Người tự lập tự trả lương hưu bằng cách làm thật nhiều tiền để cuối đời không phải nhờ vả ai, đóng tiền cho dịch vụ hậu sự, phòng khi ra đi thì có người lo ma chay.
Dân Á Đông ở quê đẻ nhiều con trai để hy vọng về già có đứa phụng dưỡng, đội nùn rơm, chống gậy đưa ra nghĩa địa. Người lao động bình thường sau vài chục năm mong có lương hưu tạm ổn đến lúc rời bỏ thế giới này.
Cô Trương Thị Lan ngày nhận quyết định nghỉ hưu.
Năm 1993, tôi xin ra khỏi biên chế nhà nước để vào một tổ chức UN để làm việc ngắn hạn, gia đình họp khẩn cấp ở quê và điện cho tôi "bố ốm nặng về ngay".
Về nhà, cụ đang cười vui vẻ với mấy ông hàng xóm. Hỏi thì cụ bảo, nghe nói anh ra khỏi biên chế, gia đình lo sau này về già không có lương hưu thì sao.
Lương hưu không chỉ là nỗi lo của người đi làm mà cả cha mẹ, vợ con, người thân ở tầm toàn cầu.
Năm ấy tôi về lĩnh một cục 1,8 triệu đồng sau 17 năm làm việc cho Nhà nước, biếu cha mẹ 800.000 đồng, 1 triệu đem liên hoan bạn bè và tôi ra đường không còn hy vọng lương hưu lúc cuối đời, phó mặc cho ông giời.
Thật ra, lúc đó tôi tạm tính nếu mình làm đủ 30 năm và lương hưu khoảng 3-4 triệu ước tính theo thời giá hồi đó. Cứ cho mình sống đến 80, từ 60 đến 80 là 20 năm, mỗi năm là 50 triệu, 10 năm là 500 triệu, 20 năm là 1 tỷ.
Nếu tiết kiệm được 1 tỷ đem gửi tiết kiệm 5% tháng thì mình sống chả phải lo gì nếu chỉ có ăn ngày hai bữa.
Nhìn lương bên nơi mới trả và hy vọng tương lai tìm việc mới, tôi liều một chuyến đi khám phá thế giới mà chẳng lo lương hưu cho mấy chục năm sau.
Sau 37 năm làm việc như một cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng thời giá bây giờ thì ai chả sốc.
Sốc vì lương quá thấp nhưng sốc nhất là người ta bị bất ngờ sau 37 năm khi tuổi đã bên kia đỉnh dốc, chẳng còn hy vọng làm lại cuộc đời, nhận ra lương hưu còm thì đã quá muộn.
Câu hỏi ở đây là nếu cô giáo biết trước sau 37 năm nhận lương hưu 1,3 triệu thì liệu có đứng giảng đường để trồng người hay ra đường buôn bán hay làm bất kỳ việc gì khác để làm ra đồng lương hưu cao hơn.
Năm 1995, tôi vào làm cho World Bank cũng chẳng có chế độ lương hưu cho nhân viên các văn phòng tại các nước trong khi tại Mỹ lại có lương hưu, một sự phân biệt đối xử.
Nhìn đồng lương và đoán nếu mình làm 10 năm, cố tiết kiệm, thế nào cũng đủ sống đến lúc…đi. Cần gì hưu với trí.
Nhưng được cái may là công đoàn World Bank rất mạnh, họ đấu tranh cho sự công bằng với khẩu hiệu "one staff – một kiểu cán bộ" nghĩa là nhân viên bên Mỹ hay tại Việt Nam, Lào, Nigeria… đều được chế độ lương hưu. Thở phào nhẹ nhõm.
Sau 3 năm thì lương hưu chính thức được tính vào quĩ lương bao gồm cả bảo hiểm.
Bên nhân sự cho phép nhân viên đóng một khoản tiền % vào quĩ lương hưu, lương cao đóng cao, lương thấp đóng thấp, đóng nhiều thì lương hưu cao, ít thì lương hưu còm. Tiêu hôm nay thì ngày mai khỏi, và tiết kiệm bây giờ, về già khỏi lo.
Họ có một công thức tính lương hưu đại loại với 2% lạm phát hàng năm, nhân viên tự ước tính lương trung bình tăng mấy % hàng năm do nâng bậc, cộng với phần đóng góp vào quĩ lương hưu, bên World Bank đối ứng cho ngần ấy, cho một số dữ liệu khác vào, hệ thống tính ngay ra lương hưu sau X năm làm việc hoặc lĩnh một cục là bao nhiêu.
Ai thấy mình sống lâu nên để lương hưu, ai biết mình sắp đi thì lĩnh một cục rồi đi phá đời. Có nhiều lựa chọn. Hoặc để lại một cục lĩnh ngay, phần còn lại cho vào quĩ hưu đề phòng phá đời xong mà chưa chết.
Nếu có mục tiêu rõ ràng để được lên lương, lên bậc, thì chuyện dự đoán là hoàn toàn có thể.
Chưa kể họ còn dựa vào xu thế lạm phát của đồng tiền, khả năng của quĩ lương hưu đầu tư, khi về hưu mà sống thêm 20 năm thì liệu lương và bảo hiểm có đủ chi trả cho cuộc sống kể cả chi phí y tế cho tuổi già.
Mới vào làm được vài tháng đã biết lương hưu sau 20 năm sau, nhân viên tự quyết định "đi hay ở" chứ không đợi tới 37 năm sau để ngồi khóc như cô giáo nọ.
Nếu ai cũng tự quyết cuộc đời mình, chọn chỗ này hay chuyển việc khác, có hệ thống giúp tự ước tính lương hưu tương lai là bao nhiêu, thay vì để cho mấy ông bà ở quỹ bảo hiểm xã hội phán vào giây phút mình chả còn quyền gì, thì cuộc đời của cô giáo kia đã khác.
Mỗi doanh nghiệp, cơ quan nhà nước nên có một hệ thống dự đoán tương lai về lương, về chế độ hưu trí như các tổ chức quốc tế hay các nước phát triển đang làm.
Theo chỉ số lương hưu của Melbourne (https://www.globalpensionindex.com/country-summaries-2/) thì Đan Mạch, Hà Lan, Australia và hầu hết các nước Bắc Âu đứng top các quốc gia có chế độ lương hưu tốt nhất thế giới do lúc đi làm người dân đóng góp thuế, quĩ lương hưu, bảo hiểm, nên lúc hết tuổi làm việc, họ vẫn sống đàng hoàng.
Một quốc gia thu nhập trung bình trên 10 ngàn đô/người/năm như Chile cũng có chế độ hưu trí ngang tầm Singapore Phần Lan và Thụy Điển có thu nhập cao vút.
Chúng ta không thể chuyển sang các nước đó sống vì có đóng góp gì đâu mà được hưởng phúc lợi xã hội.
Cái có thể thay đổi đó là làm một hệ thống tính lương hưu, chế độ bảo hiểm minh bạch và quan trọng là quĩ lương hưu phải nằm trong tay những nhà quản lý chuyên nghiệp để tránh quĩ hưu đổ vỡ.
Bây giờ sau hơn 20 năm bỏ biên chế và lương hưu nhà nước, tôi cảm thấy quyết định đó gây bàng hoàng cho ông bố phải đánh điện "bố ốm nặng, về ngay" nhưng với tôi thì đã tính được tương lai ra sao, bài toán lương hưu "phó mặc cho đời" của tôi may mắn.
Nếu hệ thống giúp mỗi người tự quyết cuộc đời mình thì hay hơn là chờ đợi những gì trên trời rơi xuống thường chỉ có mưa gió, sấm sét, mưa đá, kèm theo bất hạnh như cô giáo mầm non và không chỉ mình cô đang khóc.