Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV ĐBQH Phạm Văn Hoà: Tên gọi "căn cước công dân" có khó khăn, bất cập gì mà phải thay đổi? Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV ĐBQH Phạm Văn Hoà: Tên gọi "căn cước công dân" có khó khăn, bất cập gì mà phải thay đổi? , Người xứ Nghệ Kiev
Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 22/06/2023
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước như đề xuất của Chính phủ.
Chiều 22/6, nêu ý kiến về Luật Căn cước công dân sửa đổi, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tên gọi căn cước công dân đã ăn sâu vào lòng dân và sử dụng không có gì bất cập. Nay Chính phủ đề nghị thay đổi tên gọi là Luật Căn cước song chưa được đánh giá tác động.
"Tên gọi cũ không biết có khó khăn, bất cập gì không mà lại thay đổi tên. Đề nghị Chính phủ có giải trình thêm cho rõ, mang tính thuyết phục cao hơn", ông Hòa đề nghị.
Về việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, ông Hòa cũng không đồng tình. Theo đại biểu Đồng Tháp, việc người dân đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước phải nộp phí nên phải cân nhắc.
Giơ biển tranh luận với nhiều đại biểu về vấn đề này, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nhấn mạnh, Quốc hội vẫn đang bàn sửa đổi đổi Luật Căn cước công dân và thẻ căn cước công dân chứ chưa phải là Luật Căn cước hay thẻ căn cước cả.
"Nay mai Quốc hội thông qua luật này thì mới là Luật Căn cước và thẻ căn cước", ông Phàn nêu.
Bày tỏ chính kiến về vấn đề này, ông Phàn cho rằng, không thể thay đổi tên gọi Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước vì mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Ông Phàn dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện có khoảng 31.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch cần phải quản lý, cấp giấy xác nhận căn cước.
Theo Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Hiến pháp quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Nhà nước cấp thẻ căn cước công dân để thể hiện đây là công dân Việt Nam.
Còn với 31.000 người chưa có quốc tịch, Nhà nước phải quản lý nhưng phải có loại thẻ khác dành cho họ để phân biệt vì họ chưa phải là công dân Việt Nam.
"Chúng ta quản lý họ, tạo điều kiện cho họ nhưng không phải là thẻ căn cước công dân. Nếu vì 31.000 người ấy mà để 80 triệu người cùng chung một thẻ, đánh hòa nhau là không được", ông Phàn nói.
Nêu ý kiến về Luật Căn cước công dân sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM nói lý do cơ quan soạn thảo đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước là do đổi tên luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước và thông tin tích hợp trong thẻ không chỉ bao gồm các thông tin nhận dạng của công dân, là "không thuyết phục".
Bà Hạnh dẫn chứng, năm 1976, Nhà nước thống nhất cấp thẻ căn cước trong cả nước. Đến năm 1999, đổi từ thẻ căn cước sang chứng minh nhân dân. Đến năm 2018 theo Luật Căn cước công dân hiện hành, chứng minh nhân dân được đổi sang thẻ căn cước công dân.
Tiếp đó, vào năm 2021, theo Thông tư 06 của Bộ Công an, thẻ căn cước công dân lại được đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.
"Nếu luật này thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2024 thì lại tiếp tục đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước. Như vậy, trong 8 năm có 3 lần đổi thẻ", bà Hạnh nói.
Theo đại biểu TP.HCM, dù trong tất cả các văn bản đều có quy định tất cả thẻ cấp trước đó có thể sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trên thẻ, công dân chỉ đổi sang thẻ mới khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, thực tế trong các lần đổi thẻ vừa qua, để đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu thì các địa phương đã huy động lực lượng đáng kể cho công tác tuyên truyền vận động đổi thẻ.
Cạnh đó, việc thay đổi thẻ nhiều lần trong thời gian ngắn trong thời gian vừa qua mặc dù cơ quan soạn thảo đánh giá là không tốn kém chi phí xã hội nhưng tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước.
Bà Hạnh cũng cho rằng, đối tượng người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch theo dự thảo chỉ cần cấp giấy chứng nhận căn cước, không phải thẻ căn cước, do đó không ảnh hưởng gì tới việc thay đổi tên thẻ căn cước công dân.
"Tôi nhận thấy đây là vấn đề có tác động rất lớn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước", bà Hạnh nêu kiến nghị.