Sáng 6.6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Trong bài phát biểu 20 phút trước khi nhận các chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội, ông Hà cho hay, trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu.
Bình ổn thị trường vàng
Cùng đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…
Theo Phó thủ tướng, từ ngày 3.6.2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày hôm qua 5.6, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4.6).
Ông Hà cũng cho hay, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời.
Phó thủ tướng khẳng định sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 năm 2012 phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế
Phát triển công nghiệp văn hóa
Phó thủ tướng cho hay, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với ý kiến đại biểu Quốc hội về những khó khăn, hạn chế đang là rào cản đối với phát triển văn hóa. Ông nói, Thủ tướng mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, sớm quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035 để triển khai thực hiện.
Về phía Chính phủ, sẽ ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành văn hóa, thể thao. Rà soát, có các cơ chế, chính sách từ tuyển chọn, đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, sắp xếp đối với các lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thể thao đỉnh cao.
Thời gian tới, ông Hà thông tin, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; thúc đẩy liên kết giữa các ngành dịch vụ với du lịch (vận tải - lưu trú - tiêu dùng - y tế - giáo dục - sự kiện- thể thao), gắn phát triển du lịch với văn hóa, đời sống.
Cùng đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài; tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch (đặt phòng, dịch vụ, visa điện tử, quảng bá, thanh toán).
Không để thiếu điện, xăng dầu
Với lĩnh vực công thương, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ mở rộng thị trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, với thị trường trong nước, ông Hà khẳng định, Chính phủ sẽ kịp thời có các giải pháp để bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Triển khai hiệu quả quy hoạch, kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện. Bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như công nghiệp năng lượng tái tạo; công nghiệp đường sắt cao tốc; khai thác, chế biến một số loại khoáng sản chiến lược.
Ô nhiễm tại Bắc Hưng Hải sẽ được xử lý
Với lĩnh vực môi trường, ông Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ, Thủ tướng áp dụng lộ trình về môi trường, chuyển đổi công nghệ, di dời ra khỏi đô thị, nơi tập trung đông dân cư, gần nguồn nước đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Đầu tư hạ tầng thu gom nước thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy, bổ sung nước tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan các dòng sông qua đô thị.
Ông nói thêm, việc xử lý ô nhiễm tại sông Bắc Hưng Hải sẽ được xử lý xong trong năm nay.
Đồng thời, theo Phó thủ tướng, Chính phủ sẽ chú trọng phân loại rác tại nguồn, tăng cường xử lý, tái chế, tái sử dụng rác thải, biến rác thải thành tài nguyên. Chỉ đạo Bộ TN-MT khẩn trương ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, công nghệ xử lý chất thải.
Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Hà, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả để từng bước khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún bằng các biện pháp công trình, phi công trình với cách tiếp cận tổng thể, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỉ đô la để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tháo gỡ khó khăn vướng mắc
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cao độ để hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới luật của các luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Các tổ chức tín dụng. "Đến nay, các văn bản quy định chi tiết đã đủ điều kiện ban hành", ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho hay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này luật Sửa đổi điều khoản thi hành cho phép các luật nói trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8 (sớm hơn 5 tháng).
Cùng đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua các nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Thí điểm phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Theo ông Hà, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dự án luật Sửa đổi đổi các luật Đầu tư công, luật Ngân sách, luật Thuế.
"Đây là những giải pháp đặc biệt quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Chính phủ mong muốn được Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012 - 2025", ông Hà nhấn mạnh.
https://thanhnien.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-noi-ve-giai-phap-binh-on-thi-truong-vang-185240606092301982.htm