Hai câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta thấy quả báo đáng sợ của lòng đố kỵ.
Câu chuyện thứ nhất
Theo quan điểm của nhà Phật, một người có tài năng, dung mạo và sự giàu có đều là phúc phận mà kiếp trước tu được. Đó là phần thưởng mà ông trời trao tặng cho sự tu tập của họ. Mỗi một người mang trong mình thiện đức nhất định sẽ được ông trời ghi nhận.
Cư sĩ Châu An Sĩ thời nhà Thanh có để lại cho đời sau cuốn "An sĩ toàn thư", trong đó có một câu chuyện như sau:
Vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tống có một vị đại phu tên là Tưởng Viên. Người này có 10 người con trai nhưng bất hạnh thay, chẳng ai trong số này có sức khỏe kiện toàn.
10 người con trai người thì gù, người thì tay chân ngắn, người thì tàn tật ở chân, người thì điên điên dại dại… Phàm là những tật bệnh và bất hạnh trên đời dường như đều đổ xuống đầu 10 người con của Tưởng Viên.
Một lần, bạn của Tưởng Viên là Công Minh Tử Cao hỏi ông ta rằng: "Đại phu, bình thường ông đã làm việc gì không tốt mà để cả nhà gặp phải tai họa ly kỳ như thế?"
Hậu quả của lòng đố kỵ rất khôn lường. Tranh minh họa.
Tưởng Viên nghĩ đi nghĩ lại, nói: "Bình thường tôi chẳng làm chuyện gì ác độc, chỉ có điều tôi hay đố kỵ với người khác.
Thấy người khác mạnh hơn mình, tôi đố kỵ với tài năng của họ; thấy người khác bợ đỡ tôi, tôi rất vui; nghe nói người khác hành thiện, tôi nảy sinh nghi ngờ; nghe người khác làm việc ác, tôi tin ngay không chút nghi ngờ.
Mỗi khi nhìn thấy người khác có được điều tốt đẹp, tôi cảm thấy như mình vừa mất đi thứ gì đó, trong lòng rất đau khổ; nếu người khác mất đi thứ gì đó, tôi lại cảm thấy như mình vừa giành được vậy, trong lòng rất vui."
Tử Cao nghe vậy liền thở dài nói: "Đại phu, tâm thái và hành vi của ngài hóa ra là như vậy. Mang trong mình lòng đố kỵ quá nặng sợ rằng không lâu nữa sẽ có họa diệt môn! Quả báo mà đố kỵ gây ra không chỉ có vậy đâu!"
Tưởng Viên nghe những lời đó mà trong lòng không khỏi lo lắng sợ hãi. Tử Cao thấy vậy thì khuyên bạn: "Mặc dù ông trời ở cao nhưng có thể quan sát được hết mọi việc, nếu ông có thể thay đổi bản thân, họa sẽ chuyển thành phúc. Bây giờ sửa vẫn chưa muộn đâu!"
Kể từ đó, Tưởng Viên đề cao cảnh giác, thay đổi tất cả những thói quen xấu trước đây. Vài năm sau, những bệnh tật quái gở của những người con trai dần khôi phục một cách kỳ lạ.
Câu chuyện thứ hai
Trước đây có một bác nông dân nuôi một con Dê và một con Lừa. Dê nhìn thấy bác nông dân cho Lừa ăn nhiều hơn mình liền nảy sinh lòng đố kỵ và nghĩ cách để hãm hại lừa.
Rồi Dê nói với Lừa: "Anh xem, chủ nhân của chúng ta đối xử với anh thật chẳng ra gì, ngày nào cũng bắt anh phải làm những việc nặng nhọc, thế chẳng phải làm khổ anh quá sao?"
Lừa cho là thật liền hỏi Dê: "Vậy tôi phải làm sao?"
Dê đáp: "Anh cứ giả vờ ngã xuống mương nước, sau này anh sẽ được nghỉ ngơi."
Lừa làm theo lời Dê bảo, giả vờ ngã xuống mương nước dẫn đến bị thương. Bác nông dân thấy vậy đành phải mời bác sĩ thú y về điều trị cho Lừa.
Khám xong, bác sĩ thú y nói: "Phải dùng phổi của dê mới có thể chữa khỏi vết thương của lừa."
Bác nông dân nghe vậy liền đem Dê đi giết rồi lấy phổi của nó về cho bác sĩ làm thuốc chữa vết thương cho Lừa.
Con Dê trong câu chuyện trên nhìn thấy người khác gặp một chút thuận lợi không những không mừng cho họ mà còn nảy sinh lòng đố kỵ so bì, vì thế nó mới nảy ra ý định xấu xa, muốn hại chết con Lừa nhưng không ngờ lại hại chính mình. Đó chính là kết cục tất yếu của những kẻ sống với lòng đố kỵ.
Khi chúng ta nhìn thấy người khác có điểm mạnh gì đó, chúng ta nên ghi nhận và đánh giá cao tài năng của họ, bổ sung những thiếu sót hoặc những điều mình làm chưa thật tốt.
Hãy nhìn mọi người, mọi việc theo một góc nhìn tích cực, hãy nghĩ rằng người khác có được những điều tốt đẹp là bởi họ đã rất nỗ lực hy sinh thời gian, công sức…
Và đừng bao giờ quên rằng: Yêu thương bảo vệ người khác, lợi cho người lợi cho mình; đố kỵ người khác, hại người hại chính mình!
http://soha.vn/sinh-duoc-10-nguoi-con-trai-ai-nay-deu-di-dang-vi-dai-phu-giat-minh-so-hai-khi-biet-ly-do-20180807110321638.htm