Cách đây không lâu, bà Bùi Thị Thanh Vân - Tham tán, Người thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina và Moldova, cùng phu quân - ông Đặng Hồng Trung, đã có chuyến thăm cộng đồng Việt Nam tại Kharkov, nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, đồng thời để chia tay cộng đồng trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Phóng viên báo “Tuần tin Quê hương” đã đề nghị bà chia sẻ một vài cảm nghĩ trước khi lên đường về nước và được bà vui vẻ nhận lời. Xin giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện với bà Bùi Thị Thanh Vân trong chuyến thăm Kharkov lần này.
Bà Bùi Thị Thanh Vân và ông Đặng Hồng Trung trong buổi gặp gỡ
thân tình với một số người quen ở Kharkov
- PV: Trước hết, xin cảm ơn bà đã đồng ý trả lời phỏng vấn báo chí cộng đồng. Câu hỏi đầu tiên, xin bà cho biết: đây là nhiệm kỳ công tác đầu tiên của bà trên cương vị một nhà ngoại giao?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: Đúng vậy. Trước đây, tôi từng đến nhiều nơi, nhưng chỉ là những chuyến công tác ngắn hạn. Thời gian ba năm rưỡi vừa qua ở Kiev là chuyến công tác dài hạn đầu tiên của tôi tại một cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
- PV: Ba năm sống và làm việc tại Ucraina trong nhiệm kỳ công tác vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với bà?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: Đối với tôi, đó là khoảng thời gian rất đặc biệt. Trước hết, vì đây là lần đầu tiên tôi nhận cương vị công tác tại một cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Và cương vị này đã đưa gia đình tôi đến với Ucraina - một đất nước thuộc Liên Xô cũ, nơi tôi và chồng tôi từng học tập và có rất nhiều kỷ niệm thời trẻ. Rất lâu rồi, chúng tôi mới có dịp quay trở lại nơi mà chúng tôi đã được học hành, được khôn lớn, trưởng thành, nơi chúng tôi có những người thầy, người bạn… Và khi trở lại nơi đây trên cương vị mới, bên cạnh những cảm xúc như vừa nói, tôi thấy mình không chỉ có bổn phận thực hiện những nhiệm vụ được giao, mà còn phải có cả phần nào nghĩa vụ đền đáp đối với đất nước này nữa. Có lẽ đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp tôi làm việc tốt hơn.
- PV: Là phụ nữ ở một cương vị cao và đầy trách nhiệm, bà đã gặp phải những áp lực gì trong nhiệm kỳ công tác vừa qua?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: Tôi không nghĩ rằng cương vị của tôi là cao. Người thứ hai của Đại sứ quán, trước hết là một người giúp việc cho Đại sứ. Tuy nhiên, bất kể cương vị nào trong một cơ quan nhà nước đều đòi hỏi trách nhiệm tương ứng, bất kể là nam hay nữ cũng phải gánh vác những trách nhiệm, bổn phận như nhau, đồng nghĩa với việc phải chịu những áp lực nhất định. Bản thân tôi trước đây từng được phân công phụ trách một số mảng công tác khác nhau, trong đó có những công việc cũng khá phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm cao, cũng từng phải đối mặt với áp lực khi giải quyết các vấn đề. Những ngày đầu công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, đối với tôi cũng không ít bỡ ngỡ. Ngoài ra, người phụ nữ, với thiên chức của mình, bên cạnh trách nhiệm về công việc, còn có bổn phận trước gia đình nữa… Nhưng, nhiệm kỳ công tác vừa qua Đại sứ quán có một ê kíp rất ăn ý, vì vậy mọi khó khăn chúng tôi đều có thể chia sẻ với nhau. Mặt khác, thời điểm nhận quyết định cử đi công tác cũng phù hợp với điều kiện của gia đình tôi, con trai chúng tôi đã tự lập và hiện đang là nghiên cứu sinh ở nước ngoài, còn nhà tôi đã hoàn thành công tác của mình về nghỉ hưu. Tôi thấy mình thật may mắn, vì luôn nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ phía gia đình, đặc biệt là của anh Trung nhà tôi, từ đồng nghiệp và những người bạn, để có thể hoàn thành công việc của mình với những niềm vui, chứ không bị áp lực “đè bẹp”.
- PV: Nhiệm kỳ ba năm công tác tại Ucraina đã mang lại cho bà những gì?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: Rất nhiều điều bổ ích và thú vị. Trước hết, những trải nghiệm trong một công việc mới, một môi trường làm việc mới đã cho tôi có thêm những hiểu biết và kỹ năng mới, có thêm kinh nghiệm giải quyết các tình huống, các vấn đề khác nhau trong công việc và trong cuộc sống. Tiếp theo, điều có ý nghĩa lớn nhất đối với tôi - đó là chúng tôi (tôi và nhà tôi) đã có thêm những người bạn mới. Chúng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ về quãng thời gian sống và làm việc tại Ucraina. Những khám phá về văn hóa, lịch sử, con người và đất nước xinh đẹp này đã làm giàu thêm gia tài văn hóa-tinh thần của chúng tôi. Và tôi có thể chia sẻ thêm một niềm vui nho nhỏ nữa, đó là chúng tôi có được một bộ sưu tập, dù rất khiêm tốn, tranh của các họa sỹ Ucraina, đủ cả bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, trong đó có tranh hoa và phong cảnh Kharkov.
- PV: Khi tiếp xúc với bà, mọi người trong cộng đồng đều cảm thấy sự thân thiện, chân tình, không hề có sự phân biệt khoảng cách. Phải chăng đó là bí quyết của một nhà ngoại giao?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: (Cười) Thực ra chẳng có bí quyết gì đâu. Có chăng chỉ là một nguyên tắc đã trở thành thói quen của tôi - đó là nhiệt tâm tối đa trong công việc, cùng tình yêu và niềm tin dành cho con người.
- PV: Bà là một trong những cán bộ của Đại sứ quán thường xuyên làm việc với bà con cộng đồng. Vậy bà có thể cho một vài nhận xét về cộng đồng người Việt Nam ở Ucraina?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: Tôi là một trong số những người được đón tiếp và giúp đỡ những lớp công nhân đầu tiên sang làm việc tại Liên Xô theo Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác lao động, thời thập kỷ 80. Khi đó chúng tôi đang là nghiên cứu sinh, được Đại sứ quán và lãnh đạo các nhà máy tại thành phố nơi chúng tôi học tập đề nghị tham gia giúp các đoàn công nhân Việt Nam mới sang ổn định cuộc sống, công việc và giảng dạy tiếng Nga cho mọi người trong thời gian đầu. Và khi đó tôi đã chứng kiến những bỡ ngỡ khó khăn của công nhân từ trong nước mới sang, do những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt và lao động ở nước bạn. Sang Ucraina công tác lần này, tôi được thấy một cộng đồng Việt Nam khá ổn định, lớn mạnh và vững vàng, khác xa với các đoàn công nhân thời trước. Cộng đồng về căn bản được tổ chức tốt, Hội người Việt Nam cũng như các đoàn thể xã hội khác đã được hình thành và hoạt động tốt. Tôi thực sự cảm phục những người đứng ra gánh vác công việc chung, mà trước hết và đặc biệt là những người lãnh đạo cộng đồng - vừa phải lo toan công việc của bản thân và cuộc sống của gia đình, vừa phải đảm nhận những trách nhiệm chung nặng nề, từ hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý trong việc cư trú, làm ăn của bà con; xử lí và giúp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong các quan hệ cá nhân, gia đình; thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và công tác đại diện cho đến tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí, gây dựng nếp sinh hoạt và những giá trị văn hóa-tinh thần chung... Họ tự nguyện nhận về mình những thiệt thòi, không chỉ đóng góp tiền của, mà còn hy sinh thời gian, công sức, tâm trí. Tôi hiểu, đằng sau mỗi giây phút thư giãn, mỗi tiếng cười của mọi người là biết bao những trăn trở, lo toan, bao nỗi vất vả nhọc nhằn của người đứng ra đảm trách. Cộng đồng Việt Nam ở Kharkov nói riêng và ở Ucraina nói chung đã để lại cho chúng tôi rất nhiều tình cảm sâu sắc. Mỗi lần tiếp xúc, gặp gỡ, hay trong công việc, chúng tôi đều cảm nhận được rõ nét tình cảm mọi người dành cho mình. Ở đây chúng tôi đã có những người bạn thực sự, mà khi gặp có thể chia sẻ nhiều điều, và khi về thì luôn nghĩ, luôn nhớ đến nhau.
- PV: Theo bà, cộng đồng người Việt ở Kharkov hiện nay cần quan tâm đến những vấn đề gì?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: Cộng đồng Việt Nam ở Kharkov nói riêng, tại Ucraina nói chung, được hình thành trong những năm qua từ hai nguồn: người từ trong nước sang và thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại Ucraina. Những người đã sang lao động hoặc học tập dưới thời Liên Xô đã phải trải qua nhiều thăng trầm cùng với đất nước này để gây dựng cuộc sống cho bản thân và gia đình, tham gia xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước bạn. Một bộ phận trong số người mới sang, do không có những trải nghiệm đó, nên không hiểu được hết cái giá mà người đi trước đã phải trả để có được những gì ngày hôm nay. Không phải không có những khó khăn trong việc giữ gìn các giá trị chung. Có những người chưa nhận thức được rằng trong cái chung của toàn cộng đồng có một phần của mình. Theo tôi, cần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, sao cho mỗi người và tất cả mọi người đều biết gìn giữ hình ảnh chung của con người Việt Nam, lợi ích chung của cộng đồng. Sống và làm việc trên đất nước bạn, cộng đồng chúng ta rất cần có sự đoàn kết, thống nhất. Mỗi hành vi, việc làm của bất kỳ ai đều có thể ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập của cộng đồng vào đời sống xã hội của nước sở tại. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai: cộng đồng chúng ta đa phần sống bằng kinh tế chợ. Nhưng chúng ta đang chứng kiến nhiều thay đổi trong xu hướng phát triển kinh tế- xã hội ngày nay của nước sở tại, vai trò của kinh tế chợ cũng thay đổi. Điều đó đòi hỏi cộng đồng chúng ta phải có sự chuẩn bị trước, cần hướng dần đến những hình thức kinh doanh bài bản hơn và thoát dần ra khỏi tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào chợ.
Vấn đề thứ ba: Thế hệ con cái chúng ta đang ở độ trưởng thành. Cần làm sao để các cháu có thể tự tin bước vào cuộc sống, cũng như vững vàng kế tiếp chúng ta. Hiện nay, đại bộ phận các gia đình có con lớn trong cộng đồng đều muốn cho các cháu học đại học, với hy vọng sau này các cháu sẽ có một công việc đỡ vất vả hơn bố mẹ. Tuy nhiên, không phải ai học đại học xong cũng có việc làm theo nguyện vọng. Ở Ucraina và các nước thuộc Liên Xô cũ, có hệ thống các trường trung cấp dạy nghề rất phát triển, nhưng ít ai nghĩ đến việc cho con đi học nghề để làm những công việc chân tay, như sản xuất, xây dựng… Đó là vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ. Các cháu thuộc thế hệ thứ hai không gặp vấn đề về ngôn ngữ như bố mẹ, nhưng điều đó chưa đủ. Các cháu cần được đi thăm nhiều hơn các cơ sở văn hóa, tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, giao tiếp nhiều hơn, để có thể hiểu một cách thấu đáo về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán và cách suy nghĩ của người bản xứ. Như vậy, các cháu mới có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào định hướng của các bậc phụ huynh.
- PV: Khi về Việt Nam, bà sẽ nhớ những gì ở Ucraina?
- Bà Bùi Thị Thanh Vân: Chuẩn bị về nước cũng có nhiều tâm trạng bâng khuâng, vì sau một thời gian sống và làm việc ở Ucraina, ít nhiều thì cảnh vật và cuộc sống bên này cũng đã trở nên thân thuộc. Được về nhà, được gần gia đình, người thân, chắc chắn sẽ vui, nhưng làm sao có thể quên được bao nhiêu là kỷ niệm và những ngày tháng đầy ý nghĩa của chúng tôi ở bên này. Chắc chắn là chúng tôi sẽ nhớ tới những người bạn của mình ở Ucraina và sẽ luôn theo dõi tin tức về cộng đồng Việt Nam tại Ucraina. Hy vọng đó sẽ chỉ là những tin vui.
Cảm ơn Quý báo và cũng nhân đây chúng tôi xin được gửi đến toàn thể bà con cộng đồng người Việt Nam tại Kharkov và Ucraina lời chào thân thiết và những lời chúc tốt đẹp nhất.
- PV: Xin cảm ơn bà vì những lời trao đổi chân tình. Và xin chúc ông bà kết thúc nhiệm kỳ về nước luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Thực hiện: Xuân Trường
(Theo Nguoivietkharkov.com)
|