Người để quên túi tiền
Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra vào những năm Quang Tự đời nhà Thanh ở Trung Quốc.
Chàng trai họ Giả là người Giang Tô, làm việc trong một ngân hàng ở Thượng Hải, rất được cấp trên tín nhiệm.
Trước dịp Tết Đoan Ngọ, cấp trên bố trí cho Giả đến Thành Nam thu một khoản nợ. Giả mang theo túi da xuất phát.
Mọi việc diễn ra được cho là thuận lợi. Đến buổi trưa, tổng số tiền thu được là hơn 1.800 đồng.
Giả đi bộ rất lâu, nói cũng rất lâu, đến mức miệng khô như rang, mệt đến mức không nhấc chân đi thêm được nữa.
Vừa hay lúc đó gặp quán trà "Thập lục phố", anh vội vã vào trong uống chút trà rồi lại mau chóng trở lại công việc.
Thế nhưng trở về đến ngân hàng, Giả mới phát hiện ra rằng túi da của mình chẳng thấy đâu. Bất giác, anh hoang mang tột độ. Nhìn bộ dạng lo lắng, nói không nên lời của cấp dưới, chủ ngân hàng đoán rằng Giả đã có chuyện gì đó dối trá.
Nghĩ vậy, ông liền nghiêm giọng trách móc Giả đã phụ lòng tin của mình, đồng thời yêu cầu nếu không nhanh chóng mang tiền về sẽ đưa việc này ra chính quyền.
Hơn 1.800 đồng khi đó là một khoản tiền rất lớn, nếu không tiêu phung phí, có thể đủ cho một người tiêu cả đời, Giả tiên sinh là người làm công ăn lương, đền làm sao nổi đây!
Trách nhiệm quá nặng, lại khó biện giải cho bản thân, Giả cảm thấy cuộc đời này coi như xong, anh tuyệt vọng khóc thành tiếng.
Người nhặt được túi tiền
Ở một tình huống khác, có một người khác họ Nghĩa ở Phổ Đông, Thượng Hải cũng làm nghề kinh doanh, vì vận hạn đen đủi nên phải bồi thường hết cả sản nghiệp.
Chán chường, anh này mua vé tàu, trưa đó sẽ khởi hành về quê. Vì chưa đến giờ lên tàu nên đến quán trà "Thập lục phố", vừa chậm rãi thưởng trà, vừa ngẫm nghĩ xem sau này nên làm gì.
Đúng lúc Giả đi thì Nghĩa bước vào quán. Nghĩa vừa ngồi xuống thì phát hiện trên chiếc ghế cạnh mình có một chiếc túi da nhỏ. Thế nhưng anh cũng chẳng chú ý lắm, chỉ chú tâm vào việc của mình.
Rất lâu sau không thấy có ai đến lấy, Nghĩa bắt đầu nghi ngờ. Nhấc chiếc túi lên, thấy có vẻ nặng, mở ra xem, con ngươi anh có thể nói suýt chút nữa rơi ra ngoài: Trong túi toàn là những đồng tiền sáng loáng.
Nghĩa vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm. Đây hẳn là cái bánh ngọt ngon lành từ trên trời rơi xuống đây mà, một khoản tiền lớn như thế này không chỉ giúp mình thay đổi cục diện nghèo khó hiện nay mà cả đời về sau cũng không phải lo đến cái ăn cái mặc.
Thế nhưng anh lại nhanh chóng suy nghĩ lại: Không được, khoản tiền này nhất định phải có chủ, khoản tiền này mình không thể lấy được, nếu như mình mang tiền đi, người mất tiền sẽ vì chuyện này mà mất đi danh dự hay thậm chí là cả tính mạng, như thế tội của mình sẽ nặng lắm!
Vào thời đó, vì thấm nhuần văn hóa truyền thống nên những người làm nghề buôn bán ai cũng hiểu rõ đạo lý "đồ bất nghĩa tuyệt đối không nhặt". Nghĩa nghĩ: Món tiền hôm nay đã lạc vào tay mình, mình sẽ phải làm hết trách nhiệm, phải tìm cách trả cho chủ của nó.
Đến giờ ăn cơm trưa, quán trà chỉ còn lại tám chín người, nhìn thần sắc họ, không một ai giống như người vừa mất tiền. Nghĩa đành ôm bụng đói chờ đợi.
Cho đến khi phố xá lên đèn, người uống trà ra về hết, chỉ còn lại một mình, anh vẫn ngồi đó chú ý quan sát thần sắc của người qua lại.
Và hai mạng người được cứu sống
Đột nhiên, anh nhìn thấy một người gương mặt trắng bệch chạy đến quán trà. Người đó chính là Giả tiên sinh, phía sau còn có hai người nữa.
Vừa vào quán, Giả liền chỉ vị trí chỗ ngồi cho hai người đi cùng: "Chính là chỗ đó, khi đó tôi ngồi ở đó!" Ba người vội hướng đến chỗ Nghĩa đang ngồi.
Qua quan sát, Nghĩa đoán ra đây chính là người bỏ quên túi da, liền cười nói: "Các vị bị rơi mất túi tiền phải không?"
Giả sửng sốt, mắt mở to rồi gật đầu cái rụp.
"Tôi đợi các vị ở đây lâu lắm rồi", vừa nói, Nghĩa vừa lôi ra cái túi da đưa cho họ xem. Giả cảm kích đến mức người run lập cập: "Anh chính là ân nhân cứu mạng của tôi! Không có anh, chắc tối nay tôi phải treo cổ tự vẫn mất!"
Thì ra, khi phát hiện ra mất tiền, Giả vốn đã định quay lại con đường anh đã đi khi trước tìm một lượt. Mặc dù hy vọng rất mong manh nhưng cũng chỉ còn mỗi cách đó.
Thế nhưng cấp trên sợ anh chạy trốn mất nên không cho anh ra ngoài. Phải thuyết phục rất lâu, cấp trên mới gọi hai người nữa đến cùng Giả đi tìm tiền, thậm chí còn dặn họ dù thế nào cũng phải đưa Giả về.
Hai bên sau khi giới thiệu danh tính, Giả muốn trích 1/5 số tiền ra cảm ơn Nghĩa nhưng Nghĩa nhất định từ chối không nhận.
Giả lại năn nỉ vậy nhận 1/10 số tiền trong túi nhưng Nghĩa cũng không nghe.
Đến khi Giả muốn ân nhận nhận 1% tổng số tiền, Nghĩa bắt đầu nổi giận, nghiêm nghị từ chối.
Giả không biết phải cảm ơn ân nhân làm sao, liền nói: "Vậy tôi mời anh uống rượu, được không?"
Nghĩa vẫn từ chối. Cuối cùng, Giả nói: "Nếu không cảm ơn ông, lòng tôi rất bất an! Sáng sớm ngày mai chúng sẽ gặp nhau tại quán rượu xxx, thành khẩn mong ân nhân bớt chút thời gian ghé qua, không gặp không về." Nói xong, anh quay đầu đi.
Sáng sớm ngày hôm sau, Nghĩa đến điểm hẹn. Giả đang chuẩn bị hàng lễ cảm ơn thì ông Nghĩa đã cướp lời, nói: "Nhờ có việc anh mất tiền ngày hôm qua mà tôi vẫn giữ được mạng sống!"
Giả nghe mà chẳng hiểu ân hân của mình nói gì, liền hỏi lại, Nghĩa tiếp tục nói: "Hôm qua tôi định bắt tàu về quê, vé đã mua rồi, tàu xuất phát buổi trưa.
Nhưng vì đợi anh đến để trả tiền nên tôi nhỡ tàu. Trở về chỗ trọ, tôi mới biết là con tàu tôi định đi bị lật giữa dòng do sóng lớn, tất cả 23 người trên tàu đến không may tử nạn. Nếu như hôm qua tôi lên thuyền, có lẽ tôi cũng đã chẳng còn tồn tại đến giờ. Là anh đã cứu mạng tôi!"
Mọi người xung quanh nghe được câu chuyện, ai nấy đều cảm thấy thật kỳ lạ, đồng loạt giơ cao cốc chúc mừng hai người không quen biết vừa giúp nhau vượt qua bất hạnh theo cách thật khó tin.
Mọi người đều cho rằng một hành động lương thiện của Nghĩa cùng lúc đã cứu được hai mạng người.
Ông Giả sau khi trở về đã kể chuyện này cho cấp trên nghe. Người đó rất cảm kích nói: "Người tốt như thế thật khó tìm" và nhất định đòi gặp.
Kết quả là sau khi gặp mặt, hai bên cảm thấy rất có duyên. Nói chuyện hồi lâu, chủ ngân hàng muốn giữ Nghĩa lại làm việc, trả lương cao để đảm nhiệm vị trí quản lý.
Vài tháng sau, ông chủ ngân hàng còn cố ý sắp xếp, tác hợp cho Nghĩa và con gái mình trước khi dần dần chuyển cả cơ nghiệp sang cho cậu quản lý.
Câu chuyện về chàng trai họ Nghĩa nghèo nhưng không tham tiền bạc nhanh chóng lan truyền ra ngoài.
Sự thẳng thắn, trung thực và nhân nghĩa của anh được mọi người ca tụng, giới thương nhân tìm đến hợp tác với anh ngày một đông. Sự thuận lợi trong công việc chẳng mấy chốc đưa anh thành một phú ông giàu có.
Đây chính là phúc báo cho hành động và suy nghĩ thiện lương, là một kết cục tốt đẹp mà chẳng ai có thể nghĩ đến.