ hoà quyện với nhạc, với tình yêu đất nước, con người, luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta. Hoa Lý ước ao sẽ một lần được ra thăm Trường Sa, mang “Khát vọng biển Việt Nam” đến với những người lính biển.
BOX: Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý sinh năm 1969 tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Chị là học sinh giỏi văn toàn quốc năm 1986 và có nhiều tác phẩm văn học, thơ ca đoạt giải thưởng trong nước và ngoài nước. Hiện chị là Hội viên Hội VHNT Việt Nam tại Liên Bang Nga; hội viên Hội nhà văn Hà Nội; Biên tập báo Nguoixunghekiev.vn. Đại diện tác phẩm mới tại Ucraina…
Thu Hương - Báo Hải quân