Mỹ nhân kế
Tại Trung Quốc, câu thành ngữ "gieo nhân nào gặp quả ấy" có nguồn gốc từ hồi thứ 12 trong cuốn "Cổ kim tiểu thuyết" của Phùng Mộng Long, thời nhà Minh. Nội dung của một câu chuyện được nhắc đến trong hồi thứ 12 nói trên như sau:
Câu chuyện xảy ra vào những năm Thiệu Hưng, thời vua Tống Cao Tông. Một người tên Liễu Tuyên Giáo sau khi thi đỗ tiến sĩ được ra nhậm chức lâm an thời bấy giờ (phủ doãn Hàng Châu).
Ngày nhậm chức đầu tiên, những người nổi tiếng trong địa phương đều đến chào hỏi, bày tỏ sự tôn trọng, chỉ có sư trụ trì của chùa Thủy Nguyệt Trúc Lâm Phong là Ngọc Thông thiền sư không đến.
Liễu Tuyên Giáo vô cùng tức giận, muốn phái người đi bắt thiền sư đưa đến chô mình nhưng về sau, được mọi người khuyên can nên ông ta mới thôi. Tuy nhiên, viên quan họ Liễu vẫn để bụng việc này, trong lòng rất oán hận.
Để thực hiện ý đồ của mình, một thời gian sau đó, Liễu Tuyên Giáo sai một cô gái có thể nói là tuyệt sắc giai nhân đến mê hoặc Ngọc Thông thiền sư để vin vào việc này để hại ông.
Ngọc Thông thiền sư không kìm nén được tâm tính, không thể vượt qua được ải mỹ nhân, đã phá với sắc giới. Nhưng ông cũng kịp thời nhận ra ngụy kế của Liễu Tuyên Giáo rồi lập tức viên tịch.
Sau khi chết, Ngọc Thông thiền sư liền đầu thai vào nhà Liễu Tuyên Giáo. Vợ của viên quan này sau đó đã sinh hạ một bé gái, đặt tên là Liễu Thúy.
Đến tuổi trưởng thành, Liễu Thúy không có những tính nết hiền thục nhu mỳ của một cô gái mà sống phong lưu bất chấp.
Nhà Phật cho rằng đó là cách Ngọc Thông thiền sư báo thù Liễu Tuyên Giáo và đó cũng là quả báo mà Liễu Tuyên Giáo phải nhận vì hành động ác ý của ông ta trước đây.
Ngọc Thông thiền sư khi sống có một người bạn thân tên là Nguyệt Minh.
Hòa thượng Nguyệt Minh nhìn thấy thời gian trầm luân chốn phong trần của bạn mình đã quá lâu nên ông quyết định giúp Ngọc Thông thiền sư (chính là Liễu Thúy) ngộ đạo. Pháp Không hòa thượng chính là người được cử đi làm việc này.
Một hôm, Liễu Thúy đang dong chơi ở Hồ Tây trở về, nghe thấy bên ngoài có một vị hòa thượng đang đi hóa duyên, lời ăn tiếng nói đều không giống người thường.
Liễu Thúy nhanh chóng bị rung động, sai tì nữ ra gọi hòa thượng vào nói chuyện.
Liễu Thúy nói: "Hòa thượng có tài cán, bản lĩnh gì mà đến đây hóa duyên?"
Pháp Không hòa thượng liền trả lời: "Bần tăng chẳng có bản lĩnh gì nhưng có thể giải thích và nói về những chuyện nhân quả ở đời."
"Cái gì là nhân quả?"
Pháp Không đáp: "Tiền là nhân, hậu là quả, người làm là nhân, người nhận là quả. Tương tự như vậy, trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu, gieo nhân nào thì gặt được quả đó.
Không gieo gì thì làm sao có thu hoạch? Gieo nhân tốt thì sẽ nhận được quả ngọt, gieo nhân xấu thì chỉ nhận lại trái đắng mà thôi."
Nghe hết những lời giảng giải phân tích của Pháp Không hòa thượng, Liễu Thúy như bừng tỉnh ngộ, sau đó xin quy y cửa phật.
Sau khi Liễu Thúy chết, người đời đều nói rằng đó là hóa thân của phật nên đua nhau đến đưa tang.
Lời bình
Cũng giống như "thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo", một người gieo trồng nhân tốt, nhân thiện, thứ mà họ thu lượm được về sau chắc chắn sẽ là quả tốt, quả thiện.
Nếu bạn muốn ăn quả ngọt bạn phải gieo hạt mầm tốt còn nếu bạn đã lỡ gieo những hạt mầm xấu, đừng ngạc nhiên khi sau này bạn phải ăn những quả đắng không mong muốn. Những sự kiện xảy ra sau này bắt nguồn từ hạt mầm bạn gieo, chính là số phận.
Và một lần nữa, bạn phải đối mặt với nó để làm chủ cuộc đời mình. Hạt sinh quả cho bạn ăn rồi bạn lại gieo hạt, vòng quay ấy cứ quay mãi không ngừng nghỉ. Chính lúc bạn nhận quả cũng là lúc bạn gieo nhân.
Bạn nhận quả trong mọi việc bạn gặp mỗi ngày và bạn cũng gieo nhân cho mọi việc xảy đến sau này. Quy trình đó chính là số phận, là định mệnh của bạn.