Sau nghi thức chào cờ ông Lê Viết Lam chủ tịch Hội doanh nhân toàn Ukraine đọc diễn văn khai mạc Diễn đàn. Ông Lam cũng gửi tới Diễn đàn phóng sự ngắn về những doanh nhân Kharcov, những con người thành đạt hiện đang đầu tư tại Việt Nam. Đó là các ông chủ tập đoàn Vingroup, Sungroup và nhiều doanh nhân khác. Phóng sự đề cập đến vai trò của doanh nhân châu Âu đối với đất nước, với lời nhắn nhủ: “doanh nhân Việt Nam về đầu tư ở Việt Nam là những người yêu nước còn những người đang ở lại là những người vì nước”.
Diễn đàn nhất trí bầu ông Hoàng Mạnh Huê(chủ tịch Liên Hiệp các Hội doanh nghiệp toàn Châu Âu) cùng các ông Lê Viết Lam, Trần Đăng Chung, Phạm Văn Hồng và Đặng Xuân Lộc đại diện cho các doanh nhân lên chủ trì cuộc họp.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ukraine Hồ Đắc Minh Nguyệt cũng đến dự và phát biểu chào mừng Diễn đàn. Bà đại sứ thay mặt nhà nước cám ơn sự hiện diện của các đoàn doanh nhân Châu Âu, bà cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Hội doanh nhân tỉnh Kharcov. Diễn đàn cũng nhận được thư chào mừng của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, do bận công tác ông không tham dự được. Qua thư ông gửi lời chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.
Tiếp đó là phát biểu của ông Phạm Thanh Châu(Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ và Liên minh Châu Âu). Ông Châu bày tỏ lòng cảm ơn đến Ban tổ chức, khâm phục tính chuyên nghiệp, tình người trong công tác tổ chức. Ông đánh giá cao các hoạt động của doanh nhân toàn Châu Âu là chỗ dựa vững chắc cho các nhà ngoại giao trong đàm phán thương mại và công tác cộng đồng. Ý Chí vươn lên và trách nhiệm xã hội cao là nét khác biệt giữa doanh nhân Đông Âu và Tây Âu. Ông cũng nhắn nhủ các doanh nhân Đông Âu cần quan tâm đến môi trường hơn, điều mà các doanh nghiệp Tây Âu luôn làm tốt. Đại sứ cũng cảnh báo về sự cạnh tranh, thách thức trong thương mại sẽ sảy ra khi Ukraine đang tiến gần đến việc hoà nhập với khối liên minh châu Âu.
Doanh nghiệp các nơi trên toàn thế giới hoạt động tốt không thể thiếu sự trợ giúp của chính quyền. Chính vì thế lời chào mừng diễn đàn của ông Phó giám đốc Sở hợp tác kinh tế Quốc tế tỉnh Kharcov đã gây được lòng tin không chỉ những doanh nhân Kharcov mà còn của toàn thể doanh nhân tham dự.
Nét mới trong diễn đàn năm nay là hạn chế tham luận, tập trung vào chủ đề chính: “xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ và nhà hàng”. Mở đầu Giáo sư Hà Tôn Vinh - cố vấn chính phủ Việt Nam đến từ Hoa kỳ gửi đến Diễn đàn tham luận với tiêu đề: “kinh doanh theo mô hình: hướng đi và tương lai của ngành dịch vụ bán lẻ”. Giáo sư nhấn mạnh việc đổi mới trong kinh doanh, không đi theo lối bán sản phẩm mà nên kinh doanh giá trị của sản phẩm. Điều này nâng cao giá thành sản phẩm và giảm cạnh tranh tối đa. Các ý kiến của giáo sư nhận được sự đồng tình cao của diễn đàn.
Bài tham luận của ông Trần Đăng Chung(Liên bang Nga) đã chuyển đến diễn đàn kinh nghiệm trong thời kỳ khủng hoảng. Ông nêu lên những cơ hội cho các doanh nhân khi hệ thống phân phối được thay đổi trong kinh doanh tại Nga. Song song đó là những khó khăn mà doanh nhân tại Nga đang phải gánh chịu và cách thức tháo gỡ.
Vẫn bản tính mạnh mẽ ồn ào ông "vua" chuỗi cửa hàng bán lẻ Phạm Ngọc Chu đến từ Hungaria đã có những phân tích về các giai đoạn phát triển, thành phần xã hội. Ông cũng đưa ra được những kinh nghiệm chống lại sự lấn át của các tập đoàn Đa Quốc gia, né tránh những xung đột do chính trị gây ra. Đoàn kết và cạnh tranh lành mạnh là lời kêu gọi của ông với các doanh nhân trên toàn Châu Âu.
Tham luận của ông Nguyễn Đức Ngọc là sự chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nhân Việt Nam tại Séc. Các ông không ngần ngại thuê các chuyên gia tư vấn để đánh giá môi trường và mức tiêu thụ của thị trường nhằm viết lên được sổ “Cẩm nang kinh doanh bán lẻ”. Tham luân thứ 5 và cũng là cuối cùng của ông Nguyễn Quang Tuấn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ý tưởng kết hợp lồng ghép giữa kinh doanh bán lẻ và du lịch.
Phần thảo luận có vẻ làm cho không khí diễn đàn lắng xuống đôi chút. Chuyên gia về may mặc Phạm Minh Nam đến từ Lon-don đã mở màn với những chia xẻ việc đi trước thời đại để tránh tụt hậu, đối phó với sự phát triển của thời đại. Ý kiến thảo luận của ông Vũ Thế Dũng đến từ Đức tuy quá dài nhưng đã đúc kết rất rõ việc cần thiết phải gắn kết giữa các doanh nghiệp. Ông cũng cảnh báo về sự ảnh hưởng của nhà nước đến các doanh nhân. Quan điểm của ông Nguyễn Văn Hoài đến từ Bungaria cho thấy không nhất thiết phải kinh doanh ngoài chợ mà có thể mở rộng bằng các loại hình đa dạng khác như truyền thông, tin học....
Diễn đàn trở nên sôi động với những câu hỏi của các doanh nhân Trần Minh Tâm (Đức), Nguyễn Công Thành (Hungaria) và các phản biện của doanh nhân chủ nhà Hoàng Công Bảo Đàm, Nguyễn Văn Kim.
Đại sứ Phạm Thanh Châu và đại sứ Vũ Bình (Hy Lạp) cũng nêu lên các vấn đề giữa doanh nghiệp và ngoại giao. Những thách thức cạnh tranh trong tương lai. Một vài ý kiến nêu lên những khó khăn trong kinh doanh của ông Trần Khôi Nguyên (Kiev), Trịnh Việt Dũng (Séc) đã khơi nên chủ đề cần thảo luận. Nhiều ý kiến đóng góp, tư vấn cũng được đoàn chủ tịch tổng kết và giả đáp. Cuối cùng ông Hoàng Mạnh Huê thay mặt đoàn chủ tịch đánh giá các ý kiến thảo luận và đưa ra phương hướng hoạt động tiếp theo. Cả diễn đàn lại sôi động hơn với hàng chục ý kiến góp ý cho hoạt động của Liên Hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu như vấn đề mở website chung, hướng tới thế hệ trẻ hay khai thác nhiều đề tài trong diễn đàn như y tế, giáo dục và Văn hoá...
Diễn đàn được khép lại với sự lựa chọn nước đăng cai tiếp theo. Cả hội trường đã vỗ tay hoan hô ủng hộ cho đất nước thời trang và du lịch Ytalia là nước chủ nhà của diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu lần thứ 8. Sau lời bế mạc của ông Hoàng Mạnh Huê là bữa tiệc đứng để các doanh nhân tiếp tục trao đổi thông tin. Tạm biệt Kharcov và hẹn gặp lại Ytalia.
Phóng viên báo Người Việt Odessa
Theo Nguoivietodessa.com