Ảnh minh họa
|
1. Quý trọng thời gian
Tôi từng nhận được lời phàn nàn của một độc giả, anh than thở rằng phiền não lớn nhất của bản thân hiện tại chính là có quá nhiều thời gian.
Hỏi ra mới biết, hóa ra anh là sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, đang trong quá trình tìm việc nên có khá nhiều thời gian rảnh rỗi. Ngoại trừ thời gian rải CV, anh không tìm được việc gì hay ho hơn để làm, cả ngày nằm lì trong nhà cày phim, lướt điện thoại. Anh cảm thấy "cuộc sống thật vô vị, không biết phải giết thời gian như thế nào mới được".
Nghe vậy, tôi chỉ có thể mỉm cười. Giai đoạn nằm nhà chờ được gọi đi phỏng vấn đó, chắc chắn ai cũng đã từng phải trải qua. Khi ấy, hẳn sẽ có rất nhiều người cảm thấy đời người dài đằng đẵng, thời gian vô vị trôi qua giống như dòng nước nhạt nhoà chảy mãi không ngừng.
Nhưng rồi cũng sẽ tới một ngày, hiện thực nhắc nhở chúng ta bằng chính trạng thái chân thực nhất của nó rằng: Sai lầm lớn nhất của đời người chính là cảm thấy mình còn nhiều thời gian.
Khi đến tuổi trung niên, tôi mới thật sự hiểu thấu điều này. Nỗi lo về công việc và gia đình khiến tôi bận bịu vô cùng, muốn dành thêm thời gian để viết lách trở thành một việc vô cùng khó. Tôi thường xuyên phải thức khuya làm việc, luôn khát khao có thể ngưng đọng thời gian.
Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu như sớm nhận ra thời gian đáng quý thế nào từ thời còn trẻ, nếu như đã không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ như chơi điện tử, lướt điện thoại, toàn tâm toàn ý cho việc viết lách thì bây giờ có thể tôi đã ở một trình độ khác rồi.
Đáng tiếc là không có cái gọi là nếu như. Thời gian chỉ biết tiến về phía trước, nó sẽ không vì sự tiếc nuối xót xa nào mà dừng lại cả. Điều duy nhất tôi có thể làm đó là bắt đầu thay đổi thái độ ngay từ bây giờ, nỗ lực hết mình, tận dụng tối đa thời gian để không bỏ lỡ cơ hội rèn luyện bản thân nữa.
Có người từng nói:
"Tuổi trẻ không quay lại
Một ngày không sáng mãi
Kịp thời nên gắng sức
Năm tháng chẳng đợi ai"
Đời người thật sự không dài, cho dù sống đến 100 tuổi, thời gian chúng ta có một đầu óc minh mẫn, tỉnh táo trung bình cũng chỉ được khoảng 60 năm. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, thái độ của chúng ta đối với thời gian sẽ quyết định chúng ta phải sống tầm thường vô vị hay được sống sung sướng thoải mái.
2. Quý trọng cái duyên
Phật dạy: Vạn vật trên đời đều có cái duyên. Đời người, thứ kì diệu nhất chính là duyên phận, thứ khó có được nhất cũng là duyên phận.
Có người từng làm một phép tính thế này: Trong đời, mỗi người sẽ gặp 8.263.563 người, chào hỏi với 39.778 người, quen biết với 3.619 người, thân thiết với 275 người nhưng cuối cùng đều sẽ ai đi đường của người nấy.
Biển người mênh mông, gặp được nhau đã khó, hiểu được nhau lại càng khó hơn. Nhưng cũng chính vì thế mà mỗi một người, mỗi một đoạn tình cảm trong cuộc đời của chúng ta mới càng đáng để chúng ta trân trọng và giữ gìn.
Năm ngoái, một người bạn thân của tôi, sau khi gặp phải chuyện con gái rối loạn tâm lý tuổi dậy thì, đã kiên quyết từ chức trong ban lãnh đạo công ty để về nhà dạy dỗ con cái.
Đối với nhiều người mà nói, đây rõ ràng là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng cô ấy lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh và nói rằng bao nhiêu năm nay, bản thân chỉ lo làm việc mà quên chăm sóc con gái. Đây chính là thời điểm phù hợp để cô bù đắp cho con gái mình.
Dưới sự quan tâm chăm sóc hết mực của cô, con gái cô không những trở nên ngoan ngoãn hiểu chuyện hơn rất nhiều mà quan hệ trong gia đình cũng trở nên hòa hợp và đầm ấm hơn. Cô ấy nói, chuyện của con gái đã nhắc nhở cô rằng, đừng đặt mục tiêu xa vời theo thói quen mà hãy quan tâm nhiều hơn những người ở ngay trước mặt, những tình cảm ngay bên mình.
Gặp nhau tức là duyên. Đối với những người lạ tình cờ gặp gỡ, chúng ta hãy tỏ ra thân thiện và tôn trọng đối phương nhiều hơn. Đối với người thân và bạn bè bên cạnh, hãy thấu hiểu và bao dung nhiều hơn, đừng tiếc rẻ một câu hỏi thăm ấm áp.
Gieo nhân nào gặp quả nấy. Trân trọng mọi duyên phận bằng tấm lòng biết ơn thì cuộc đời mới trao cho những quả ngọt để bạn hưởng thụ đời đời.
3. Quý trọng phúc phận
Chúng ta đều khát khao trở thành người có phúc, nhưng điều gì mới tạo nên cái phúc thật sự?
Tôi từng nghe một câu chuyện thế này:
Có một cậu thanh niên suốt ngày than vãn. Một hôm, lời than vãn của anh ta bị một ông lão nghe thấy. Ông lão liền quát hỏi: "Sao cậu lại than vãn nhiều như vậy?" Cậu thanh niên liền kể lại sự bất hạnh của bản thân cho ông lão nghe, đại để là cậu cảm thấy phiền muộn vì "Không tiền, không việc làm, nghèo đến mức cơm không có mà ăn."
Ông lão cười nói: "Tôi mua cánh tay của cậu với giá 1000 bảng Anh, cậu có bán không?" "Không bán!" "Tôi mua đời trai trẻ của cậu với giá 10000 bảng Anh thì sao?" "Không bán!"
Cậu thanh niên lần lượt trả lời từng câu hỏi với những lời từ chối chắc như đinh đóng cột. Cuối cùng, ông lão không nhịn được bật cười:"Cậu thấy đó, cuộc đời của cậu rõ ràng đáng nhiều tiền như vậy mà cậu lại cứ nói là mình nghèo!"
Những người thích than vãn rằng mình chẳng có gì thì đều mang trong mình một bệnh tâm lý: Họ cho rằng cuộc đời phụ họ quá nhiều. Điều bọn họ không biết là, có thể sống mạnh khỏe bình an thì đã là một cái phúc khó mà có được rồi.
Suy cho cùng, cuộc sống vốn không được tốt đẹp như chúng ta hằng mong chờ nhưng cũng không có tồi tệ như chúng ta tưởng tượng.
Con người, chẳng ai giống ai, chúng ta đều phải trải qua muôn vàn những khó khăn và gian khổ riêng, cũng vì thế mà gặt hái được những niềm vui và hạnh phúc riêng và cuối cùng thứ bạn nắm giữ trong bàn tay thật ra chính là cuộc sống tốt nhất mà bạn có thể có được.
Có được thì sẽ có mất, như vậy mới là cuộc sống, giữ gìn được mới là cái phúc.
Cũng giống như có người từng nói:"Đời người có khổ có sướng thì mới đầy đủ, đời người có thành có bại thì mới hợp lý, đời người có được có mất thì mới công bằng, đời người có sinh có tử thì mới tự nhiên.
Đối với nỗi phiền não về được mất ở đời người, điều mà chúng ta nên làm nhất là bớt than vãn và biết trân trọng nhiều hơn. Khi nên chịu khổ hãy chịu khổ một cách thản nhiên, từ đó lúc được hưởng phúc thì cứ an tâm mà hưởng phúc.
Đừng để đợi đến lúc mất đi mới biết hối hận, càng không nên khổ sở bám theo những thứ không thể có được.
Hãy nhớ lấy, bạn sử dụng thời gian cẩn thận, bạn đối xử tử tế với người bên cạnh, bạn quý trọng sức khỏe của bản thân, bạn trân trọng mọi thứ mình có thì đó chính là thái độ tốt nhất bạn giành cho cuộc sống.
Người hiểu được cách quý trọng thì mới xứng có được nó.
(Theo Trí thức trẻ)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/song-dep-song-khoe/ba-dieu-tran-quy-khong-duoc-phep-buong-bo-neu-ban-mong-cau-co-duoc-hanh-phuc-that-su-20200814161405137.htm