Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh sẽ báo cáo với đại biểu Quốc hội việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Ông Khánh cũng sẽ trả lời chất vấn về giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Trong báo cáo gửi đại biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết hoạt động phát triển kinh tế biển và quản lý, khai thác tài nguyên biển Việt Nam còn bất cập.
Không gian biển chưa được khai thác hiệu quả; chưa phát huy được vị thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm ảnh hưởng đến công tác quản lý. Cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, liên kết vùng giữa các vùng biển, ven biển, vùng nội địa thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển chưa được xây dựng đồng bộ. Nguồn lực về con người, tài chính và công nghệ còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi. Các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm.
Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển chưa đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước về biển, đảo còn nhiều bất cập.
Hệ thống quy hoạch giữa vùng đất liền, vùng biển và vùng trời để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái chưa thống nhất. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn kinh tế biển chưa đáp ứng được yêu cầu. Chế độ chính sách cho đội ngũ chuyên gia về tài nguyên, môi trường biển chưa phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên. Bộ cũng tiếp thu, hoàn thiện và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia; xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch bảo đảm hiệu quả ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ cũng phấn đấu quản trị biển theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa địa phương có và không có biển, giữa khai thác với bảo tồn. Với cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, Bộ sẽ tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo việc cập nhật, chia sẻ dữ liệu thông suốt.
Bộ cũng giao cơ quan chuyên môn tăng cường trang thiết bị, mạng lưới quan trắc Radar biển; đánh giá sức chịu tải môi trường biển; phát triển cơ sở thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt vùng ven biển, các đảo.
Bộ cũng cam kết giám sát, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên biển trái quy định, các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái, hủy hoại tài nguyên biển.
14h30 cùng ngày, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh thế giới tiếp tục biến động khó lường.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 khóa 15 sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ sáng 4/6 đến trưa 6/6.