Được tin Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ucraina Hồ Đắc Minh Nguyệt cuối tháng 11 và đầu tháng 12 này sẽ có chuyến công tác và về thăm cộng đồng đang làm ăn, sinh sống tại tỉnh Donetsk, chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào vô cùng. Đã lâu lắm rồi, nếu không nhầm thì đây là lần thứ hai cộng đồng ở đây được vinh dự đón vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Đại diện cộng đồng và Hội hữu nghị Ucraina - Việt Nam tỉnh Donetsk
ra sân bay đón Đại sứ.
Chuyến thăm và làm việc của Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt tại tỉnh Donetsk thời gian rất ngắn, chỉ hơn một ngày, nhiệm vụ chính của chuyến công tác là Bà sẽ dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế do tỉnh tổ chức, ngoài ra Bà còn thực hiện một loạt các cuộc thăm viếng ngoại giao, như chào xã giao các vị lãnh đạo chính quyền sở tại (Tỉnh trưởng, Thị trưởng thành phố), thăm Hội hữu nghị Ucraina-Việt Nam của tỉnh… Tuy nhiên, Bà đã không bỏ lỡ cơ hội để nắm bắt tình hình cộng đồng, để tận mắt nhìn thấy cuộc sống, tai nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Bà đã từ chối các bữa tiệc nơi nhà hàng sang trọng để có dịp cùng ăn trưa, ăn tối, sinh hoạt hòa nhập với cộng đồng chúng tôi…
Đại sứ nghe chúng tôi báo cáo tình hình và thống nhất lịch làm việc
Vừa từ sân bay về nơi nghỉ, mặc dù còn mệt, nhưng khi gặp chúng tôi, điều đầu tiên Bà quan tâm:
- Bà con ta có khỏe không, làm ăn có được không? - Tưởng như xã giao, nhưng thực chất đây là sự quan tâm, lo lắng của vị Đại sứ với công dân của đất nước mình.
- Có đề đạt, nguyện vọng gì đối với chính quyền sở tại và sứ quán không? - Bà hỏi như vậy là để nắm bắt các khúc mắc của bà con trong làm ăn, nếu có Bà sẽ lựa lời khi trao đổi, làm việc với lãnh đạo chính quyền sở tại để từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ta trong cuộc sống hội nhập.
- Tối nay, gặp gỡ bà con ở đâu, vào lúc mấy giờ… liệu có tiện cho bà con không?... Bà con có phải nghỉ chợ sớm không?… - Bởi Bà biết đại đa số bà con ta đều sống bằng nghề buôn bán nhỏ ở chợ là chính.
Những câu giao tiếp bình dị như thế cùng với thái độ thân tình, cởi mở của Bà đã làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Khoảng cách giữa vị Đại sứ với công dân đã được xóa đi một cách nhanh chóng, chỉ còn những trao đổi thẳng thắn, chân tình như với những người thân… Càng nói chuyện, càng tiếp xúc tôi càng thấy toát lên ở Bà một phong cách của vị “Đại sứ của nhân dân”.
Đúng vậy, mọi cử chỉ, lời nói, thái độ trong giao tiếp của Bà đều tìm thấy ở đấy sự lịch lãm, chân tình, cởi mở, dịu dàng và rất Việt Nam. Điều này chúng tôi nhận được ở Bà trong suốt thời gian Bà hoạt động tại đây cho đến tận lúc tiễn Bà ra sân bay về Kiev.
Ông Nguyễn Việt, Chủ tịch Hội giới thiệu Đại sứ tại cuộc gặp cồng đồng
và nhận bằng khen của Sứ quán trao tặng
Cuộc gặp gỡ với cộng đồng kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. Nhưng với kinh nghiệm của mình, các vấn đề tưởng như khô khan, khó truyền đạt như tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, tình hình quốc tế, khu vực, những quan điểm đường lối của Đảng ta trong vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo của Tổ quốc, quan hệ song phương... mà kiều bào ta nói chung, bà con cộng đồng ở Donetsk nói riêng quan tâm được Bà truyền đạt bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, đầy thuyết phục.
Khi bàn về cộng đồng Việt Nam, Bà đã khéo léo trích dẫn những lời đánh giá đầy thiện cảm của lãnh đạo chính quyền địa phương sở tại đối với sự đóng góp của Hội người Việt Nam tại đây cho địa phương. Bà biểu dương tinh thần đoàn kết của ban chấp hành Hội và cộng đồng đã giúp nhau trong hội nhập, làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống hạnh phúc trên quê hương mới.
Bà cũng đã nêu vấn đề để cộng đồng cùng Đại sứ quán có chung nhận thức và thái độ một cách nghiêm túc trước vấn đề tổ chức dạy và học tiếng Việt cho thế hệ người Việt Nam thứ hai tại đây như thế nào?...
Trong suốt buổi nói chuyện của mình, nhiều lần Bà đề cập tới vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập với sở tại, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc… và theo Bà, mọi sự thành công đều bắt nguồn từ đoàn kết, đặc biệt trong điều kiện làm ăn xa quê hương, Tổ quốc, càng cần phải đoàn kết, tin tưởng, thương yêu, đùm bọc nhau hơn bao giờ hết. Có như vậy mới thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Toàn cảnh cuộc gặp và nói chuyện với cộng đồng
Sôi nổi và chiếm nhiều thời gian hơn cả là phần đối thoại với bà con. Bà Đại sứ và Bí thư Thứ nhất Lê Văn Quy đã trả lời nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề về công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, điều kiện, cơ hội làm ăn, kinh doanh… mà trước đó bà con ta chưa có điều kiện để tìm hiểu thấu đáo.
Cuộc gặp đã xóa tan sự mặc cảm, cách biệt giữa cộng đồng với sứ quán, cộng đồng cảm thấy gần gũi, thân thương, tin tưởng sứ quán hơn… Sứ quán thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần của bà con khi làm ăn, sinh sống nơi đất khách quê người.
Để ghi nhận sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống của Hội người Việt Nam tại tỉnh Donetsk và những đóng góp vào hoạt động chung của cộng đồng Việt Nam tại Ucraina, nhân dịp này Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt đã trao tặng bằng khen của Sứ quán cho cộng đồng Việt Nam tại tỉnh Donetsk.
Chụp ảnh lưu niệm sau cuộc gặp
Đại sứ và đoàn công tác chụp ảnh với Ban lãnh đạo Hội
Tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của mình trong thời gian ở đây, Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè và cộng đồng. Đây là chuyến thăm của người đại diện Nhà nước CHXHCN Việt Nam tại Ucraina đến với tỉnh Donetsk sau nhiều năm gián đoạn. Với tác phong gần gũi, thân thương, khả năng sử dụng ngôn ngữ sở tại một cách thông thạo, đầy biểu cảm đã làm cho các cuộc tiếp xúc của Bà với lãnh đạo chính quyền sở tại trở nên gần gũi, với cộng đồng thì thân tình, cởi mở, dễ gần và đầy sức thuyết phục. Bà thực sự là “Đại sứ của Nhân dân”.
Bài viết này như một lời cám ơn của cộng đồng người Việt Nam ở tỉnh Donetsk trước tình cảm gần gũi, thân thương của Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt dành cho cộng đồng đang làm ăn sinh sống tại đây. Trước thềm năm mới, thay mặt cộng đồng tỉnh Donetsk kính chúc Bà sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình trước Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Nguyễn Việt - Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Donetsk.
Theo Nguoivietkharkov
|