Đó là tặng vật của long lanh, ánh ỏi, ngất ngây, hoan lạc...
Cho nên mùa xuân là mùa của những thức biếu tặng, chia sẻ. Mùa của tràn đầy. Cuộc sống bên ngoài và bên trong mỗi người như được làm đầy. Đầy hơn, đầy hơn. Và mới hơn, mới hơn.
"Xuân gội tràn đầy
Giữa lòng hoan lạc
Trên mình hoa cây...
Nhạc vươn lên trời:
Đời măng đang dậy
Tưng bừng muôn nơi...
(Huy Cận)
Ngày Tết, hoa quả thức ăn bỗng dưng đẹp lên, rạng rỡ ra, căng mọng hơn, đầy tươi tắn, trở nên sinh động và dường như biết nói.
Ngày Tết
Và nếu biết nghe, ta sẽ nghe lời thì thầm của các thức hoa quả ấy, thức ăn ấy:
Hãy tặng tôi
Cho người khác
Hãy tặng vì niềm vui
Khi hồn ai ca hát với hồn đời.
Đó là tiếng lời của ai, thơ ca của ai?
Của hoa quả đấy, và của mọi tặng vật trên đời. Khi được trao gửi với tình yêu, tặng vật nào cũng biết hát ca, hát cho người tặng lẫn người nhận:
Hãy nhận món quà hôm nay
Hãy nhận đầy tay
Nhận và cho với một hồn đầy.
Thức ăn không phải là để ăn một mình. Thức ăn được chia sẻ mới thực là dưỡng chất trần gian. Luận về biếu tặng, M. Mauss dựa vào kinh điển xưa mà gợi lên một ý tưởng thiêng liêng về thức ăn:
"Do bản chất của nó, thức ăn phải được chia sẻ, không chia sẻ cho tha nhân là 'giết chết bản chất của nó', là phá hủy nó cho chính mình và cho những người khác". (Nguyễn Tùng dịch).
Khi thức ăn được chia sẻ thì dưỡng chất trần gian được lưu chuyển và dường như gió, đất, lửa, nước kéo nhau về hân hoan chơi đùa và nhảy múa.
Bởi vì từ nước, lửa, đất và gió mà mọi thức ăn được làm ra. Từ đó mà có cây trái, gạo nếp, bánh mứt, trà, rượu... và cả những thức thuộc về dưỡng chất tinh thần.
Sách. Trong sách có tất cả. Cuộc sống trong mọi phương diện của nó. Hiền minh xưa nối với nhịp bước bây giờ. Tuyết băng nối với nắng mùa xuân.
Khi sách trở thành tặng vật thì vật ấy hóa nên tinh thần.
Người tặng không chỉ chia sẻ một món quà tinh thần, cái đang có mặt trong sách mà còn chia sẻ hơi ấm đang có mặt trong tâm hồn mình.
Người nhận không chỉ được tham dự một cuộc phiêu lưu tinh thần với sách mà còn được đón nhận hơi ấm của người bạn đồng hành trong thế giới thực.
Đối với nhiều người, những quyển sách trong mùa xuân của đời mình đã mở mắt cho mình thấy thế giới. Cũng là thế giới trước đây nhưng nó bất ngờ hiện ra mới lạ.
Vì sách có tính năng khai nhãn và khai tâm.
Nó có thể tạo ra những bước đi đột phá.
Và trong trường hợp bình thường nhất, sách là một niềm vui. Một niềm vui trước hết là tưởng tượng.
Không có tưởng tượng sẽ không có gì hết. Nếu là như thế, cuộc đời sẽ tự hết thúc, mùa xuân sẽ tự kết thúc.
Sách trước hết là một tặng vật, từ tác giả đến người đọc. Từ người làm vườn đến người đón nhận hoa như lời thơ Tagore hơn trăm năm trước:
"Bạn đọc, bạn là ai người trăm năm về sau đang đọc thơ tôi?
Tôi chẳng thể gởi đến bạn bông hoa duy nhất trong sắc xuân tràn đầy, ánh vàng duy nhất từ lớp mây đằng kia.
Hãy mở toang cửa và nhìn xa bốn phương...
Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa xuân gửi qua trăm tiếng nói tươi cười" (Đỗ Khánh Hoan dịch)
Sau đó, là người chọn sách làm quà tặng. Người nhận làm sao mà không cảm thấy hân hoan, "niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa xuân"?
Dưới bóng mùa xuân, dưới bóng những trang sách là hồn đời.
Nhật Chiêu (VnExpress)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/sach-tang-vat-mua-xuan-20160216092714515.htm