Ảnh minh họa
|
Niềm tin
Vừa vào công ty, nàng sực nhớ sáng đi chợ đã để quên bó rau mình trả tiền rồi. Chiều đi làm về, nàng mệt mỏi vào chợ để mua bó rau khác. “Sáng em để quên bó rau nên chị bán cho người khác rồi”. Nghe tiếng, nàng quay người lại, thấy chị bán rau trả cho mình đúng số tiền mua rau lúc sáng.
Từ chợ về nhà, nàng luẩn quẩn với suy nghĩ: “Bây giờ người ta còn nhẫn tâm giết đến mấy mạng người một lúc chỉ vì vài trăm ngàn, hay vì mấy quả chanh. Người ta cũng dễ dàng giết nhau chỉ vì đánh mất niềm tin tốt đẹp vào người khác. Thế nhưng, chỉ cần một hành động nhỏ nhặt thể hiện sự tử tế, cũng đủ để lấy lại niềm tin giữa người với người”.
Nàng chợt thấy nhẹ nhõm rằng mình vẫn chưa đánh mất niềm tin vào con người vì những chuyện cỏn con như một số người khác…
Bà bán rau
Đôi vợ chồng dừng lại trước tín hiệu đèn đỏ. Tín hiệu báo còn 60 giây. Tan tầm mọi người mệt mỏi chen nhau để nhanh chóng về nhà. Anh chồng nhìn ngang, nhìn dọc giết thời gian. Cô vợ ngồi sau cằn nhằn: ”Lại kẹt xe!”.
Bất chợt trong mớ âm thanh ồn ào, anh chồng nghe một giọng nói yếu ớt vang lên ngay cạnh mình. Anh nhìn lại. Là một bà lão bê giỏ rau muống. “Cô chú mua giùm tôi ít rau để tôi có tiền đi xe buýt về”.
Cô vợ bĩu môi: “Rau vừa già vừa héo thế mang về cho lợn ăn à?”.
Anh chồng thoáng lặng đi, nhẹ nhàng: “Bà cho con mua hết số rau này nhé!”. Trên đường về, cô vợ liên tục cằn nhằn.
Vào đến nhà, anh chồng kéo cô vợ đến trước bàn thờ, nói to: “Vì ngày xưa mẹ cũng bán rau như thế để nuôi anh được như hôm nay”.
Mái tóc của ông ấy
Sau khi gội đầu và sấy khô tóc cho bà cụ, cô chủ tiệm nói: “Bà ơi, tóc bà giờ chỉ còn lưa thưa vài cọng, hay bà cắt ngắn cho dễ chăm sóc, lại trông trẻ ra vài tuổi”.
“Không được đâu cháu! Ông rất yêu mái tóc này của bà”.
Cô chủ tiệm hỏi lại: “Thế cụ ông năm nay bao nhiêu tuổi rồi bà?”.
“Ông ấy mất năm năm rồi!”. Giọng bà cụ bỗng nhỏ lại, mái tóc bạc trắng lưa thưa phất phơ trước luồng gió quạt máy…
Tư duy quần short
Quần tây hay mỉa mai quần short: “Cái thứ anh người ta chỉ mặc trong phòng ngủ và phòng vệ sinh thôi. Tôi thì lúc nào cũng được người ta mặc đến những nơi sang trọng”. Quần short ngậm ngùi không cãi lại một tiếng.
Nhiều lúc, quần short ngẫm nghĩ, mình bị người ta coi thường chỉ vì tư duy chưa cởi mở, chứ ở phương Tây thì quần short, quần jeans hay quần tây đều được coi như nhau, mỗi thứ có giá trị riêng. Quan trọng là người mặc có mang lại được điều gì ích lợi cho xã hội không thôi.
Quần short cứ an ủi mình như vậy cho đến ngày, trong buổi học tại một trường đại học lớn, lần đầu tiên trong đời quần short được một ông thầy mặc lên giảng bài, để chia sẻ ý tưởng về sự sáng tạo và tư duy cởi mở. Quần tây há hốc mồm ấm ức, chụp lại ngay cảnh ấy đưa lên facebook để bêu xấu, dè bỉu nhân phẩm của quần short. Nhiều anh hùng bàn phím hùa theo, góp phần rao giảng đủ thứ gọi là chuẩn mực.
Góp tiếng dạy bảo hùng hồn thế, nhưng chẳng mấy người trong số đó biết, quần short chỉ được xuất hiện một lần đó, như một cách thể hiện cho việc thế nào là tư duy sáng tạo, dám phá bỏ mọi giới hạn của những định kiến. Có thể, khi dân trí được nâng cao hơn, quần short mới thoát được cảnh bên trọng bên khinh, vì nhiều người sẽ hiểu hơn chuyện mỗi thứ trong cuộc sống đều mang trong mình giá trị riêng.
Theo Trần Trà My/https://www.phunuonline.com.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/van-hoc-nghe-thuat/chum-truyen-hay-cuc-ngan-ve-cuoc-song-20190927165612485.htm