Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain từng nói: Lương thiện là một ngôn ngữ thông dụng trên khắp thế giới, nó có thể khiến người mù cảm nhận được và người điếc có thể nghe thấy được.
Tuy nhiên, lương thiện mà thiếu nhạy bén thì lại hoàn toàn khác.
Câu chuyện "Đông Quách tiên sinh và sói" trích trong "Trung Sơn lang truyện" của Mã Trung Tích thời nhà Minh dưới đây nói lên điều đó.
Chuyện Đông Quách tiên sinh cứu con sói bị thương
Đại phu nhà Tấn Triệu Giản Tử dẫn một đoàn người vào rừng săn bắn. Họ bắn trúng một con sói.
Con sói này trúng tên nhưng không chết, nó hoảng loạn tháo chạy thì gặp Đông Quách tiên sinh đang dắt một con lừa đi ngang qua. Con lừa cõng một túi sách to trên lưng.
Sói liền cầu cứu Đông Quách tiên sinh. Ông liền giấu sói vào chiếc túi trên lưng lừa.
Lúc Triệu Giản Tử truy hỏi, Đông Quách tiên sinh đã chỉ hướng con sói chạy rồi đường mình mình đi.
Theo chỉ dẫn của Đông Quách tiên sinh, Triệu đại phu thúc người đuổi theo. Họ đi khá xa rồi, sói liền xin người thả mình ra. Không ngờ, vừa được thả ra, nó đã toan ăn tươi nuốt sống ân nhân vừa cứu mình.
Đông Quách tiên sinh khổ sở cầu cứu, tìm cách tránh nanh vuốt của sói. Không ngờ, sói vẫn ngoan cố không từ bỏ. Hai bên cứ thế chạy vòng quanh con lừa, phải mất rất lâu sau, họ mới thương lượng và thống nhất tìm người phân giải.
Đầu tiên, họ hỏi cây đại thụ và trâu, cả hai đều nói sói nên ăn thịt Đông Quách tiên sinh.
Trong cơn nguy nan, bất chợt một ông lão tay chống gậy đi qua. Đông Quách tiên sinh chạy lên trước cầu cứu.
Ông cụ nghe xong chuyện, liền buông lời chỉ trích sói vong ân bội nghĩa.
Sói giải thích rằng vì Đông Quách tiên sinh nhét mình vào bao, sau đó đè sách lên người mình, cố ý thít chặt bao, lại kéo dài thời gian, mãi lâu sau mới thả cho ra, mục đích là muốn khiến cho sói chết để kiếm lợi cho bản thân, vì thế nó phải ăn thịt ông ta.
Ông cụ liền nói: "Vậy bây giờ làm lại như lúc đầu, bỏ sói vào trong túi để tôi xem có đúng là sói bị buộc chặt quá hay không, nếu đúng là sói phải chịu đựng nỗi khổ ấy, vậy thì sói có thể ăn thịt Đông Quách tiên sinh."
Sói liền đồng ý.
Khi sói một lần nữa chui vào trong chiếc túi lớn, ông cụ đã dạy bảo Đông Quách tiên sinh một hồi về sự dại dột mà người này phạm phải trước khi hợp sức giết chết con sói vong ơn: Đối với cái loại thú dữ tuyệt đối không được thương xót!
Lời bình
Triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson từng nói: Sự lương thiện của bạn nhất định cần phải có một chút nhạy bén, nếu không nó cũng bằng không.
Còn chính trị gia người Mỹ Bob Riley thì cho rằng: Khoan dung cho cái ác chỉ dẫn tới thêm nhiều điều ác. Và khi người tốt đứng nhìn và chẳng làm gì trong sự thống trị của cái ác, cộng đồng của họ sẽ bị nuốt trọn.
Quả không sai. Khoang dung, lương thiện là một thứ đáng trân quý nhưng thứ quý giá này cần được thắp sáng, được dẫn lối trong một cái đầu thông thái. Chỉ có như vậy, hai bên mới thực sự vui vẻ, thoải mái, mới có thể yên tâm chia sẻ những cảm xúc tốt đẹp.
Sống trên đời này là như vậy, có thiện ý, có nhiệt tình, sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ là chưa thể đủ. Bạn cần phải có một tấm lòng lương thiện xuất phát từ sự thông thái.