Xử lý Video Hồ Sỹ Trúc
Ô-đe-sa, thành phố cảng ở phía Nam nước Cộng hòa Ucraina, nơi được coi là “hòn ngọc của Biển Đen”, thời điểm này dẫu vẫn khá bình yên trong bối cảnh chung đang đầy biến động... nhưng cuộc sống của người dân nói chung và cộng đồng người Việt ở đây nói riêng đều đang trải qua không ít khó khăn bởi làm ăn, mưu sinh dường như đang “thời chiến sự”.
Đến Ôđessa thời điểm này, một khung cảnh chung vẫn rất tươi đẹp, thanh bình và khá lý tưởng cho kỳ nghỉ hè của người dân từ khắp mọi miền của Ucraina vẫn đổ về đây khá đông. Đây đó trên đất nước Ucraina, đặc biệt là mấy tỉnh miền Đông và Đông Nam vẫn đang là những diễn biến căng thẳng... thì ở đây, đối với cộng đồng bà con người Việt vốn chủ yếu sống bằng hoạt động kinh doanh chợ... sự căng thẳng chỉ hiện hữu ở những buổi chợ không còn nhộn nhịp, đông đúc và hàng hóa bán không “chạy” như trước nữa.
Chợ “Cây số 7” rộng tới 80 ha, nằm ở nơi giao nhau của các tuyến giao thông quan trọng, nối Ucraina với nước cộng hòa Mônđôva và rất gần với nhiều nước cộng hòa khác cùng trong Cộng đồng các quốc gia Độc lập lại không cách xa biên giới nước Nga quá nhiều... Chính bởi vậy, đây trở thành chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho cả một vùng rộng lớn của nhiều tỉnh, thành khác nhau trong và ngoài Ucraina. Trong số đó, những bạn hàng Nga là một trong những “đối tác” khá lớn của những tiểu thương tại chợ này. Thế nhưng, thật rủi ro, kể từ khi những biến động chính trị nổ ra, bạn hàng truyền thống từ LB Nga trở thành những “người không được hoan nghênh” và gần như những tiểu thương người Nga vốn hay đi “cất hàng” ở chợ này đã không thể vào – ra Ucraina được nữa. Thêm vào đó, những cuộc giao tranh ở một số tỉnh phía Đông Ucraina cũng đang ảnh hưởng đến mọi hướng giao thương. Tình hình này đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân Ucraina nói chung và chính những người kinh doanh ở Ucraina nói riêng mà trước hết là ở khu chợ “Cây số 7” này. Cộng đồng Việt Nam tại Ôđesa cũng tập trung chủ yếu buôn bán ở đây.
Hôm theo chân anh Phạm Ngọc Êm, Đại diện Ban Quản lý Nhóm kinh doanh người Việt ra thăm chợ, tôi được tận mắt chứng kiến quy mô “hoành tráng” của cả một khu chợ rộng lớn khi đứng từ trên một ngọn đồi phóng tầm mắt nhìn xuống. Anh Êm kể, những cửa hàng ở đây, thời kỳ đắt nhất, tính ra tiền VN lên đến mười sáu, mười bảy tỷ đồng (tương đương 8 đến 9 trăm nghìn đôla Mỹ). Nhưng bây giờ thì xuống nhiều rồi, chỉ còn khoảng 2 trăm nghìn đôla thôi. Phần vì chợ đang gặp lúc khó khăn, phần vì không đúng ngày bán buôn, lại là ngày thường nên hôm đó lượng người đến chợ không đông. Vậy mà, đi trong những dãy kiôt bán đủ các loại mặt hàng may mặc, giày dép đến các loại hàng hóa tiêu dùng và thủ công... vẫn có thể cảm nhận một không khí làm ăn rất “có quy mô” ở nơi này.
Và chúng tôi cũng cảm thấy một dấu hiệu bình yên đối với bà con kinh doanh người Việt ở đây, bởi dẫu tổng số bà con người Việt chỉ chiếm khoảng 5 đến 7% số người buôn bán ở khu chợ 14.000 chỗ này và họ đến đây bằng nhiều cách khác nhau, vào những khoảng thời gian khác nhau... nhưng họ đã nhanh chóng có một môi trường làm ăn khá an toàn, ổn định. Một mặt bởi ở đây, chính quyền địa phương khá tạo điều kiện, nhưng mặt khác, công tác tổ chức của chính nhóm bà con kinh doanh người Việt với nhau. Ngay từ rất sớm, những người kinh doanh chợ đã bầu lên một “ban quản lý” với khoảng 5 người có những hiểu biết về pháp luật, giỏi ngôn ngữ để họ làm phiên dịch và hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho bà con. Giờ đây, gặp buổi chợ không mấy suôn sẻ vì tình hình khách quan, bà con vẫn rất bình tĩnh và nghe ngóng. Nói về vấn đề này, anh Phạm Ngọc Êm cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, người Việt Nam ở chợ này vẫn cố bám trụ để lo lắng cho cuộc sống gia đình. Hiện tại chúng tôi có 5 người và phiên dịch nữa để giúp đỡ bà con trong những lúc khó khăn này để bà con được ổn định làm ăn cho tự tin hơn và không bị sự chèn ép của các thành phần khác đến người Việt Nam. Nói chung, buôn bán ở đây thì mọi người đều có chỗ bán hàng, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và đóng thuế nhà nước đầy đủ thì chúng ta cứ buôn bán thôi. Và Chính quyền sở tại không làm khó dễ gì đối với bà con người Việt ở chợ “Cây số 7”.
Anh cũng cho biết, ở thời điểm này, việc buôn bán cũng chỉ cầm chừng ở mức độ phù hợp chứ không làm lớn. Thông qua “nhóm hỗ trợ”, bà con cũng đưa ra những kế hoạch của năm nay và năm tới một cách phù hợp với tình hình, diễn biến cụ thể.
Một điều nữa giúp bà con tiểu thương ở Ôđesa vẫn có thể bình tĩnh là sự hỗ trợ kịp thời của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina. Mới đây, trong Hội nghị Cộng đồng Việt Nam toàn Ucraina diễn ra ở thành phố cảng tươi đẹp này, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ucraina Nguyễn Minh Trí đã phát biểu với bà con rằng: “Đại sứ quán đã lên một kế hoạch trong tình trạng khẩn cấp. Kế hoạch đó đã được trình về BNG; BNG đã tham khảo ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan và đã lên được cho Ucraina của chúng ta một kế hoạch ứng xử trong tình trạng khẩn cấp và Thủ tướng đã ký. Cho nên, chúng ta đã có một “bảo bối” trong tình hình khẩn cấp. Rất mong, kế hoạch đó không phải sử dụng đến. Tôi chỉ kêu gọi bà con, nhất là các lãnh đạo trong cộng đồng hãy đừng ngần ngại liên hệ với ĐSQ để được tư vấn, để được thông tin, để được giải đáp và có những lợi ích nhất định”.
Và những ngày này, thông điệp ấy từ Đại sứ quán vẫn được bà con ở Ôđessa, ở các vùng miền thuộc Ucraina ghi nhớ. Là một cộng đồng biết yêu thương, đùm bọc... không chỉ biết lo cho cuộc sống của cá nhân, những ngày này, không ai bảo ai, nhiều gia đình người Việt ở thành phố Ôđessa vốn sống khá tập trung trong một làng Việt mang tên “Làng Sen” đang sẵn sàng mở rộng cửa để tiếp đón, giúp đỡ những người đồng hương từ vùng chiến sự Đônhetsk, dù quen biết hay không, nếu họ tới đây để sơ tán. Và cũng đã lẻ tẻ có những gia đình từ Đônhetsk đến đây hoặc đưa con cái đến gửi ở đây trong thời điểm đang ngày càng nóng bỏng và diễn biến phức tạp này trên đất nước Ucraina./.
(Điệp Anh, VOV Moscow, 22/07/2014)
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 23/07/2014
|