Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu nhập khẩu xe hơi 10 tháng đầu năm, trong đó tổng xe nhập về Việt Nam là 77.336 chiếc, giảm hơn 10% về lượng và hơn 13% về kim ngạch.
Lượng giảm, giá tăng: Khó có chuyện xe nhập giá rẻ?
Trong đó riêng xe con dưới 9 chỗ đạt 34.430 chiếc, giảm hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm gần 6%. Tuy nhiên, nếu nhìn con số suy giảm nhập khẩu xe con trong từng tháng của năm 2017, mới thấy rõ tốc độ giảm nhập xe đang rất lớn.
Lượng xe nhập về Việt Nam đang giảm nhanh, trong khi đó giá trung bình của các dòng xe đang tăng mạnh (nguồn: Tổng cục Hải quan)
Cụ thể, trong khi các tháng trước số lượng xe nhập đều đạt trên nghìn chiếc mỗi tháng thì riêng trong tháng 9 và tháng 10, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh chỉ đạt 918 và 878 chiếc (theo thứ tự).
Điều đáng nói là tốc độ xe nhập về Việt Nam giảm nhanh và nhiều hơn chỉ trong thời gian ngắn so với những tháng đầu năm.
Bên cạnh lượng xe nhập giảm sút, giá xe nhập về Việt Nam cũng có xu hướng tăng nhanh lên, tháng 10, giá xe nhập về (chưa bao gồm các loại thuế và phí) là hơn 620 triệu đồng, tháng 9 là hơn 640 triệu đồng. So với các tháng trước, giá xe nhập trong 2 tháng gần đây có xu hướng tăng từ 100 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/chiếc.
Theo lý giải của một số doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu xe hơi về Việt Nam, mức giá xe trung bình nhập về Việt Nam tăng lên là do các nhà phân phối đã cơ cấu lại nguồn hàng nhập, các loại xe giá rẻ như Hyundai i10, Kia Morning... đã được nhập về ít hơn do một số DN trong nước đã chủ động nâng sản lượng lắp ráp các mẫu xe này với giá tương ứng, điều đó khiến xe nhập khó cạnh tranh.
Đặc biệt, các DN cho biết, cơ hội mua xe nhập giá rẻ tại Việt Nam sẽ khó do một loạt chính sách siết chặt nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam được đề xuất, xây dựng bởi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Hiện Nghị định 116 của Chính phủ (trước đó là Dự thảo Nghị định) do Bộ Công Thương soạn thảo đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, có hiệu lực ngay ngày 17/10, đã đưa ra nhiều quy định, siết chặt hoạt động nhập khẩu của các DN tư nhân. Điều này được cho là một trong những tác nhân khiến các DN xe hơi chùn tay nhập xe về Việt Nam.
Thị trường xe hơi Việt Nam diễn biến khó lường, rủi ro cao
Về thị trường, trong 4 tháng gần đây, xe nhập không còn được nói nhiều trong cuộc chiến giá xe, hay chuyện đổ bộ hàng loạt xe giá rẻ về Việt Nam như từ giữa năm 2016 và đầu năm 2017. Chuyện giá xe trong nước nóng lên ở cuộc tỷ thí giảm giá giữa các liên doanh, DN xe tư nhân trong nước khi họ giảm giá ở mọi phân khúc.
Cụ thể, nhiều mẫu xe trong nước như Honda CRV đã vào cuộc giảm giá hơn 200 triệu đồng, các ông lớn liên doanh như Toyota, Ford hay DN tư nhân là Hyundai Thành Công, Trường Hải (Kia - Mazda) cũng liên tiếp giảm giá nhiều dòng xe sedan truyền thống, xe Crossover hút khách đến các dòng xe SUV, MPV vốn có doanh số bán rất tốt trên thị trường.
Một vấn đề ảnh hưởng đến xe nhập giảm là chính sách, trong năm 2017 dù các quy định về thuế liên quan đến xe ô tô tại Việt Nam phải tuân thủ các luật chơi chung, tuy nhiên chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của xe nhập, nhiều bộ, ngành đã có động thái đề xuất các biện pháp bảo hộ thị trường, bảo hộ DN trong nước.
Đơn cử là trường hợp Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ tăng thuế nhập khẩu, phí trước bạ của xe bán tải (pickup) bằng với xe du lịch có cùng dung tích mặc dù trước đó Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu, ưu đãi phí trước bạn đối với dòng xe này.
Trường hợp thứ 2 là Bộ Công Thương cùng quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định về sản xuất, kinh doanh ô tô theo hướng siết chặt điều kiện nhập khẩu, kinh doanh và lắp ráp trong nước, Bộ này cùng với Bộ Tài chính đưa ra nhiều đề xuất về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (loại thuế mà các nước được phép điều chỉnh) đối với nhiều dòng xe, dung tích xe; bên cạnh đó là ưu đãi thuế nhập linh kiện xe hơi tách rời hay cụm linh kiện.
Chính diễn biến, thay đổi chính sách trong thời gian gắn như vậy đã khiến các DN nhỏ nhập và kinh doanh xe hơi lo lắng, nhiều DN không dám bỏ vốn nhập xe hoặc bán tống, bán tháo xe vì sợ rủi ro, thua lỗ.
Ở một khía cạnh khác, có DN cho rằng có thể xe nhập về Việt Nam ít đi là do các DN đã hết đơn hàng trong năm 2017, họ giảm nhập để đàm phán ký đơn hàng năm 2018 từ các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia vì từ ngày 01/01/2018 trở đi, Việt Nam bắt buộc phải bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với xe hơi từ các nước ASEAN khi các dòng xe này đáp ứng đủ điều kiện nội địa hóa trên 40%/chiếc xe.
Tuy nhiên, điều này cũng chưa thực sự đúng bởi lẽ thời gian qua có một lượng xe nhập về Việt Nam khá lớn từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, các thị trường này Việt Nam vẫn duy trì thuế nhập khẩu MFN (thuế ưu đãi tối huệ quốc từ 17 - 25%, thậm chí có dòng xe trên 40%). Việc giảm lượng nhập của hàng loạt thị trường ngoài ASEAN cho thấy diễn biến thị trường tiêu thụ xe hơi trong nước đang khó lường, thậm chí ngay cả xu hướng giá xe trong nước đang giảm ở hầu hết các dòng xe từ trung cấp đến cao cấp song thị trường tiêu thụ vẫn trầm lắng, giảm so với năm 2016.
Nguyễn Tuyền
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/xe-nhap-bat-ngo-tang-gia-dan-vo-mong-mua-xe-ngoai-gia-re-20171109130614245.htm