Mỹ Tâm thân mến,
Phương Mai hơn Tâm vài tuổi, nên xưng chị cho gần nha.
Hôm qua xem xong cái clip Tâm hát cùng bạn ca sĩ mù, chị xúc động quá.
Xúc động xong rồi chị nghĩ, chả lẽ clip đó rồi cũng lại chỉ thoảng qua như bao hành động chân tình khác, dù thành tâm và lay động con tim, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một kỷ niệm đẹp trong lòng bạn ca sĩ tật nguyền, một hình ảnh đẹp của Tâm trong lòng khán giả, một chút niềm vui trong cái xã hội mà những tin xấu xa lừa đảo nhau đến chết đã quá đủ với chúng ta.
Mỹ Tâm song ca cùng người khuyết tật trong đêm Giáng sinh khiến nhiều người xúc động.
Người khuyết tật ở xứ mình chịu thiệt thòi vì nhiều lẽ.
Thứ nhất là dân số đông nên nguồn lao động không khan hiếm để khiến chính quyền có động lực giúp đỡ họ tham gia lao động.
Ở nhiều nước phát triển, người khuyết tật đóng góp ngang hàng với người lành lặn, và ý thức lao động của họ tốt hơn hẳn. Công ty có nhân viên khuyết tật đạt chỉ số hài lòng của khách hàng cao hơn 14%, nhiều phát minh sáng kiến hơn 7%, và dòng kiến thức được chia sẻ cao hơn 55%.
Một số công ty còn bắt đầu chỉ tuyển nguời khuyết tật, vì "khuyết tật" của họ thực ra lại là điểm mạnh trong công việc. Thiết kết phần mềm chẳng hạn, SAP và Microsoft thậm chí còn đặt mục tiêu phải tuyển ít nhất mỗi năm 1% người bị tự kỷ vì họ là những lập trình viên tuyệt vời nhất.
Em thấy không, đó là cú phản đòn tuyệt vời khiến định kiến phải thua một bàn ngoạn mục. Đó là khi những kẻ chúng ta cho là thiếu may mắn không chấp nhận tên mình là Bất Hạnh, và dùng chính những thứ người đời cho là khiếm khuyết để tung cánh lên cao khiến chúng ta phải ngước nhìn.
Đó là khi người mù coi việc không nhìn thấy ánh sáng là cơ hội để cảm nhận âm thanh hàng trăm lần tốt hơn người thường và đem đến cho chúng ta những bản nhạc bất hủ như Stevie Wonder. Đó là khi một cô gái tàn tật từ chối coi mình là tàn tật và biến chính sự khác biệt của cơ thể mình thành chủ thể nghệ thuật và trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Frida Kahlo.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, và giảng dạy môn đàm phán/giao tiếp đa văn hóa tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.
Thế giới đang chứng kiến những con người dũng cảm thách thức khái niệm của đám đông về "thiếu hụt", "khiếm khuyết" hay "tàn tật".
Điều thiệt thòi thứ hai của người khuyết tật tại Việt Nam là những đứa trẻ bị khuyết tật nếu có diễm phúc được gia đình chăm sóc thì cũng vẫn lén lút bị coi như nỗi xấu hổ. Cha mẹ không dám khoe, không dám lộ liễu yêu thương, và không bao giờ mang theo niềm hy vọng hay tự hào của gia đình, cả đời bị coi là gánh nặng.
Hồi nhỏ gia đình bạn chị cứ thấy có khách đến là giấu tiệt đứa con bị câm điếc vào phòng ngủ. Có lẽ niềm tin vào nhân quả khiến họ cho rằng tật nguyệt ở đời F1 là kiếp nạn họ phải trả cho những lỗi lầm kiếp trước chăng?
Năm ngoái trên đường ra sân bay, chị thoáng thấy một sân khấu do người khiếm thị biểu diễn trên đường đê Hà Nội. Cái sân khấu xấu xí, bé tý, phông nàn còn tệ hơn trò cắt dán thủ công của trẻ con, loa đài to át cả còi xe.
Trên sân khấu, một bạn ca sĩ đang cầm míc đứng nghiêm trang hát một bài hát não lòng. Không có ai dừng lại xem. Mà có muốn dừng lại cũng không được vì sân khấu dựng ngay trên vỉa hè sát lòng đường. Họ đứng lại thì sẽ cản trở giao thông.
Bạn ca sĩ ấy hát, trơ trọi, cô đơn, nhạt nhoà, không thần sắc, trên một sân khấu tồi tàn. Nếu như chị có thể dừng lại và đóng góp, hẳn là vì THƯƠNG, chứ không phải vì HAY.
Vấn đề là, người mù và khiếm thị, cũng như tất cả những người khuyết tật trên đời này, họ có cần tình thương của chúng ta không? Có. Nhưng nếu chỉ có tình thương thì nó chả mấy chốc mà thành thương hại. Từ thương hại đến khinh khi chỉ có vài li. Họ, cũng như chúng ta, cần hơn hết là sự Tôn Trọng và Cảm Phục.
Thế giới đã chuyển biến rất nhiều trong quan điểm về người khuyết tật. Họ không những là một thị trường kinh doanh màu mỡ mà còn là những người lao động giỏi, thậm chí giỏi hơn những kẻ lành lặn vì họ có đạo đức nghề nghiệp và tinh thần lao động cao.
Chúng ta đã từng sai lầm biết bao khi cho rằng người mù thì chỉ có thể làm một số việc nhất định, cũng như người bị điếc hay các dị tật khác.
Bộ não của chúng ta rất kỳ diệu. Nó có khả năng biến đổi cấu trúc và chất liệu để giúp chúng ta thích nghi với cuộc sống hàng ngày.
Người nào thường xuyên phải đa-zi-năng, làm nhiều việc một lúc thì não sẽ biến đổi để họ ngày càng đa-zi-năng hơn. Ai lái xe nhiều ắt sẽ giỏi lái xe. Nguời khuyết tật cũng vậy, não của họ dần dần phát triển các khối nơ ron rất khác người thường để giúp họ nhận biết cuộc sống hoàn chỉnh.
Khi hoạ sĩ mù Esref Armagan vẽ tranh, phần não phụ trách hình ảnh của ông không đen kịt mà sáng loà như một cây thông Giáng Sinh, như thể ông đang vẽ với con mắt sáng bình thường vậy.
Trên thế giới, hầu như không có một nghề nghiệp nào mà người khuyết tật, hay chi tiết hơn là người mù, không làm. Ngoài những công việc khá phổ biến như ca sĩ, nhạc sĩ, người mù có thể là giáo viên, luật sư, vũ công, nhà thiết kế, kế toán, nhà khoa học, nhà toán học.
Tommy Edison là nhà phê bình phim nổi tiếng, Erik Weihenmayer là người mù đầu tiên chinh phục đỉnh Everest, mở đường cho hàng triệu người mù là vận động viên thể thao khác như Alan Lock - người chèo thuyền vượt Đại Tây Dương và trượt tuyết tới cực Nam.
Bức tranh chị chọn đây là của hoạ sĩ mù người Anh Keith Salmon. Trên thế giới có rất nhiều bác sĩ bị mù, tiêu biểu là Jacob BolotinSadly. Ông mất sớm ở tuổi 36 và đám tang ông có hơn 5000 bệnh nhân đưa tiễn.
Người mù rất giỏi làm chính khách, thống đốc bang New York David Paterson dù bị mù từ năm 3 tuổi nhưng vẫn có một sự nghiệp chính trị lừng lẫy.
Bà Dawn Wiseman là một nhà thiết kế tóc thời trang tài ba, và bà hoàn toàn không nhìn thấy tóc của khách hàng, chỉ dùng những ngón tay để cảm nhận.
Người mù có thể sử dụng nhưng dụng cụ lao động mà người lành lặn cũng phải cẩn thận như cưa, dao, kéo...Christine Hà là người mù đầu tiên tham dự cuộc thi nấu ăn nổi tiếng Master Chef.
Người lành lặn chúng ta phải cảm ơn những nhà phát minh bị mù vì họ đã đem lại vô số sáng chế, một trong những thứ đó là công năng chạy tự động ở xe ô tô.
Ralph Teetor cảm thấy bực mình vì luật sư của ông không thể vừa lái xe vừa nói chuyện nên đã sáng chế ra tính năng cruise control. Chiếc xe mà Tâm yêu cầu quay đầu lại để em có thể hát với bạn ca sĩ bị mù hôm nọ chắc chắn có tính năng này.
Vậy người mù ở Việt Nam đang làm gì? Họ có nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ để sống cuộc đời không phải ăn mày tình thương?
Chị không có nhiều kinh nghiệm, nhưng những sản phẩm của người mù đến tay chị thường là tăm tre và chổi đan. Tăm thì xấu, mua vì thương, xong vứt đi. Chổi cũng không khác mấy. Tệ hơn, họ còn gọi đây là "sản phẩm tình thương". Chả khác gì những bài hát trên cái sân khấu tồi tàn dựng ở ven đường.
Bạn ca sĩ ấy kể rằng có lần còn bị ném trứng vào mặt vì người dân xung quanh không thích sự ồn ào. Thương thắt cả ruột, nhưng cũng phải tự hỏi mình: Nếu có cái sân khấu ấy ngày nào cũng oang oang hoặc ê a ngay cạnh nhà, thì chị phải làm sao?
Cái loa phường mỗi tuần một lần có nửa tiếng thôi mà đã làm mình phát điên lên muốn cắt dây điện cho rồi. Tình thương mà bị thử thách khắc nghiệt như vậy, thương bao lâu thì trở thành khó chịu?
Mà sao lại phải là tình thương? Thế giới đã bắt đầu không nhìn người khuyết tật như những kẻ đáng thương mà là những người "lành lặn theo kiểu của họ", thì tại sao chúng ta vẫn để đồng bào mình phải sống bằng tình thương khi họ hoàn toàn có khả năng sống bằng năng lực của chính mình?
Em là nghệ sĩ nổi tiếng Mỹ Tâm à. Cái sân khấu chòi canh ấy không có khán giả và mãi mãi sẽ không có khán giả nếu không có em bất ngờ quay đầu xe lại. Em đi thì khán giả cũng đi theo.
Clip đăng lên người ta tung hô em chứ không thay đổi quan điểm về chàng ca sĩ. Ngày mai họ cũng vẫn sẽ đứng một mình nghiêm trang trên cái sân khấu bé tý xấu xí. Họ hát và tưởng mình đang biểu diễn nghệ thuật. Họ nhận tiền và tưởng đó là phần thưởng của tài năng.
Chị biết trái tim em nhân hậu. Chị uớc sao em có thể bắt đầu từ sự nhân hậu ấy và dùng tài năng cũng như sức ảnh hưởng của mình để làm thay đổi cuộc sống của những con người mà em từng ấm lòng chia sẻ.
Chị mạnh dạn gợi ý nhé:
1. Mời một vài bạn thực sự có chất giọng, đào tạo và tham gia biểu diễn cùng em trên sân khấu lớn để tạo sự thay đổi về nhận thức. Hôm nọ chị vừa xem buổi biểu diễn cuả nghệ sĩ Hà Lan nổi tiếng André Rieu, và trong dàn vũ công nhảy điệu van đôi (Waltz) của ông có hàng chục cặp ngồi xe lăn xoay tròn trong tiếng nhạc. Ai cũng thấy đẹp và xúc động.
2. Cùng các bạn nghệ sĩ và nhà thiết kế khác giúp thực hiện một tụ điểm sân khấu ca nhạc đúng tiêu chí nghệ thuật. Khán giả đến xem mua vé, có giờ giấc đàng hoàng, không ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.
Các bạn ca sĩ và đạo diễn có thể huấn luyện để dần dần họ có cảm nhận sân khấu, có thể biểu diễn theo đúng từ "biểu diễn", và ăn mặc như một nghệ sĩ chứ không phải bộ quần áo nhàu nhĩ với cái bảng tên lủng lẳng trước ngực như bây giờ.
3. Thiết kế một chương trình truyền hình The Voice - The Heart cho các bạn mù và khiếm thính. Phiên bản Việt Nam, bản quyền Việt Nam. Nếu thực hiện thành công, cả thế giới sẽ phải khâm phục sự nhân ái của người Việt và khả năng của nghệ sĩ mù Việt Nam.
Hãy tưởng tượng sự chuyển biến thần kỳ của một người đứng im và hát cho đến ngày họ có thể biểu diễn điệu nghệ không khác gì một ca sĩ tài năng.
Em nghĩ xem sao nhé.
Lời tựa của bài viết do báo Trí thức trẻ đặt lại