(Ảnh: Shutterstock)
|
Đêm trước ngày trở về sau một tuần lưu diễn, chồng tôi hỏi bé Mi:
– Con thích được về nhà hay thích đi du lịch?
Không lưỡng lự, bé trả lời ngay:
– Đương nhiên là được trở về nhà rồi bố ạ!
– Vậy lần sau đi bố mẹ không dắt con theo nữa.
– Nhưng bố ơi nếu không có bố dắt con đi làm sao con về được nhà?
Cuộc sống cũng thế, không có rạn vỡ sẽ không có hàn gắn, những ai chưa từng xa nhà sẽ không cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc trọn vẹn khi được quay về tổ ấm.
Hai ngày trước đây, bé Mi bị ngã nhưng không hề khóc lóc. Bây giờ nó rất đau vì cánh tay trái không nhấc lên được. Không nghĩ mọi chuyện lại trầm trọng đến như vậy nên tôi rất khổ tâm và cảm thấy mình có một phần trách nhiệm. Song bé Mi đã làm tôi ngạc nhiên bởi khám phá của nó: “Mẹ ơi, bây giờ con đã biết bên trái là bên nào rồi!”
Trước khi ngã, bé không phân biệt được bên trái, bên phải. Còn bây giờ, mọi chuyện hết sức đơn giản – bên bị đau là bên trái.
Có một lần bé Mi lặng lẽ chơi dưới chân tôi khi tôi làm việc. Thình lình bé áp đầu vào chân tôi rồi thỏ thẻ: “Mẹ ơi, con yêu bàn chân mẹ!”
– Con nói sao? – tôi ngạc nhiên hỏi.
– Con yêu bàn chân mẹ! – bé lặp lại.
Tôi ngừng làm việc và cảm thấy thật xúc động. Ngày trẻ tôi đã từng được yêu bởi đôi má hồng, được khen bởi giọng nói đầm ấm, truyền cảm và được ngưỡng mộ bởi những truyện ngắn tôi viết. Nhưng có ai yêu tôi hơn đứa con bé bỏng đang âu yếm ôm lấy bàn chân tôi? Bé yêu bàn chân tôi đơn giản chỉ vì đó là một phần của bản thân tôi, phần mà chẳng ai, ngay cả tôi cũng chẳng để ý đến.
Bé Mi chưa đi học lớp 1 nhưng rất thích viết, dù nó thực ra luôn vấy mực tèm lem trên giấy. Một ngày nọ, cô em tôi đến chơi và thấy bé Mi đang tập viết:
– Ái chà! Viết cũng đẹp đấy chứ! Nhưng cố thêm một chút nữa thì cháu sẽ giỏi hơn các bạn trong lớp đó.
Tôi ậm ừ, biết là bé Mi sẽ không thích như vậy. Quả thật, bé gào lên hết sức bực bội:
– Con chẳng thèm hơn mấy bạn đâu.
– Vậy cháu luyện viết để làm gì?
– Chỉ vì cháu thích viết thôi. Cháu không cần biết cháu có hơn ai hay không?
Người ta cần có tham vọng để thúc đẩy mình thành công, nhưng người ta cần có một trái tim vị tha không đạp lên người khác để đi tới.
***
Khi chúng tôi chuẩn bị đi nghỉ mát, bé Mi ra sức nhồi nhét tất cả búp bê lớn nhỏ, cũ mới của nó vào túi du lịch.
– Không thể mang hết đâu con ạ – tôi nói với nó – con chỉ nên chọn con nào thích nhất để mang theo thôi.
Nó xem xét kỹ càng từng con từng con một. Những con chúng tôi mua cho nó thì rất đẹp và đắt tiền, còn những con của các bé tặng sau khi chúng nó đã chơi chán thì hết sức cũ nát và bẩn thỉu. Một lúc sau, bé Mi tuyên bố:
– Con nào con cũng thích hết!
– Con không thể thích hết được – tôi cương quyết – Hãy chọn con nào con thích nhất đi!
– Con thích hết mà – giọng nói khăng khăng của bé cho tôi biết là không thể làm thêm gì nữa hết. Bé thích tất cả những con búp bê đang có và… Chấm hết!
Việc phân biệt xấu đẹp, đắt rẻ chỉ tồn tại trong thế giới của người lớn. Còn với trẻ em, giá trị và vẻ bên ngoài của một vật chẳng là gì cả so với vị trí của chính món đồ đó trong lòng chúng.
Tuần trước là một chuỗi ngày mưa lạnh, tôi về ăn trưa trễ. Mọi người trong nhà đã ăn xong, bé Mi quấn lấy tôi và đòi một miếng thịt hầm. Khi tôi đút cho bé một miếng , bé hồ hởi la lên: “Mẹ ơi, đôi đũa của mẹ ấm quá”. Ngơ ngẩn một lúc, tôi mới hiểu bé nói gì. Trời lạnh nên tôi phải hâm lại thức ăn và khi dùng đũa gắp chúng ra đĩa, tôi đã làm đôi đũa của mình ấm dần lên.
Người ta thường xuýt xoa khen những bàn tiệc ngồn ngộn thức ăn và rượu ngon. Chỉ có đứa con gái 3 tuổi của tôi là cảm thấy thích thú vì chút hơi ấm toát ra từ đôi đũa của mẹ trong một ngày giá lạnh. Trong đời mình, chúng ta đã bao lần bỏ lỡ cơ hội tận hưởng những cảm giác bình dị nhưng hết sức tuyệt vời đó?
Theo Sống Đẹp Xì Trum
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/song-dep-song-khoe/mot-the-gioi-khong-phai-cua-nguoi-lon-20190531155202329.htm