Tên trộm
Geshe Ben là một thiền sư sống vào thế kỳ 12, ông nổi tiếng về lòng tốt và sự liêm chính.
Một lần trên đường đi khất thực, ông được một gia đình nọ mời vào nhà ăn cơm. Ông vừa đi một chặng đường rất dài và đang cảm thấy đói không chịu nổi.
Ngồi trước mâm cơm thịnh soạn đang bày sẵn trên bàn, bất giác ông thò tay nhón lấy một miếng đồ ăn khi không có ai ở xung quanh.
Đột nhiên, ngay khoảnh khắc đó, ông la to: “Có trộm! Có trộm! Tôi đã bắt quả tang tên trộm!”
Người trong nhà chạy đến và thấy ông đang nắm lấy bàn tay kia, tự mắng mình và dọa cắt cánh tay vừa bốc đồ ăn để không bao giờ lặp lại hành động ấy nữa.
Một hành động nhỏ của bậc thiền sư đã cho chúng ta bài học thâm thúy về việc tự rèn luyện bản thân trước cám dỗ. Người ta thường ví việc học tập và rèn luyện bản thân cũng như việc đi xe đạp, luôn luôn cần đạp không ngừng để giữ được cân bằng.
Trước cám dỗ và những giới hạn, chỉ một lần vượt qua và dễ dãi với bản thân, chúng ta cũng có thể đánh mất những nguyên tắc của chính mình.
“Ta đến sớm để chuẩn bị cho ngày mà ta sẽ đến”
Một lần thiền sư Suzuki Roshi dự định đến thăm Hiệp hội Phật giáo Cambridge và không như thường lệ, ông đã đến sớm một ngày so với dự định.
Tự mình ghé thăm, ngài vào thẳng phòng đón tiếp vì biết chắc họ đang chuẩn bị cho lễ đón tiếp ông vào ngày hôm sau.
Tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy ông, bởi vì ông đã viết trong thư rằng ngày hôm sau ông mới tới nơi.
Thiền sư vừa chậm rãi thắt lại tay áo choàng ngoài, vừa nói với những người có mặt ở đó “Yên tâm đi, ta chỉ đến sớm để chuẩn bị cho ngày trọng đại mà ta sẽ đến đây mà thôi”.
Câu nói của thiền sư thực mang nhiều ý nghĩa, vừa như sự trọng thị của ngài dành cho nơi sẽ tới, thể hiện sự quan tâm và trân trọng của ông với mỗi nơi ông có mặt.
Đồng thời, nhìn một mặt khác, câu chuyện nhắc ta nhớ đến một triết lý trong đạo Phật, ý tưởng mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần nhắc đến trong các bài nói chuyện của ông:
“Trong các đoạn kinh Phật, đặc biệt là những lời răn dạy của Đức Phật ngay sau khi ngài giác ngộ, ngài nói rằng chúng ta phải thoát khỏi các nghi lễ.”
Chuyến viếng thăm thậm chí trước ngày đón tiếp của thiền sư cũng mang ý tưởng này: Con người cần thoát khỏi nhiều nghi lễ đang làm cho cuộc sống phức tạp và bận rộn hơn, để trở về sự nguyên bản, niềm chân thành trong các mối quan hệ và sự tôn trọng của con người với con người.
Một mẩu sự thật
Một lần nọ thiền sư Mara đang trên hành trình đi khắp các làng mạc của Ấn Độ cùng với những người hầu cận. Bỗng ông thấy một người đàn ông đang thực hành thiền mà trên khuôn mặt vẫn đang hiện rõ nhiều nỗi băn khoăn.
Một lát sau, đột nhiên người đàn ông này tìm ra thứ gì đó trên mặt đất phía trước anh ta. Một học trò của Mara lấy làm lạ, bèn hỏi ông rằng đó là thứ gì.
Mara trả lời: “Anh ta đã tìm ra một mảnh sự thật rồi đó.”
- Ngài có phiền lòng không khi ai đó mới chỉ nhận ra một mảnh sự thật nhỏ bé?
- Không hề. Vì chính từ một phần sự thật nhỏ bé đó, sau đó, con người mới xây dựng nên niềm tin cho mình.
Câu chuyện nói về niềm tin và việc tạo động lực trong cuộc sống.
Đôi khi con người luôn chờ mọi thứ hoàn toàn sẵn sàng để bắt đầu một điều gì đó, ví dụ như chờ đến khi ra trường mới bắt đầu tìm việc, chờ đến khi có đủ vốn liếng mới bắt đầu kinh doanh, chờ mọi điều kiện đủ đầy rồi mới bắt tay vào làm thứ cần làm.
Dưới góc nhìn của thiền sư, ngay cả khi nắm bắt được dù chỉ một khía cạnh nhỏ bé của sự việc, ta đã có thể bắt tay vào thực hiện nó. Bằng công sức ta dành cho công việc hay các mối quan hệ ngày qua ngày, mọi thứ chắc chắn sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Theo tri thức trẻ
http://soha.vn/thien-su-ho-hoan-bat-trom-ai-nay-deu-ngo-ngang-khi-tan-mat-chung-kien-chan-tuong-thu-pham-20170918164126011.htm