Hạnh phúc đến từ đâu?
Trong một ngày, nếu như khoảng thời gian thức của bạn là 16 giờ, thì bao nhiêu phần trăm trong số 16 giờ đó bạn dành để suy nghĩ và hành động cho người khác - mà gần nhất là bố, mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em? Bao nhiêu phần trăm bạn dành nó cho mình, để xây đắp cái "Của Tôi", cái "Cho Tôi"?
Đức Dalai Lama đời thứ Nhất - Ngài Gendun Drup - từng nói: "Mọi hạnh phúc trên đời đều đến từ việc mong muốn hạnh phúc cho người khác. Và mọi khổ đau trên đời đều đến từ việc mong muốn hạnh phúc cho riêng mình".
Quả đúng là như vậy!
Trong vụ án "Bà nội giết cháu bé 20 ngày tuổi" tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa, cho dù chưa được công bố động cơ gây án cụ thể, nhưng có thể nhìn thấy rõ hành động giết cháu của người bà nội kia có nguồn gốc sâu xa từ việc mưu cầu lợi ích cho bản thân mà quên đi quyền lợi của người khác, ngay cả việc cướp đoạt sinh mạng của chính cháu ruột mình.
Thường con người sống càng lâu, sự bám chấp vào những cái "Của Tôi" càng trở nên thâm căn cố đế: nhà cửa của tôi, tài sản của tôi, sức khỏe của tôi v.v… Và một khi cái "Của Tôi" nào đó bị đe dọa, một số người có thể gây ra những hành vi có hậu quả không thể tưởng tượng nổi.
"Chấp Ngã" và "Ngã Sở" chính là nguồn gốc căn bản của mọi khổ đau, sầu não trong đời sống nhân gian
Trong trường hợp này, cái "Ngã Sở" - sự bám chấp vào những cái "Của Tôi" mạnh tới mức chỉ cần nghe nói tới "tuổi thọ của tôi" bị đe dọa, người bà dù đã được nếm trải cuộc sống đến gần "thất thập cổ lai hy" cũng không tránh khỏi động tâm lo sợ.
Và khi lòng tham dấy lên, cái minh mẫn cần có lúc này gần như không còn chỗ đứng. Khi hành động vì "Cái Tôi" và vì những "Cái Của Tôi" và sẵn sàng chà đạp lên sinh mạng, quyền lợi người khác, thì hậu quả của nó không gì khác ngoài đau khổ, đau khổ cho nạn nhân và đau khổ cho chính mình.
Một người gây khổ cho người khác, ở chính thời khắc họ hành nghiệp ác, bản thân họ có hạnh phúc không? Có lẽ là không. Vì chỉ có người khổ mới có khả năng gieo rắc nỗi khổ, ở bên trong họ đã có sẵn những bất hạnh tích tập từ lâu.
Chắc chắn sau hành động giết người kia, đau khổ sẽ còn theo người bà nội ấy đến hết cuộc đời: mất con cháu, mất tự do, bị cả xã hội lên án đến một chút danh dự cũng không còn. Hãy xem khi hành động vì "Cái Tôi" thì trạng thái ích kỷ như vậy đã gây ra đau khổ đến mức nào.
Cả một cuộc đời mọi thứ đều vun vén cho bản thân, làm điều gì cũng vì mình, rốt cuộc lại là một cuộc đời vô nghĩa, kết thúc trong đau khổ và ác nghiệp sẽ theo mãi về sau.
Bạn hãy soi vào nội tâm của chính mình. Có phải, khi bạn làm được điều gì đó vui cho bản thân, thì niềm vui ấy thường được duy trì ngắn hạn hơn khi cùng một điều đó bạn làm được cho người khác?
Và hãy để ý xem, có phải khi bạn buồn là vì bạn đang mong muốn một điều gì cho bản thân mà không đạt được?
Nếu như hành động vì "Cái Tôi", vì những "Cái Của Tôi" thực chất đều gây ra đau khổ, thì hành động vì người khác sẽ dẫn đến điều gì?
Có thể sống với Bồ Đề Tâm?
Nhà Phật có một khái niệm rất nổi tiếng vì được nhiều người biết tới, "Từ Bi Hỷ Xả", nôm na được hiểu:
Từ vô lượng, là mong cho tất cả mọi người và mọi loài đều được bình an và hạnh phúc. Mong cho họ luôn gieo trồng những nhân lành dẫn tới bình an và hạnh phúc
Bi vô lượng, là mong cho tất cả mọi người và mọi loài đều xa rời khổ đau và không gieo những nhân dẫn đến khổ đau.
Hỷ vô lượng là luôn hoan hỉ trước hạnh phúc của mọi người. Tâm hỷ sẽ đối trị lại lòng ganh tị, đố kỵ.
Xả vô lượng là không còn bám chấp.
Khi như một người luôn gieo những nhân lành hành động vì muốn tốt cho người khác, ít nhất họ sẽ không hành động để gây khổ đau, thậm chí những ác nghiệp chỉ cần nghĩ tới thôi cũng không còn muốn làm nữa. Để làm được như thế, bản thân người đó cần có một loại trí tuệ hiểu biết về sự thật.
Nếu như người bà biết rằng, giết đứa bé này bà sẽ phải chịu vô vàn quả xấu, không chỉ một đời này mà khi chết đi quả xấu vẫn còn đeo bám, thì liệu bà còn dám giết người hay không?
Không hiểu biết về nhân quả, người ta có thể làm những việc vô cùng tồi tệ, nhưng nếu biết và tin nhân quả, người ta sẽ dè chừng trước mọi việc xấu định làm, muốn làm, bởi nhân quả không bỏ sót một ai.
Cũng như thế, khi gieo một nhân tốt mang lại hạnh phúc cho người khác, thì quả tốt cho dù không muốn nhận cũng sẽ trổ ra.
Nếu người bà biết quên đi bản thân mình mà làm điều tốt nhất cho đứa bé, cuộc đời luôn gieo trồng những nhân thiện lành mang lại lợi ích cho mọi người, thì điều gì có thể đợi bà ở tương lai ngoài hạnh phúc?
Bởi thế nên sống vì mình chỉ là một cuộc đời không mấy ý nghĩa, nhưng nếu cuộc đời ấy mang lại lợi ích cho nhiều người, đó mới là một cuộc sống hạnh phúc tràn đầy. Và chỉ người có hạnh phúc sẵn bên trong mới có khả năng mang lại hạnh phúc cho người khác mà thôi.
Nếu như bạn có thể đặt "Cái Tôi" và những "Cái Của Tôi" ở dưới mọi người, và mọi việc bạn làm đều có động cơ phục vụ mọi người, thì bạn đã bắt đầu mang Bồ Đề Tâm vào trong cuộc sống của mình như thế.
Mọi phiền não đều đến từ mong cầu lợi ích cho bản thân, nên hành động mang lại lợi lạc cho mọi người chính là một phương pháp để đối trị với "Cái Tôi" - căn nguyên của mọi đau khổ.
Đức Shantideva (685 – 763) từng viết trong "Nhập Bồ tát hạnh": "Tôi phải giải trừ đau khổ của những người khác, bởi vì nó cũng như những đau khổ của tôi. Tôi phải phụng sự người khác, bởi họ cũng là những chúng sinh giống như tôi".
Bằng việc đi giúp người khác, bạn đang giúp chính mình. Bằng việc hại người khác, sẽ không có chút lợi ích nào ngoại trừ việc bạn đang hại chính mình.
Và, hãy tin rằng ta có thể sống với Bồ Đề Tâm, mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho mọi người.
* Bài viết thể hiện một góc nhìn riêng của tác giả.
* Tài liệu tham khảo:
Tìm hiểu Kinh Pháp Cú Dhammapada - Tâm Minh Ngô Tằng Giao – 2006
Nhập bồ tát hạnh - Đức Shantideva
Theo Tri Thức trẻ
http://soha.vn/mot-goc-nhin-ve-vu-an-ba-noi-giet-chau-20-ngay-tuoi-lam-sao-de-song-voi-bo-de-tam-20171212075954903.htm