Sáng 7/11, Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ nhóm vấn đề nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận được nhiều câu hỏi nhất, chủ yếu về lương giáo viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) cho biết giám sát của Ủy ban cho thấy mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo với một triệu nhà giáo vừa qua, có 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này.
Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Vì vậy, bà đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương năm 2024 hay không? Giải pháp về chính sách cho nhà giáo thế nào? Câu hỏi này cũng được bà Nga chuyển tới Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Về chủ trương của Đảng xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối sự nghiệp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phân tích, thu nhập nhà giáo hiện nay gồm lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp. Lương nhà giáo đã cải thiện hơn trước nhưng so với tính chất đặc thù nghề nghiệp thì "vẫn còn thấp".
"Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất", bà Trà cho hay.
Bảng lương viên chức đơn vị sự nghiệp công lập dành cho giáo viên, giảng viên, bác sĩ, dược sĩ, đạo diễn, diễn viên, kỹ sư, kiến trúc sư, quay phim, dựng phim, họa sĩ... Lương công chức, viên chức hiện được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp (1,8 triệu đồng/tháng), hệ số lương ít thay đổi nên không tạo được động lực cho người lao động.
Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000. Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (chuyên trách tỉnh Vĩnh Long) đặt vấn đề, nhân viên trường học có vai trò quan trọng trong tổ chức dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên hiện lương của họ rất thấp. "Khi cải cách chính sách tiền lương mới thì Bộ trưởng có giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học?", đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư với 150.000 viên chức. Chế độ lương của những người này hiện rất thấp, chưa đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học, có phương án sắp xếp đúng danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương với nhóm này.
"Họ là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ 25% nên nếu cải cách tiền lương mới có thể sẽ bị thiệt thòi, trong khi địa phương, bộ ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng viên chức", bà Trà nói sẽ xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trường học.
Đại biểu Trần Kim Yến (Bí thư Quận 1, TP HCM) nêu thực trạng tinh giản biên chế cơ học và cào bằng gây ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục. Nhiều nơi thiếu giáo viên trong khi tuyển dụng rất khó khăn. Giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. "Bộ Nội vụ có giải pháp gì?", bà Yến chất vấn.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết thời gian qua toàn quốc đã thành công bước đầu về tinh giản biên chế. Từ 2017 đến 2021, toàn quốc giảm 10% công chức và 11,6% viên chức hưởng lương ngân sách. Tuy nhiên nhiều địa phương giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách thì cắt hẳn biên chế nên thiếu người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp.
Với ngành giáo dục, bà Trà cho rằng cần tập trung hoàn thiện thể chế như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo để có giải pháp đảm bảo số lượng, chất lượng, đời sống nhà giáo; sửa định mức giáo viên và mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non đến đại học. Bà đề nghị Bộ Tài chính rà soát, thúc đẩy cơ chế tự chủ mầm non, tiểu học, đại học.
Thủ tục hành chính còn nhiều điểm nghẽn
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM) cho rằng việc phối hợp giữa các bộ nghành và địa phương để giải quyết thủ tục hành chính còn chậm. Nhiều vấn đề địa phương xin ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương được trả lời chậm, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp. "Đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công hiện nay?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết vừa qua Chính phủ đã quyết liệt triển khai sắp xếp bộ máy, phân cấp phân quyền. Quốc hội đã ban hành 2-3 luật, 8 nghị quyết - những văn bản có ý nghĩa lớn cho phát triển các vùng, địa phương có chính sách đặc thù. Chính phủ cũng ban hành 344 nghị định, trong đó 26 nghị định quy định chức năng, quyền hạn các bộ, cơ quan ngang bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo, giao thoa.
"Nhưng đúng là thực tế còn điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính và bộ, ngành trả lời kiến nghị, đề xuất của địa phương còn chậm", bà Trà nói.
Bà đề nghị các bộ ngành rà sát, hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ, liên thông gắn với phân cấp, phân quyền, và giảm tối đa thủ tục hành chính. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương để giải quyết tiếp những vướng mắc liên quan phân cấp, phân quyền. Ngoài ra, các bộ cần tiếp tục rà soát nghị định, thông tư và đề xuất sửa cho phù hợp.
"Cần phát huy cao độ vai trò người đứng đầu tại các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ rào cản, vướng mắc cho phát triển, nhất là tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, phân cấp phân quyền", bà nói.
Đề xuất Thủ tướng công khai địa phương có án hành chính chưa thi hành lớn
Đại biểu Lê Hữu Trí (Phó đoàn Khánh Hòa) đánh giá Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm thi hành Luật Tố tụng hành chính, thi hành xong 582/1375 bản án, quyết định hành chính, đạt 42%. Tuy nhiên, không ít vụ việc mặc dù có bản án, quyết định hành chính của Tòa án cấp cao, đã có hiệu lực thi hành hoặc có quyết định không chấp nhận kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao, nhưng không được UBND các cấp thi hành.
"Đến nay chưa có trường hợp nào cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm hoặc không thi hành án. Đề nghị Bộ trưởng Tư pháp cho biết nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính", ông Trí đặt vấn đề.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói tỷ lệ bản án hành chính được thi hành "chưa đạt như mong muốn, chưa tốt". Năm 2021, tổng bản án thụ lý và thi hành là 455/944, đạt 48%, nhưng năm 2022 chỉ đạt 43% và năm 2023 xuống 42%. Nguyên nhân là do số lượng bản ánh hành chính tăng lên đột xuất và rất lớn, chủ yếu là án chuyển, chưa thực hiện được, tập trung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tính tích cực, chủ động thực hiện của cơ quan hành chính các cấp chưa tốt.
"Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng công khai địa phương có số án hành chính chưa thi hành lớn và làm việc trực tiếp với các địa phương này", ông Long nói, cho biết Bộ cũng sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi Luật Tố tụng hành chính, đề xuất mở rộng thẩm quyền Hội đồng xét xử các vụ án hành chính; bổ sung chế tài khi cơ quan hành chính Nhà nước không thực hiện các bản án.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Tư pháp: Tại sao nhiều doanh nghiệp sai phạm hay làm chậm thì bị xử phạt nghiêm, nhưng các cơ quan chậm ban hành hướng dẫn hay ban hành văn bản không khả thi thì chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh, dù tác động rất lớn đến người dân và doanh nghiệp? "Bộ trưởng có quan điểm và giải pháp gì về vấn đề này?", bà Trân đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn, nhận xét "đây là câu hỏi rất hay mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng rất trăn trở".
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn Bình Thuận) nêu thực trạng hiện còn 13 trên 129 văn bản quy định chi tiết của luật, nghị định đã có hiệu lực pháp luật trong nhiệm kỳ này nhưng vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Một số văn bản chưa đảm bảo chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã sửa đổi, bổ sung hoặc không phù hợp với thực tiễn và vẫn có bất cập, vướng mắc. Ông đề nghị Bộ trưởng Tư pháp cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết đã có từ lâu. Bộ đã cố gắng có nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Năm 2023, Bộ Tư pháp thống kê còn 12 văn bản nợ với các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên nhân là bộ, ngành chưa chủ động, chưa cố gắng và chưa lường hết các vấn đề.
Ngoài ra, một số luật yêu cầu số lượng văn bản quy định chi tiết khá nhiều như Luật Kinh doanh bảo hiểm có đến 37 nội dung quy định chi tiết. Một số văn bản từ lúc thông qua cho đến khi có hiệu lực thi hành tương đối ngắn như nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho địa phương.
"Đối với Bộ Tư pháp, chúng tôi chịu trách nhiệm chung trong việc chậm ban hành văn bản, và Bộ cũng có trách nhiệm trong tham mưu chung cho Chính phủ về thẩm định, rà soát và đôn đốc", ông Long nói.
Ứng dụng AI để giảm áp lực cho công tác tòa án
Đại biểu Trần Đình Gia (Phó đoàn Hà Tĩnh) nêu thực trạng người dân ngày càng lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa, số vụ việc hàng năm tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng, tính chất ngày càng phức tạp. "Với nguồn lực về nhân sự và điều kiện đảm bảo như hiện nay thì rất khó khăn. Chánh án cho biết giải pháp để chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp là gì?", ông chất vấn.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin đã đưa ra 17 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Từ khi Luật Hòa giải có hiệu lực, số vụ án hòa giải tăng 20%. Ngành tòa án cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng trợ lý ảo. Đến nay, hơn 3,4 triệu lượt thẩm phán, thư ký sử dụng trợ lý ảo, giúp tăng năng suất lao động. "Trước đây phải mất một buổi để mã hóa một vụ án thì nay một giờ có thể đưa lên 10 vụ án nhờ trợ lý ảo tại tòa án", ông Bình nói.
Theo ông, ngành tòa án đang tăng cường đổi mới đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ thẩm phán và sắp tới sẽ đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức tòa án. Một số nội dung sẽ được đề xuất như cho tòa án chủ động bố trí bộ máy hợp lý; hình thành các tòa chuyên biệt để giải quyết các vụ án có tính chuyên môn sâu; thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán; có chế độ phù hợp với thẩm phán.
Hiện mỗi năm tòa án giải quyết 600.000 vụ, số lượng công việc tăng lên 8-9% mỗi năm. Vì vậy, ông đề xuất cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho tòa án.
Công an xã có hơn 100 đầu việc
Chất vấn Bộ trưởng Công an, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM) nêu thực trạng những địa phương đông dân, có tình hình an ninh trật tự phức tạp như TP HCM cũng bị cắt giảm biên chế cơ học đối với cảnh sát khu vực như các ngành khác. "Vậy làm cách nào để cảnh sát khu vực có thể thực hiện nhiệm vụ bám sát địa bàn dân cư, giữ mối liên hệ với nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?", bà Châu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết đã điều động hơn 50.000 công an chính quy xuống cấp cơ sở phường, xã; 500 cán bộ ở Bộ về các xã biên giới. Nhiệm vụ của cảnh sát khu vực cũng là một phần nhiệm vụ của công an phường xã. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, khối lượng công việc cơ sở rất lớn, công an xã chính quy, cảnh sát khu vực "có hơn 100 đầu việc phải làm".
Vì vậy, ông Tô Lâm khẳng định việc điều động công an từ cấp bộ, tỉnh, huyện sẽ tăng cường lực lượng cho cơ sở. Những cán bộ này sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ để giao dịch với người dân. Với tốc độ đô thị hóa cao, nhiều quận, thành phố được thành lập thì lực lượng này có thể đảm đương ngay công việc, đáp ứng yêu cầu quản lý an ninh trật tự cơ sở.
Tranh luận với Bộ trưởng Công an, bà Tô Thị Bích Châu nói "chưa hài lòng" với phần trả lời nói trên vì thực tế ở quận 1, TP HCM, từ 122 cảnh sát khu vực quản lý 239.000 dân, hiện chỉ còn 98 cảnh sát khu vực. Các giải pháp Bộ trưởng đưa ra "có hiệu quả một phần nhưng không thể nào phủ nhận vai trò của cảnh sát khu vực vì họ nắm sát địa bàn, giữ mối liên hệ với nhân dân".
"Một cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân nếu suốt ngày ngồi xem camera thì thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân, bám sát địa bàn, tái tạo sức lao động", bà Châu nói.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Phó đoàn Lâm Đồng) nói người dân Tây Nguyên sinh sống trên đất rừng tự nhiên hơn 20 năm nay. Họ không có giấy tờ về đất đai hay giấy tờ tùy thân. Theo dự thảo Luật Căn cước, họ thuộc diện được cấp căn cước nhưng chưa xác định được nơi thường trú, tạm trú thì rất khó khăn. Ông đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết giải pháp căn cơ cho thực trạng này?
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết đến nay Bộ đã xác định 100% mã số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc. Quá trình cấp giấy tờ, đặc biệt là xác định nhân khẩu, hộ khẩu cấp căn cước còn một số công việc đối với nhân khẩu đặc biệt như con lai, người không có gốc quốc tịch, hoặc người từ trước nay chưa có giấy tờ tùy thân, chưa có chỗ ở...
Theo Đại tướng Tô Lâm, người dân di cư đến Tây Nguyên rất lớn trong khi vấn đề đất đai rất phức tạp. Họ là công dân Việt Nam, được cư trú bất kể chỗ nào, nhưng phải có chỗ ở hợp pháp thì mới được đăng ký hộ khẩu. Nếu cơ quan chức năng cấp hộ khẩu cho họ thì "coi như Nhà nước đã xác định là họ có chỗ ở đó". Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan cùng vào cuộc để giải quyết. "Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, thời gian tới chúng tôi tiếp tục có phương án", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục chất vấn người đứng đầu lĩnh vực nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán từ 14 đến 15h.