Khôi Nguyên, một cậu bé thường xuyên bị co giật từ lúc 6 tháng tuổi, đến 3 tuổi em mới biết nói và chỉ chạy vô thức. Không một viên thuốc, không một bệnh viện, chỉ có bài giảng, bài tập và tính kiên trì của các huấn luyện viên, Khôi Nguyên đã trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội.
Đối với trẻ câm điếc thì có trường câm điếc, người tàn tật thì có trung tâm hỗ trợ và tạo việc làm. Còn việc can thiệp với trẻ tự kỷ thì còn nhiều giới hạn. Tôi có tiếp xúc với nhiều cậu bé bị bệnh này, một trong số đó là Khôi Nguyên, em bị phát bệnh từ tháng thứ 6, bố mẹ em đã phải cho em dùng thuốc độc bảng A, chống co giật. Bố em phải lặn lội vào Huế cắt thuốc Bắc và tập luyện cho em và đến lúc 3 tuổi em biết nói.
Qua được cơn nguy kịch thì em chuyển sang tình trạng lúc nào cũng chạy, mẹ em nói: “ Rất thèm được ôm ấp con vào lòng nhưng chỉ khi nào con ốm và mệt rũ ra mẹ mới được cái hạnh phúc là được ôm con”.
Từ lúc em chào đời đến nay 12 tuổi em mới biết đi bộ còn đâu là chạy và chạy vô thức. Qua bao năm chạy chữa với các bác sỹ và giáo sư chuyên khoa, bố mẹ em chỉ mong em đi đứng, nói năng từ tốn lại không lên cơn động kinh là may lắm rồi. Cơ duyên đưa em đến với Tiến sỹ Phan Quốc Việt, một người thầy nổi tiếng về đào tạo kỹ năng mềm và luôn được thôi thúc bởi đam mê chinh phục những gì xã hội cho là khó. Những ngày đầu em vẫn rất vô thức, thậm chí bắt sâu bỏ vào mồm ăn, đang ăn cơm lại bỏ bát chạy ra trời mưa hoặc đôi khi nằm vắt vẻo lên hành lang tầng 4 làm các thầy cô tại trung tâm hoảng hồn.
Đánh bạn, chọc ghẹo bất cứ ai và cười vô thức. Bạn bè xa lánh em, nhiều người sợ em, ghét em, thậm chí nhiều phụ huynh lên tiếng phản đối không cho Nguyên vào lớp chia sẻ cùng các bạn bình thường. Đi đâu cũng có cô em gái 7 tuổi đi theo để xin các cô, chú, anh , chị bỏ qua cho anh em, vì anh em thiệt thòi.
Sau hai tháng, không thuốc men gì, chỉ áp dụng tập luyện và kỷ luật, em trở thành một Khôi Nguyên mới mẻ, phải nói không dễ dàng gì, cũng nhiều lúc nước mắt huấn luyện viên lã chã vì cái bệnh của con, đôi khi làm các thầy cô hoảng hồn, và ngược lại con cũng phải toát mồ hôi và khóc ngon lành như một đứa trẻ ngây thơ.
Giọt nước mắt hiếm hoi của em khiến tôi cũng xúc động, bởi vì khác với trẻ bình thường chúng tôi cần em khóc, mong em biết nói dối và thậm chí trốn học, đó mới là bình thường. Thật bất ngờ, em đứng thăng bằng trên con lăn, tập học những câu châm ngôn, thành ngữ, em lễ phép, em chăm chỉ và rất ham học. Khóc nhiều hơn, biết sợ hơn, biết phân biệt nguy hiểm và những thứ gây hại.
Khôi Nguyên trợ giảng cho Tiến sỹ Phan Quốc Việt.
Gần đây, em được Tiến sỹ Phan Quốc Việt cho đi trợ giảng, em làm cả hội trường bất ngờ và xúc động. Cái điều quan trọng của vấn đề là Tiến sỹ Tâm Việt đã xem em như một đứa trẻ tài năng thực thụ và đúng, em phát huy những tiềm ẩn bất ngờ còn nương náu bấy nay trong con người em, hàm số nào, khai căn hay tích phân nào hoặc áng văn nào vĩ đại thì tôi chưa nói đến, nhưng cái đơn giản nhất lại là cái vĩ đại nhất đó là tình người. Chỉ tình người và sức mạnh của ngôn ngữ mới hoán đổi và chiến thắng bệnh tật, đã đến lúc giáo dục cần quan tâm và chú ý đến trẻ bị bệnh này, chúng chính là hiểm họa của việc lợi dụng cướp, giết, hiếp của tệ nạn và của sự lợi dụng nếu gia đình và cộng đồng buông lơi.
Nhìn em hôm nay và gương mặt đầy xúc động của bố mẹ em,vòng tay em chủ động ôm mẹ và nói “ Nguyên yêu mẹ nhất” ,
Tôi thấy hạnh phúc trào dâng, đây chẳng phải là một đột phá hay sao? Không một viên thuốc, không một bệnh viện, chỉ có bài giảng, bài tập và tính kiên trì của các huấn luyện viên, em trở thành có ích và nhân lên giá trị sống cho chính em, cho gia đình và cho xã hội này.
Gặp em hôm nay, khôi ngô tuấn tú như chính cái tên em, em nói “ Nguyên muốn làm giáo viên, Nguyên muốn tài giỏi”. Tôi tin em làm được như tin chính những sự diệu kỳ của tình yêu thương, của hệ quả giáo dục và của lòng kiên trì đang giúp em tiến gần hơn với thành công, hay chính là ước mơ của em, một đứa trẻ, một tương lai và một nhân văn.
(Theo VNmedia)
|