Với chị Hoa Lý,quê hương, biển đảo và người lính là những đề tài thường trực trong sáng tác
Phải nói ngay, những trường hợp như Nguyễn Đỗ Thùy Dương – bút danh của chị Đỗ Thị Hoa Lý, không phải là ngoại lệ. Đã có nhiều nhóm bút của người Việt ở nước ngoài tập hợp các gương mặt như chị Hoa Lý - chị là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga. Họ, tuy tài năng khác nhau, nhưng có một điểm chung là yêu văn học nghệ thuật, là những người cùng chung nỗi đam mê sáng tác, chia sẻ nỗi niềm qua những trang văn, những dòng thơ, câu nhạc hay bức tranh…Như chị Hoa Lý, tham gia làm biên tập trang mạng Người xứ nghệ Kiev của Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh ở Kiev – Ucraina cùng anh Hồ Sỹ Trúc – cả hai đều là những người viết văn, làm thơ, bên cạnh việc kinh doanh để mưu sinh thường ngày.
Đỗ Thị Hoa Lý vốn là học sinh chuyên văn trường PTTH Trần Phú, Vĩnh Phúc. Như chị nói, vốn gốc gác ở Hà Tây, nhưng lớn lên tại mảnh đất rất giàu tình người Vĩnh Phúc: Cô giáo dạy văn năm cấp 3 là cô Nhữ Bích Chí, một cô giáo rất nhiệt huyết đối với việc truyền tải những kiến thức văn học đến với học sinh. Tôi được thấm nhuần những kiến thức đó, thấm nhuần những lời thơ, câu ca của mẹ..mẹ tôi cũng rất yêu thơ ca. Rất tự nhiên thơ ca cứ ngấm vào tâm thức của mình một lúc nào đấy. Tôi bắt dầu làm thơ vào năm 1986. Năm 1988 tôi đi lao động tại Ucraina và từ đó bởi những tình cảm của người con xa xứ rất da diết, nhớ nhung nên những vần thơ cứ bật lên… .”
Như chị Hoa Lý tâm sự, cuộc sống thực tế vất vả mưu sinh ở nơi xa xứ thiếu hẳn di tình cảm của đại gia đình vốn là chỗ dựa tinh thần rất lớn. Có một nỗi nhớ là điểm tựa: Đó là quê hương, là nguồn cội, là nơi mà đứa con xa sẽ trở về khi đã chồn chân thiên lý: “Chúng tôi đều phải bươn chải, vượt lên. Cái đó như một nỗi niềm, một nỗi day dứt không nguôi. Bởi thế những vần thơ của tôi luôn hướng về đất mẹ Việt Nam. Đến hiện tại tôi cũng xuất bản được 3 cuốn sách thơ, 1 cuốn tùy bút viết về quê hương đất nước, về tình cảm của những người con xa xứ, về yêu thương gắn bó với đất mẹ và những khát vọng của của bản thân cũng như của một bất cứ một công dân nào đối với đất mẹ.”
|
Bài thơ Hịch Biển Đông của Đỗ Thị Hoa Lý đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc |
Năm 2011 trong một chuyến về nước Hoa Lý ra mắt tập thơ Quê hương tôi, với những dòng thơ hướng về quê hương, về mẹ hiền, trong đó có những lời thơ Mãi trong tôi ngân tiếng ngọt ngào/ quê hương tôi mẹ hiền tôi đó/ nơi cánh chim tìm về với tổ/ nơi cội nguồn chảy mãi những dòng sông. Năm 2012 chị ra mắt tập thơ Hồi ức mùa hè và truyện ký tùy bút Hà nội thủ đô yêu dấu. Năm 2014 xuất bản cuốn Khát vọng biển Việt Nam, và cũng là năm Hoa Lý liên tục có những bài thơ được phổ nhạc. Đây cũng là năm mà giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam: “Ngay đêm đó tôi gửi inbox cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp bài thơ tôi viết vào năm 2011 khi diễn ra sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của ta. Khi tôi gửi bài cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp tôi nghĩ rằng nó vẫn giữ nguyên tính thời sự, và nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc thành ca khúc biển Đông, ca khúc mà nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã gửi gắm vào đó ý nguyện của bất cứ một công dân Việt Nam nào là khi tổ quốc bão giông thì triệu con tim lại hướng về nơi máu thịt quê hương bị xâm phạm. Trong thời điểm biển Đông như thế bà con người Việt ở Ucraina, ở Matxcova hay trên toàn thế giới xuống đường vì chủ quyền biển Đông, liên tục những sáng tác của tôi ra đời như Vì biển Đông, Tiếng gọi quê hương, Thương nhớ biển quê hương,…cũng đều được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc. Tiếng gọi quê hương là tiếng gọi của đất mẹ Việt Nam, là tấm lòng của bà con kiều bào hướng về Việt Nam, đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Và ca khúc Hịch Biển Đông đối với tôi có một ấn tượng lớn bởi đó là một ca khúc đã được công diễn trong chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM nhân kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2014. Sau này nhiều ca khúc đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc và đã đưa lên phát sóng, đưa vào album Tổ quốc cánh sóng nhân kỷ niệm 50 năm ngày hải quân nhân dân VN đánh thắng trận đầu., cũng như tập thơ Khi tổ quốc bão giông của tôi hoàn thành chưa đầy 1 tháng nhân sự kiện này.”
Có một điều đặc biệt, là những sáng tác đáng nhớ của Hoa Lý thường về biển đảo, về người lính: “Kỷ niệm khi tôi viết bài thơ Chuyện của người lính đảo, là chuyện của chồng tôi khi anh đóng quân ở đảo Ngọc Vừng. Tôi cứ thắc mắc tại sao anh nói to thế, nhưng thật ra ở đảo không nói nhỏ được vì không nghe thấy, do đó mới có câu là Giọng lính cứ âm vang lồng ngực – giọng của chồng tôi nói rất to! Khi chị Quỳnh Hợp phổ nhạc bài Chuyện người lính đảo thì chồng tôi cũng cứ tủm tỉm cười. Chồng tôi trước là sỹ quan trường quân chính quân khu 3, đã có 3 năm đóng quân tại đảo Ngọc Vừng. Anh cũng kể tôi nghe có những chuyến tàu ra thăm đảo, ngày xưa cũng có cô người yêu ra tận đảo để thăm nhưng duyên tình không đến thì hai người không đến được với nhau. Anh cũng kể ở đảo rất nhiều khó khăn, có khi các anh phải hái rau tàu bay để nấu canh, thế nên trong bài Chuyện người lính đảo của tôi có câu là Rau tàu bay cũng thơm mùi con gái, tôi dùng hình tượng một chút, tức là cả hình ảnh rau tàu bay và người yêu của anh ấy…Tôi không ghen với quá khứ vì đó là hình ảnh rất đẹp của người lính. Trong thâm tâm tôi hình ảnh người lính luôn gắn bó, đối với tôi hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ rất đẹp, rất thiêng liêng, cho nên lấy chồng là lính, và các em trai cũng là lính..”
Đọc thơ Hoa Lý trải lòng qua số phận, cuộc sống của một người xa xứ, thường dễ làm người đọc liên tưởng đến những người viết khác - những người mà một phần nào đó, đã nương tựa vào văn học nghệ thuật, đã dùng văn học nghệ thuật như một cánh cửa mở để sẻ chia tâm tình. Cho mình. Cho người. Như nhà thơ Phùng Quán từng đau đáu viết, cũng là viết thay cho bao người viết khác: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.