Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến 12h30 trưa nay (3/11), thời tiết tại tỉnh Bình Thuận vẫn có nắng nhưng gió đã bắt đầu mạnh lên.
Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 12, tất cả ngành chức năng và người dân tỉnh Bình Thuận đều “nín thở”, tập trung lực lượng đối phó với cơn bão được cho là mạnh nhất từ trước đến nay đổ bộ vào tỉnh này.
2 ngày nay, thời tiết ở Bình Thuận diễn biến “rất lạ”
Đến thời điểm hiện tại, công tác triển khai các biện pháp đối phó bão số 12 tại Bình Thuận đã cơ bản xong. Tính đến 10h sáng nay (3/11), toàn bộ hơn 8.000 tàu thuyền đang hành nghề khai thác hải sản ở Bình Thuận đã vào bờ neo đậu an toàn.
Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 12 tại huyện Tuy Phong. Tại đây, ông Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo huyện Tuy Phong phải theo dõi thường xuyên, chặt chẽ thông tin, diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng, tránh, kiểm tra, rà soát các phương án phòng tránh thiên tai của địa phương, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Trong đó, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận lưu ý phương án, kế hoạch huy động lực lượng quân sự huyện, công an huyện, đồn biên phòng, có trách nhiệm thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về nơi neo đậu an toàn, di dời lồng bè, sơ tán dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cũng đã ra văn bản đề nghị thủ trưởng các đơn vị giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học và dừng các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường trong 2 ngày 4-5/11.
Bắt đầu từ 12h30 trưa nay, cấp độ gió ở Bình Thuận đã bắt đầu mạnh lên
Trước đó, ngày 2/11, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành thông báo khẩn về chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 12. UBND tỉnh yêu cầu Đài PTTH tỉnh và các đài phát thanh ở huyện theo dõi sát diễn biến, điều chỉnh tăng thời lượng phát sóng, cập nhật liên tục thông tin về cơn bão số 12 cho người dân, kể cả khách du lịch biết, chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại về người và tài sản.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu tất cả các sở, ban ngành trong tỉnh bố trí lực lượng đối phó với cơn bão số 12. Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước dừng tất cả các cuộc họp, hội thao, hội thi... tập trung 100% lực lượng để ứng phó bão.
Bình Định: Nhiều tàu cá vẫn đang hoạt động trong vùng nguy hiểm
Ngày 3/11, UBND tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức họp trực tuyến với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo ứng phó với bão số 12.
Ngành chức năng tỉnh Bình Định đang kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Bình Định có 6.457 tàu với hơn 44.500 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Đặc biệt, theo thông kế chưa đầy đủ, hiện còn 24 tàu/184 lao động đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 12.
Hiện nay, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện ven biển, TP Quy Nhơn đã phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão số 12 và kêu gọi tàu thuyền trên biển về nơi trú, tránh và di chuyển tránh bão.
UBND tỉnh Bình Định, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, bão số 12 và mưa lũ.
Khẩn trương triển khai các biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công; nhất là các tuyến đê biển, đê cửa sông, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; tháo dỡ ngay ván phai các đập dâng, cửa cống, cửa tràn tiêu để thoát lũ; chủ động vận hành điều tiết các hồ chứa nước theo quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ đã phê duyệt.
Tranh thủ thu hoạch lúa mùa và thủy sản trong các lồng bè, ao hồ đã đến kỳ thu hoạch; bảo vệ lúa giống, cây trồng và vật nuôi đề phòng mưa lũ cuốn trôi; bảo đảm an toàn giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại tại các đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, vùng thấp trũng, ven biển, cửa sông, vùng hạ lưu các hồ chứa…
Nước sông Kôn (Bình Định) đang dâng cao, khiến một nữ nhân viên ngành thủy lợi bị trượt chân rơi xuống sông mất tích.
Liên quan đến tình hình mưa lũ, từ ngày 30/10 đến 9 giờ ngày 2/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới gần bờ, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình 140 mm, mưa lớn ở phía Nam tỉnh, tại xã Canh Liên đến 484 mm.
Mưa lớn đã làm mực nước các sông lên nhanh. Trên sông Lại Giang đạt đỉnh ở mức dưới báo động I; trên sông Kôn và Hà Thanh đã đạt mức báo động II. Hiện nay, mức nước các sông đang xuống chậm và ở mức dưới báo động I.
Mưa lũ vừa qua đã gây một số thiệt hại ước tính 500 triệu đồng.
Trúc Hà - Doãn Công
http://dantri.com.vn/su-kien/binh-thuan-nin-tho-cho-bao-20171103142018885.htm