Những nhà thơ cộng đồng, những người yêu mến văn học nghệ thuật đã quy tụ dưới mái nhà ấm áp – đó là thư viện “làng Thời đại” để chia sẻ tình yêu văn học nghệ thuật trong đêm nguyên tiêu đầy ý nghĩa này...
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Những câu thơ dào dạt sức sống mùa xuân trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được mở đầu cho đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên tại Kharkov – Ucraina. Những nhà thơ cộng đồng, những người yêu mến văn học nghệ thuật đã quy tụ dưới mái nhà ấm áp – đó là thư viện “làng Thời đại” để chia sẻ tình yêu văn học nghệ thuật trong đêm nguyên tiêu đầy ý nghĩa này. Với sự dẫn dắt tài tình của nhà thơ Lam Giang, vẻ đẹp của đêm nguyên tiêu trong bài thơ “nguyên tiêu” như hiện ra giữa đất trời băng giá châu Âu – Dòng sông xuân, trời xuân, nước xuân hòa quyện vào dòng chảy của thời gian, thấm đẫm chất thơ của mùa xuân Việt Nam! Với bề dày của vốn kiến thức, chị đã điểm lại những diễn biến của nền văn học nước nhà; sự ra đời và phát triển của ngày thơ Việt Nam, tạp chí Văn nghệ quân đội... cùng với ngày thơ châu Á – Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hạ Long; tự hào về những gương mặt của lớp lớp văn sĩ tiền bối, những nhà thơ nhà văn liệt sĩ được phong danh hiệu anh hùng như nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân...
Những tập thơ của cố nhà thơ Việt Văn
|
Và dòng chảy của thi ca Việt Nam có thêm sự đóng góp của dòng thi ca cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có người Việt tại Ucraina. Điểm lại sự phát triển của tờ báo Tuần tin, tờ báo Quê hương và sau này là sự sát nhập của 2 tờ báo làm một. “Tuần tin Quê hương” đã ra đời và phát triển ngày một lớn mạnh, phong phú, là nơi cung cấp thông tin hữu ích cho độc giả, nơi gửi gắm những tâm tư của các nhà thơ, nhà văn của cộng đồng trên toàn lãnh thổ Ucraina. Với sự đóng góp không mệt mỏi của Tổng biên tập Nguyễn Trọng Cơ, BBT cùng các CTV đã làm nên những trang báo phong phú và đẹp mắt như ngày hôm nay. Trong sự đóng góp của các thi sĩ, văn sĩ cộng đồng có sự đóng góp tích cực và hiệu quả nhất của thi sĩ quá cố Việt Văn – người đã để lại cho anh em, bè bạn những ấn tượng đẹp đẽ nhất, một di sản tinh thần lớn lao đó là tập thơ của anh được ra mắt vào đúng đêm nguyên tiêu này. Một buổi gặp mặt đơn sơ và giản dị nhưng thắm đượm tình người! Những hình ảnh về nhà thơ Việt Văn được Phó TBT Vũ Huy Dương dàn dựng khiến anh chị em chúng tôi vô cùng xúc động và nghẹn ngào nhớ về anh. “Tôi nghe được một câu rất hay và thấy thật đáng suy ngẫm. Đó là “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc”- Câu nói này thật đúng với bản chất con người Việt Văn. Sự ra đi đột ngột của anh là một tổn thất của những người quý mến và khâm phục anh. Mãi mãi là những kỷ niệm đẹp về một con người sống giản dị, chân tình với anh em bè bạn mà cũng là một con người vô cùng sâu sắc trong nhãn quan về thế giới nhân sinh. Nếu như chúng ta tin linh hồn là có thật thì tôi tin chắc rằng anh vẫn đang ở đâu đó quanh chúng ta, lắng nghe, chứng giám và thấu hiểu những tình cảm mọi người giành cho anh!.. Ngồi quây quần bên nhau, ôn lại những kỷ niệm về anh, nâng niu cuốn “thơ Việt Văn” trên tay thấy chất chứa biết bao ân tình. Anh đã để lại những vần thơ chan chứa tình người, tình yêu quê hương đất nước, gia đình và bè bạn:
“...Cắm giả hàng hoa trời tím lặng
Nghiêng vai, rũ mặt bóng trăng hờ”
(Khắc bia cho mộ Vũ 1971)
“...Mây đừng giữ khúc chuông ngân
Để rồi buông thả lúc gần lúc xa
Một trời Kharkov bao la
Mình về Kiev mặn mà hương theo”
(Nhớ bạn 2000)
Nhà thơ Lam Giang
|
Anh là một con người có trái tim luôn trẻ, khao khát yêu đời, yêu người
“... Đứng ngẩn ngồi ngơ ngày nhỡ bước
Thương thầm nhớ kín buổi tơ duyên
Em ơi trong bản tình ca ấy
Ai thổn thức hoài, ai nỡ quên”
(Nhớ người xưa 1993)
Một tình yêu trong trẻo vô ngần của anh là hoài niệm trong những vần thơ:
“Đưa em đi hái nấm rừng
Vì không thạo nấm em đừng chê tôi
Nấm hoang trả lại rừng rồi
Ra về xách mỗi nụ cười em trao”
(Hái nấm)
Một tâm hồn tràn đầy sức sống mùa xuân trong sáng
“Ô kìa!
Сon chim xanh
Chợt véo von ngoài cửa.
Hay em về bên anh,
Trong khung trời nhung nhớ…?
Nó tung tăng trên cành,
Nói điều ta chẳng nỡ.
Để sương chiều mong manh…”
(Tiếng chim 2000)
Những bài thơ vô cùng đặc sắc có thể đọc xuôi ngược đều đặc biệt hay như bài Cảnh thu Quê hương 2000
Sao cờ quyện nắng, gió vờn mây,
Bến nhớ thuyền ai sáo lắt lay.
Xao xác lá thu sương thoáng gợn,
Bổng trầm lời hát khúc vơi đầy.
Trao thầm ánh mắt gương lồng nguyệt,
Mát dịu hương mai mảnh dáng gầy.
Khao khát mộng vàng thu phác cảnh,
Chao nôi sóng bạc biển cùng say”
Những bài thơ về Bác toát lên sự tôn kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc
“... Ta lớn lên từ năm điều Bác dạy
Nghe giản đơn mà khó lẽ làm người
Suốt chặng đường bây giờ ta mới thấy
Đếm một bầu nhân đức hãy còn vơi!
...
... Đài phát thanh tưởng chừng như nghẹn sóng
Hoá ra đời đã nấc tiếng non sông
Ngừng trái tim... triệu tim đời khát bỏng
Tôi bàng hoàng đứng sững giữa hư không...”
(Vạn xuân rồi... 79 nữa càng xuân 2001)
Nhiều bài thơ xuân đặc biệt hay với tâm hồn phơi phới của một con người biết yêu, biết lắng nghe nhịp đập và hoà chung với lời ca của thiên nhiên
“Đây đó hương xuân thổn thức rồi
Chim đàn về tổ đậu thành đôi
Cành cây như mới vừa đơm lộc
Bến khách hoa như mới nẩy chồi...
...
Ta nhớ thêm người giữa cảnh xuân
Non xa xa lắm ngỡ như gần
Vừa nghe tiếng pháo Giao thừa vọng
Thổn thức lưng trời tuyết trắng ngân...”
(Tình xuân 2002)
Nhà báo - dịch giả Hoàng Vũ
|
Thắm đượm tình người với cảnh xuân
“... Xuân đã đến xây dày nghĩa sống
Để tình đời càng đẹp giấc mơ
Ta giang tay cửa trời càng rộng
Biển thời gian biết cạn bao giờ?”
(Phút Giao thừa 2004)
Vâng, biển thời gian biết bao giờ cạn và tình người biết bao giờ vơi
“Sóng xuân dào dạt giữa dòng đời
Mang nhịp thiên nhiên hát với khơi
Mang gió xua đi nhiều kiếp khổ
Mang hương thả khắp phía chân trời...”
(Nhịp sóng Thiên niên)
Con người ấy, tâm hồn ấy luôn tràn đầy nhiệt huyết, dào dạt như nhánh sông xuân tuôn chảy về dòng sông xuân nguồn cội
“... Mạch máu tim mình vẫn bỏng sôi
Buồn vui năm tháng vẫn đầy vơi
Cho ta hóa kiếp làm thơ trẻ
Ước mẹ quay về bên cánh nôi”
(Nhịp sóng thiên niên)
Trái tim nhiệt huyết ấy đã ngừng đập, tập thơ cũng đã khép lại đêm thơ nguyên tiêu lần thứ nhất mà chúng tôi vẫn còn bồi hồi xúc động! Kính cẩn dâng tập thơ lên bàn thờ anh trong chùa Trúc Lâm mà chan hoà nước mắt, cầu mong hương hồn anh được thanh thản cõi Niết Bàn! Cám ơn Hội văn học Nghệ thuật Kharkov và BBT báo TTQH đã tạo điều kiện để anh chị em chúng tôi có một đêm thơ đầy ý nghĩa văn học và nhân văn! Tạm biệt nhé thành phố Khrakov với những con người chí nghĩa, chí tình và hẹn ngày gặp lại!
Đỗ Thị Hoa Lý (Ucraina)