Từ câu chuyện chiếc bình hoa hơn 100 triệu và đồng xu 5 hào
Câu chuyện dưới đây là chia sẻ của một phụ nữ đang giữ chức tổng giám đốc của một công ty. Nội dung câu chuyện như sau:
Một hôm, đang lúi húi trong bếp làm cơm, chị bỗng nghe thấy tiếng cậu con trai 4 tuổi từ trong phòng khách vọng lại, giọng vô cùng lo lắng và sợ hãi: "Mẹ, mẹ mau ra đây."
Vừa nghe vậy, chị vội chạy thật nhanh ra ngoài và phát hiện tay của con trai bị mắc kẹt trong một chiếc bình hoa, không thể nào rút ra được. Vì đau quá nên cậu bé khóc tướng lên.
Chị đã giúp con lôi bàn tay ra khỏi chiếc bình song thử đi thử lại mấy lần đều không được. Nhìn con khóc, tay lại đau, chị rối quá liền chạy đi lấy cái búa, cẩn thận đập vỡ bình hoa.
Phải tốn khá nhiều công sức, chị mới giúp con rút được tay ra khỏi miệng bình hoa. Lúc này, chị mới thấy bàn tay nhỏ xíu của con đang nắm chặt, co cứng, không thả lỏng ra được.
Chị lại được phen hoảng hốt, lo lắng không biết có phải vì bàn tay kẹt trong chiếc bình lâu quá nên mới như vậy hay không.
Cho đến khi xoa bóp, cẩn thận nới lỏng được từng ngón tay ra, chị mới thở phào nhẹ nhõm: Tay thằng bé không sao rồi, trong lòng bàn tay nhỏ xíu ấy nắm chặt một đồng xu trị giá 5 hào.
Điều này khiến chị dở khóc dở cười, bởi chiếc bình chị vừa đập vỡ là một chiếc bình cổ trị giá đến hơn 100 triệu đồng.
Thì ra, cậu bé nghịch ngợm đã bỏ đồng xu vào trong bình hoa. Đến lúc muốn lấy nó ra nhưng vì bàn tay bé nắm chặt lại để giữ đồng xu nên không tài nào rút tay ra được.
Chị hỏi con: "Tại sao con không thả lỏng tay ra, bỏ đồng xu xuống? Như thế con có thể rút tay ra mà mẹ cũng không phải đập vỡ bình hoa!"
"Mẹ ơi, bình hoa sâu như thế, con sợ khi con buông lỏng tay, đồng xu sẽ rơi mất", - cậu bé trả lời mẹ.
Đến đạo lý buông bỏ ở đời
Hẳn có người sẽ thấy buồn cười khi nghe xong câu chuyện này song trong thực tế cuộc sống, thông điệp từ câu chuyện có thể giúp nhiều người trong chúng ta phản tỉnh:
Mặc dù câu chuyện xảy ra với một đứa trẻ 4 tuổi nhưng thực ra, hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến ở những người trưởng thành.
Rất nhiều người đang vì muốn giữ thật chặt thứ đang nắm trong tay mà cuối cùng rơi vào tình huống "tham đũa bỏ mâm", vì thứ nhỏ mà mất thứ lớn, thậm chí là gây ra bi kịch.
Tất nhiên, "đồng xu" được những người đó nắm thật chặt không phải là đồng xu 5 hào mà là những thứ với họ, chúng rất quan trọng như thành tựu, quyền lực, lợi ích, thể diện…
Sở dĩ họ nắm chặt không chịu buông "đồng xu" đó là bởi hai lý do:
Thứ nhất, đã sở hữu rồi sẽ cho rằng đó là của mình, phải giữ cho bằng được.
Thứ hai, họ sợ nếu buông tay, những thứ kia sẽ mất, vì thế mà họ sợ.
Trong cuộc sống, có nhiều khi chúng ta phải buông bỏ, mới mong có được những thứ tốt đẹp hơn. Ảnh minh họa.
Chúng ta cảm thấy chuyện đứa trẻ nắm chặt tay không chịu buông đồng xu 5 hào để rồi về sau, người mẹ phải đập vỡ chiếc bình hoa trị giá hơn 100 triệu đồng thật buồn cười, song đâu đó, chúng ta cũng thấy thật đáng tiếc.
Nhưng liệu chúng ta đã từng nghĩ rằng: Mình đã bao giờ nắm chặt một hoặc vài đồng xu không chịu buông tay để rồi mất đi cơ hội và sự phát triển lớn hơn, thậm chí là có thể gây ra bi kịch không đáng có?
Việc chúng ta quyết định buông bỏ xảy ra chỉ trong một tích tắc, sau một suy nghĩ. Có lẽ phải buông, chúng ta mới có được. Và việc này, cần phải học cả đời, bởi đó là một dạng trí tuệ, một cảnh giới cao độ.