Những bài hát Nga được yêu thích nhất tại Việt Nam Những bài hát Nga được yêu thích nhất tại Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
Thứ Hai ngày 06/11/2017
(HNMO) - Văn hóa Nga, âm nhạc Nga có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, đi sâu vào tiềm thức của nhiều công chúng Việt Nam. Đến nay, âm nhạc Nga vẫn có chỗ đứng nhất định trong đời sống nhạc Việt, trở thành những bài hát bất hủ mà nhiều người nghe nhạc Việt yêu mến.
Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917– 7/11/2017), HNMO điểm lại những ca khúc Nga quen thuộc với khán giả.
1. Nước Nga – Tổ quốc tôi
Ca khúc “Nước Nga – Tổ quốc tôi” của nhạc sĩ Vano Muradel là ca khúc được các thế hệ khán thính giả Việt Nam yêu mến. Âm hưởng hào hùng của ca khúc như một khúc tráng ca ngợi ca đất nước Nga. Ca khúc này được các NSND Quang Thọ, Trung Kiên, cố nghệ sĩ Quý Dương… thể hiện thành công.
2. Chiều Matxcơva
“Chiều Matxcơva” phần nhạc của Vasili Solovyov-Sedoy, lời của Mikhail Matusovsky. Bài hát được biết đến lần đầu qua một bộ phim nhưng không gây được chú ý. Đến khi nghệ sĩ Vladimir Konstantinovich Troshin thể hiện, “Chiều Matxcơva” như được thổi vào luồng sinh khí mới.
“Chiều Matxcơva” được nhân dân nhiều nước trên thế giới yêu mến và đặt lời như tại Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy, Trung Quốc... Tại Việt Nam, ca khúc này cũng được chuyển thể sang lời Việt, nổi tiếng qua phần thể hiện của những nghệ sĩ tên tuổi như Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy...
3. Chiều hải cảng
“Chiều hải cảng” là một trong những bài hát trữ tình được yêu thích nhất trong những năm chiến tranh Vệ quốc. Bài hát kể về tình yêu của người thủy thủ với thành phố hải cảng, với ngôi nhà thân quen đang trong vòng vây của quân thù. Bài hát “Chiều hải cảng” đi vào tâm thức người Việt, góp phần động viên lớp lớp thanh niên Việt Nam lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ.
4. Thời thanh niên sôi nổi
“Thời thanh niên sôi nổi” là bài hát trong phim “Về phía đằng kia”, được viết bởi nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova, lời thơ L. Oshanin. Lời và giai điệu bài hát thể hiện sự sục sôi, nhiệt huyết xây dựng và bảo vệ đất nước của các thế hệ thanh niên. Tác phẩm quen thuộc với các thế hệ người Việt Nam từng ở Liên Xô học tập, công tác.
5. Cây thùy dương
“Cây thùy dương” là bài hát đặc trưng cho lối hát đồng ca của dân tộc vùng Ural của Nga. Phần nhạc được viết bởi nhạc sĩ nổi tiếng Evgenhi Podygin, lời dựa theo bài thơ của Mikhain Pilipenko. Bản nhạc “Cây thùy dương” được xem là một trong những giai điệu đẹp nhất trong nền âm nhạc Nga. Hình ảnh cây thùy dương cũng tượng trưng cho đất nước, con người Nga, mang tính biểu tượng rất cao trong văn học và âm nhạc của Nga.
6. Đôi bờ
Ca khúc “Đôi bờ” do nhạc sĩ Andrey Yakovlevich sáng tác, phần lời của Grigorii Mikhailovich Pozhenyan. Tác phẩm là bài hát chủ đề trong bộ phim “Khát nước” sản xuất năm 1959, nói về chiến tranh Vệ quốc.
Ca khúc có ca từ đẹp lãng mạn ngợi ca tình yêu chung thủy của người con gái với người con trai, vì thế được rất nhiều khán giả Việt yêu thích. Ca khúc này có đời sống mãnh liệt trong ký ức của nhiều khán giả Việt và được chuyển lời Việt với ca từ lãng mạn, bay bổng
7. Triệu đóa hồng
“Triệu đóa hồng” là bài hát phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nga Andrey Andreyevich Voznesensky. Bài thơ dựa theo câu chuyện trong tiểu thuyết, kể về tình yêu của danh họa tài ba người Gruzia, Niko Pirosmani, với một nữ ca sĩ người Pháp.
Ca khúc này không chỉ nổi tiếng ở Nga mà được nhiều nước phổ lời trong đó có Nhật, Việt Nam… Ở Việt Nam, ca khúc này có sức sống bền bỉ trong tiềm thức của công chúng nhiều thế hệ.
8. Kachiusa
“Kachiusa” của nhà thơ Mikhain Ixacôpxki và nhạc sĩ Mátvây Bơlanterơ được sáng tác vào năm 1938, có sức sống lâu bền ở nước Nga. Bài hát gần gũi với người dân Liên Xô trong thời chiến và là niềm an ủi tinh thần cho những chiến sĩ Hồng quân.
Ca khúc nói về Kachiusa, cô gái yêu chàng chiến sĩ. Cô thường gửi cho anh những bức thư chứa đựng tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi. Ngay sau khi ra đời, tác phẩm trở thành một sự kiện trong đời sống âm nhạc ở Nga. Ở Việt Nam, ca khúc này cũng vô cùng nổi tiếng, khi nói đến âm nhạc Nga khó có thể bỏ qua ca khúc này.
9. Đàn sếu
Đây là một bài hát Nga nổi tiếng do nhạc sĩ Yan Frenkel phổ thơ của Rasul Gamzatov qua bản dịch tiếng Nga của Naum Grebnyov. Bài hát này viết về những người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Sau khi bài hát "Đàn sếu" ra đời, rất nhiều nơi ở Liên Xô cũ người ta dựng những đài tưởng niệm mà trung tâm là bức ảnh đàn sếu đang bay. Từ bài hát, đàn sếu đã trở thành hình tượng về những người đã sinh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
10. Tình ca du mục
Đây là một bài hát do nhạc sĩ người Nga Boris Fomin (1900-1948) sáng tác với phần lời của nhà thơ Konstantin Podrevskyi. Bản lời Việt quen thuộc "Tình ca du mục" không rõ tác giả. Năm 2006, bài này được Nguyễn Quốc Trí viết lời mới. Bài hát này cũng được nhiều quốc gia đặt lại lời. Phiên bản tiếng Anh 1968, “Those Were the Days”, được Mary Hopkin hát và được Paul McCartney sản xuất, đã trở thành một hit số một trên UK Singles Chart.