(Dân trí) - Hàng nghìn lượt like và chia sẻ, những câu chuyện của chàng “mèo mun” luôn có sức hấp dẫn đặc biệt trên mạng xã hội.
“Mèo mun” là tên gọi quen thuộc của Hồ Thành Công – chàng sinh viên ĐH Tổng hợp Kharkov (Ucraina). Hơn một năm nay, những câu chuyện Công kể thông qua ứng dụng Tommy Cat (nhại giọng, méo tiếng) đã khiến rất nhiều người tỏ ra thích thú. Mỗi video clip kể chuyện của cậu được đăng tải lên Facebook, ngay lập tức có cả trăm người nhấn nút “like”, “share” và tham gia bình luận. Hầu hết trong số đó đều “cười ngặt nghẽo” vì độ hài hước mà câu chuyện mang lại.
Công chia sẻ: “Là một người hay kể chuyện hài cho cho bạn bè nghe, cậu cũng từng có ý tưởng làm video clip nhưng cảm thấy không phù hợp nên…thôi”. Thay vào đó, cậu chọn chú “mèo mun” để truyền tải những câu chuyện của mình, và nick name “Công mèo mun” cũng ra đời từ đây.
Những câu chuyện của “Mèo mun” được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh chụp màn hình
Trong hơn một năm qua, đã có khoảng hơn 10 câu chuyện của mèo mun được cư dân mạng truyền nhau. Đáng chú ý là “Mèo mun kể chuyện bị “gái lừa”, “Mèo mun kể chuyện đi thi đại học”, “Chuyện nhặt được tiền của ngân hàng” và đặc biệt là Mèo mun cover “ Mình yêu nhau đi “ của ca sĩ Bích Phương.
“Để kể được một câu chuyện, đầu tiên mình phải lên ý tưởng, thêm các tình tiết gây cười, chọn câu từ sao hấp dẫn. Sau đó, tìm một không gian thật yên tĩnh, không có bóng người xung quanh để khi thu âm đảm bảo không ai nghe thấy . Bởi khi thu âm, giọng điệu kể chuyện phiêu lên phiêu xuống theo những thăng trầm của câu chuyện, nếu ai nghe phải những lúc đó chắc họ sẽ nghĩ đầu óc mình… có vấn đề!” – Công cho biết thêm.
Vì lưu lượng mỗi video mà ứng dụng Tommy Cat cho phép chỉ có 50s trong khi một câu chuyện thường kéo dài từ 3-4 phút nên Công chọn cách thu từng đoạn một, sau đó cho lên máy tính, dùng phần mềm chỉnh sửa video để cắt ghép lại và…viết phụ đề để khán giả vừa nghe, vừa đọc và hiểu được...mèo mun nói gì.
“Mèo mun” ở ngoài đời chính là một chàng du học sinh người xứ Nghệ. Ảnh: NVCC
Cậu cũng không giấu diếm: “Vì mình là người miền Trung nên khi thu âm, chú mèo mun cũng nhại lại bằng giọng địa phương, nhiều khán giả của mình cười cũng vì lẽ đó. Nhưng bên cạnh đó thì… cũng không ít người phàn nàn về độ nhảm của mèo mun”.
Dù đôi khi nhận được những ý kiến khác nhau nhưng hầu hết chuyện của mèo mun đều được rất nhiều người yêu thích. Và với chàng du học sinh này, cậu cho rằng: “Mục đích duy nhất của mình khi kể chuyện là giúp bạn bè có được những tiếng cười sảng khoái sau những giờ học tập, lao động mệt mỏi. Nhưng kể ra, thi thoảng đi ngoài đường có người nhận ra “Mèo mun! Mèo mun kìa” thì cũng… rất vui!”.
Hải Nam
http://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/chang-du-hoc-sinh-ke-chuyen-meo-mun-931863.htm
|