Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quê quán trên thẻ căn cước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quê quán trên thẻ căn cước , Người xứ Nghệ Kiev
Quỳnh Nguyễn
Đại biểu Quốc hội cho rằng, những thông tin được thiết kế trên thẻ căn cước giúp nhận diện lai lịch của một con người, vì vậy đề xuất không nên bỏ mục quê quán ở trên thẻ căn cước.
Chiều 22/6, thảo luận về Luật Căn cước công dân sửa đổi, nhiều đại biểu góp ý về đề xuất bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng Cơ sở dữ liệu căn cước thì việc điều chỉnh các thông tin trên thẻ căn cước là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm về việc bỏ mục quê quán ở trong thẻ căn cước. Bởi vì, điều này xuất phát từ định nghĩa tại Điều 3 của dự thảo quy định là "căn cước giúp cho việc nhận diện lai lịch của một con người". Đồng thời, theo quy định pháp luật hiện hành thì chỉ có các cơ quan, tổ chức được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng những thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá mới có thể khai thác được những thông tin tích hợp trong thẻ căn cước.
"Trong các giao dịch hằng ngày với các chủ thể khác và có nhu cầu phải sử dụng thẻ căn cước này thì chúng tôi cho rằng những thông tin được thiết kế trên thẻ căn cước cũng giúp cho nhận diện lai lịch của một con người. Do đó, chúng tôi xin đề xuất không nên bỏ mục quê quán ở trên thẻ căn cước", đại biểu Thuỷ nói.
Bày tỏ chính kiến về vấn đề này, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cho biết, về nội dung thể hiện trên căn cước, dự thảo có bổ sung "nơi đăng ký khai sinh sẽ được thể hiện trên căn cước". Theo đại biểu Bình kiến nghị nên bỏ nội dung này. Lý do là nơi đăng ký khai sinh có thể thay đổi.
"Ví dụ như tôi đăng ký khai sinh lần đầu ở xã A, chúng ta ghi nơi đăng ký khai sinh ở xã A, sau một thời gian tôi đi trích lục thì không tìm thấy tên trong sổ hộ tịch, cho nên cơ quan hộ tịch sẽ xác nhận và chuyển về nơi ở mới để chúng tôi đăng ký lại giấy khai sinh, lúc này chúng ta không còn ở xã, ví dụ như tôi ở xã B thì trong giấy khai sinh sẽ ghi nơi đăng ký là ở xã B. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này", theo ông Bình.
Vị đại biểu của tỉnh Vĩnh Long cũng dẫn điểm l Điều 19 nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân có nội dung là nơi cư trú. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung này do "nội dung này cũng thiếu tính ổn định".
"Theo quy định của Luật Cư trú thì nơi cư trú có thể là nơi thường trú và nơi tạm trú hoặc là nơi ở hiện tại trong trường hợp không có nơi thường trú và nơi tạm trú. Thông tin nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại của công dân thì thường không ổn định, đặc biệt là đối với những trường hợp chưa có nhà riêng, phải đi thuê mướn thì nơi cư trú này sẽ thay đổi thường xuyên", ông Bình nói.
Cũng nêu những bất cập về vấn đề thông tin quê quán, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ Công an nghiên cứu để hướng dẫn cho công dân cách khai quê quán sao cho hợp lý, cho đúng, cho khoa học và cho thống nhất.
"Liệu ghi quê quán theo quê của bố nhưng bố đã xa quê gốc, đặc biệt là có thể qua cả nước ngoài ở rồi, đến 3 đời, 5 đời hoặc lâu hơn nữa thì sẽ ghi thế nào? Tôi tin là rất nhiều người lúng túng về chuyện này, lúng túng khi khai báo cho con cháu của mình và lúng túng kể cả hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên dưới quyền của mình cách khai này", ông Trí nêu thực tế và đề nghị trong hồ sơ cơ sở dữ liệu quốc gia cần ghi đủ các mục như là nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán.
Ông Trí hồi tưởng, khi ông còn nhỏ, các mục nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán đều có nhưng dần dần về sau bị mất.
"Tôi còn nhớ mãi là khi tôi khai hồ sơ lần đầu tiên mà ba tôi đã hướng dẫn cho tôi, tôi còn nhớ rất đầy đủ, nhưng sau này dần dần bị rút gọn. Tôi xin nhấn mạnh trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì cần phải đầy đủ như vậy vì bốn mục này có thể giống nhau nhưng không phải là một.
Chúng ta ai cũng có quê quán, có nơi sinh, có trú quán và có nguyên quán. Tôi cho rằng cần phải mở đủ ra như vậy để rõ ràng, dễ khai, dễ quản lý. Tôi xin nói việc rút gọn này là rất không nên", ông Trí nêu quan điểm.