Cây Gạo cạnh Tỉnh lộ huyện Thọ Xuân có hàng trăm năm tuổi bỗng dưng bị chết, chính quyền địa phương đã mượn, thuê bao nhiêu người nhưng không ai dám chặt.
(Ảnh minh hoạ).
Cây Gạo ở thôn Hào Lương, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bao đời nay được gọi là “thần cây” là “báu vật” của người dân nơi đây. Bởi cây Gạo không những tỏa bóng mát mỗi trưa hè cho người dân mà nó còn minh chứng thời gian sống trường tồn qua bao thế hệ con cháu.
Cây Gạo thôn Hào Lương bị chết và đang mục dần
Ấy vậy mà cuối năm 2016, cây Gạo bỗng dưng bị chết, nhiều người dân trong thôn đã tìm mọi cách để cứu chữa cây từ bón phân, tưới nước đến phun thuốc kích thích nhưng cây Gạo vẫn không sống được.
Không những thế người dân còn suy diễn tâm linh mang lễ cúng bái miếu thờ ngay tại gốc cây Gạo, để cầu phép “nhiệm màu” cho cây sống lại nhưng rồi cây vẫn chết.
Một người dân cho biết, cây Gạo chết có thể là do trước đây, trên thân cây có những cây nhỏ sống tầm gửi như rêu mọc, nhiều người đến cạo lấy làm thuốc, nghe nói chữa được bệnh gan, nhưng khi cạo gần hết thân cây thì cây Gạo cũng bắt đầu chết.
Khi cây Gạo chết khô, nhiều người dân qua lại sợ bị cành rơi vào đầu nên chính quyền thôn Hào Lương đã thuê, mượn nhiều người nhưng không ai dám nhận, thậm chí huy động cả người dân trong thôn nhưng cũng không ai dám chặt.
Bán kính thân cây rộng khoảng 1,5m
Ông Hồ Viết Hạnh, Trưởng thôn Hào Lương cho biết, xuất phát từ lời đồn thổi cây Gạo ở xã bên cũng vài trăm năm tuổi bỗng dưng bị chết. Khi đó, chính quyền địa phương có thuê một người dân đến chặt, thời gian sau người chặt làm ăn cứ bại lụi dần, một cây Gạo khác được trồng thay thế, nhưng cũng bị ô tô húc đâm gẫy.
“Chính vì những lời đồn thổi đó mà chúng tôi thuê bao nhiêu nhóm thợ, mượn người đến chặt nhưng cũng không ai dám chặt, giờ đây cây Gạo chết khô và đang dần mục nát” ông Hạnh nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết, cây Gạo đó chết cách đây khoảng 1 năm, qua tìm hiểu nguyên nhân có thể cây già cỗi rồi chết, hoặc bên cạnh cây Gạo có con đường Tỉnh lộ lượng xe cộ qua lại nhiều, trong khi đó tại gốc cây có cái miếu thờ đã đổ bê tông khiến cây không “thở” được và không hấp thụ được chất dinh dưỡng nên có thể bị chết.
“Sắp tới xã sẽ làm việc với thôn để tìm biện pháp chặt hạ cây, nếu không người dân qua lại rất nguy hiểm vì sợ cành cây rơi vào đầu” ông Trung cho hay.
Được biết, cây Gạo cách Khu di tích lịch sử Lam Kinh của xã Xuân Lam khoảng 3 km, là một trong những cây sống lâu đời nhất tại đây khoảng gần 300 năm, thân cây cao và đường kính rộng tầm 1,5m.