“ Đối xử với người ngoài thì cung kính, còn đối với thân nhân thì lại quá hà khắc. Chúng ta thường hay thể hiện phần bản tính xấu nhất trước mặt người thân thiết của mình_._“
Ảnh minh họa
Một người bạn kể cho tôi câu chuyện anh vừa trải qua:
“Anh biết không, tôi dùng tất cả những gì mình có, từ khả năng, vật chất, cho đến tiền tài để giúp đỡ cậu bạn thân đang gặp rắc rối. Nhưng kết quả thì… anh đoán xem cuối cùng thế nào? Một lời cảm ơn cũng không có! Thế mà anh ta còn nói đùa với tôi rằng hãy làm nhiều thêm một chút. Tốt xấu gì cũng là do tôi bỏ tiền túi, vận dụng các mối quan hệ quen biết, hết sức mình giúp đỡ anh ta. Tôi không cầu mong anh ta phải mang ơn, nhưng ít nhất cũng phải nói một câu cảm kích chứ!”.
Tôi an ủi anh bạn: “Có thể với cậu ấy anh là người quá thân thiết, nói lời cảm ơn thì dường như khách khí. Chẳng phải cậu ta đã nói đùa là anh hãy giúp lâu hơn chút nữa sao?”.
Chúng ta cũng vậy, rất dễ dàng phạm phải sai lầm tương tự: Đối xử với người ngoài thì cung kính, còn đối với thân nhân thì lại quá hà khắc. Chúng ta thường hay thể hiện phần bản tính xấu nhất trước mặt người thân thiết của mình.
Ví như những lúc tâm trạng không tốt, chúng ta có thể trút giận lên anh chị em thậm chí cả cha mẹ. Những lúc nghe cha mẹ nhắc nhở, chúng ta lại không ngừng oán trách phàn nàn, thậm chí lời nói ra cũng thiếu đi vài phần tôn kính. Nào là “Ba mẹ nói nhiều, con không chịu được nữa”, nào là “Cứ để con làm theo ý của con, ba mẹ nói nhiều quá con không chịu được”… Những lời nói vô tình của ta khiến cha mẹ đau lòng, cũng khiến bản thân lại mang tội bất hiếu.
(Ảnh minh hoạ qua: Candy Photography)
Cha mẹ đã phải cực nhọc vất vả để nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn thành người. Nhưng chúng ta thì sao? Những lúc cha vì chúng ta mà rong ruổi mưu sinh, còn mẹ vì chúng ta mà tận tình chăm sóc, có bao giờ chúng ta nói một câu “Cám ơn cha mẹ, cha mẹ cực khổ quá rồi”? Hay chỉ là những lời than phiền trách cứ: “Con không thích cha chạy xe ôm, không thích cha làm phu hồ!”, “Thức ăn mẹ xào mặn lắm, con chẳng thể nuốt trôi”… Có khi nào chúng ta thử nghĩ một chút, rằng nghe những lời than phiền ấy cha mẹ có đau lòng hay không?
“Vạn cổ tình thâm ơn cúc dục
Thiên thu nghĩa trọng đức sinh thành”
Sai lầm lớn nhất của chúng ta chính là thể hiện bản tính tồi tệ nhất và mặt xấu nhất trước mặt người thân quen, nhưng lại dành sự kiên nhẫn và bao dung cho những người xa lạ.
Khi đối đãi với người thân thiết, chúng ta thường hành động theo thói quen dưỡng thành tự nhiên: Chẳng biết lễ phép, không dịu dàng hòa nhã, quên mất phải kính trên nhường dưới. Nếu không phải là kêu la om sòm, không ngừng trách móc, thì cũng là lơ đãng chẳng quan tâm, ngó lơ chẳng trả lời.
Cũng bởi vì quan niệm rằng người thân vốn đã quá quen thuộc, nên chúng ta quên mất phải lễ phép lịch sự, để rồi dần dần mất đi sự kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng.
Khi con đã trưởng thành, nhiều bậc cha mẹ lựa chọn sống tách biệt với con cái. Lý do là vì họ sợ gặp phải mâu thuẫn, sợ rằng con cái quay ra dạy bảo chỉ dẫn họ đủ điều. Hai thế hệ luôn có quan điểm và cách sống khác nhau.
Trong gia đình thường xảy ra sự bất đồng giữa cha mẹ và con cái. Nhẹ thì trách móc, hậm hực, nặng thì bất mãn, không nhìn mặt nhau. Hiển nhiên cha mẹ nào cũng muốn con cái được hạnh phúc, và ngược lại, có đứa con nào lại không mong cha mẹ hạnh phúc? Ấy vậy mà hai bên lại gây khổ cho nhau!
Tại sao cha mẹ không hiểu con? Tại sao con không theo ý cha mẹ? Cũng bởi vì cả hai bên không thể thấu hiểu nhau mà cứ cố tình đưa cho người kia thứ mình cho là đúng.
Có một cặp vợ chồng cao niên, mặc dù con cái họ vô cùng hiếu thảo, mỗi tháng đều chu đáo gửi tiền phụng dưỡng, nhưng ông bà vẫn kiên quyết không sống cùng các con.
(Ảnh minh hoạ qua: BLdaily_com)
Hai ông bà nói: Người già không thể sống cùng với những người trẻ hiện đại vì cả hai bên đều có lối sống khác nhau. Ở cùng một chỗ sẽ chỉ phiền toái đôi bên, tốt hơn hết là nên ở riêng, thoải mái không bị ai ràng buộc.
Ông lão kể rằng, các con đều đối xử với ông rất tốt, cũng rất hiếu thuận. Nhưng khi ở trước mặt chúng ông cảm thấy mình như đứa trẻ mắc phải sai lầm nào đó. Ông sợ rằng chúng xem ông bà như con trẻ mà quay ngược lại giáo dục mình:
– Sao cha không đánh răng trước khi đi ngủ, miệng của cha sẽ mùi lắm.
– Sao cha không thích tắm, cổ áo đều bị đen dơ thế này.
– Người già không nên ăn quá nhiều thịt và đồ ngọt, dễ mắc bệnh.
– Sao cha mẹ lại chăm cháu theo cách đó, như thế là không đúng, phải như vầy, như vầy…
Cha mẹ nào cũng hy vọng được con cái thể hiện tình yêu thương. Nhưng đôi khi con cái vì quá thân quen mà đánh mất đi sự tôn trọng và lòng kiên nhẫn, quên đi tâm trạng và lòng tự ái của cha mẹ mình.
(Ảnh minh hoạ qua: Pinterest_com)
Người cao tuổi rất khát khao tình cảm, ai chẳng muốn con cháu quây quần ríu rít. Nhưng ngoài những khoản chu cấp về vật chất, họ còn mong muốn được tôn trọng. Họ hồi tưởng con mình của ngày xưa, ngây thơ vui vẻ mà nắm lấy vạt áo họ không muốn rời. Trong mắt cha mẹ con dù có trưởng thành đến đâu cũng vẫn là đứa trẻ, vậy nên bản năng bảo vệ con cái của cha mẹ vẫn rất mãnh liệt, sợ rằng không có mình thì con cái sẽ lầm đường, sẽ lạc lối.
Vì sao chúng ta không thể kiên nhẫn với người thân của mình? Là bởi vì chúng ta cho rằng người thân thiết nhất sẽ chẳng bao giờ rời bỏ mình mà đi. Cho dù chúng ta có phạm sai lầm, và dù có làm họ tức giận, họ cũng sẽ không bao giờ trách tội chúng ta.
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)
Lúc còn bé, cha mẹ nói gì chúng ta đều cho là đúng, mỗi người con đều tin rằng cha mẹ là toàn năng, không gì không làm được. Đến khi trưởng thành, ta mới phát hiện thì ra cha mẹ cũng chỉ là người bình thường, cũng có lúc phạm sai lầm, có những chuyện lực bất tòng tâm. Thế rồi những mộng tưởng tan tành và sụp đổ, kèm theo đó là sự nổi loạn bên trong chính chúng ta. Nhưng rồi theo thời gian, không biết từ khi nào chúng ta không còn đối chọi với cha mẹ nữa, thậm chí còn thấy thương tâm khi nhận ra rằng cha mẹ đã già rồi, cũng cần người chăm sóc. Lúc ấy trong lòng mỗi người đều cảm thấy day dứt, ý thức trách nhiệm cũng được nâng cao.
“Có phải cha mẹ hứa nhau từ kiếp trước
Tạc lại hình con nguyên vẹn trái tim người”
tình cảm thật sự rất mong manh, bất kể là tình thân, tình bạn bè, tình yêu hay là hôn nhân đều rất mong manh dễ vỡ. Đừng đợi cho đến khi có vết nứt thì mới bắt đầu hàn gắn, bởi một khi đã xuất hiện vết nứt thì dù cho bạn có làm bất kì điều gì cũng khó mà khôi phục trở lại hình dáng ban đầu.
Ngay cả những người thân thiết nhất, nếu như chúng ta có những lời nói vô tình hay hành động thiếu tôn trọng cũng sẽ dễ làm họ bị tổn thương.
Thế nên, dù như thế nào, thì hãy tinh tế, cẩn trọng trong lời nói và hành động của bản thân mà chăm sóc yêu thương họ nhiều hơn. Đây không chỉ là cách thể hiện sự trân trọng người thân yêu mà cũng là cách đối nhân xử thế của một người trưởng thành chân chính.