(Dân trí) - Khi triển khai dựng "lô cốt" chiếm dụng lòng đường xây dựng công trình, chủ dự án phải tính toán đến thiệt hại cho người dân, xã hội khi xảy ra ùn tắc và chọn phương án thi công tối ưu.
Đó là quan điểm của ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Giao thông ngày cuối năm - Nỗi lo và giải pháp", do Báo điện tử Dân trí tổ chức sáng 13/12.
Tại cuộc tọa đàm, một vấn đề được đưa ra để bàn luận là: Để phục vụ thi công một dự án nước thải, thời gian tới, 8 "lô cốt" sẽ được dựng lên trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) - cung đường vốn là một "điểm nóng" giao thông. Tại TPHCM, nhiều "lô cốt" cũng đang án ngữ từ lâu như trên đường Võ Vân Ngân, Lê Văn Việt ở TP Thủ Đức. Một độc giả TPHCM còn khẳng định: Cứ "nhăm nhe" cuối năm là đào bới, chôn cáp ngầm.
Trước câu hỏi về việc cấp phép cho các dự án dựng "lô cốt", đào đường dịp cuối năm có hợp lý, ông Minh cho rằng việc chỉnh trang đô thị, làm sao cho trật tự đô thị tốt hơn, đó là những công việc thường xuyên liên tục. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, cũng giống như mỗi gia đình, chúng ta cũng phải chỉnh trang nhà cửa, do đó việc chỉnh trang đô thị là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, vào dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại tăng cao thì những giải pháp thi công, chiếm dụng lòng đường ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân cần phải được tính toán rất chặt chẽ, khoa học và phải có căn cứ.
Theo ông Minh, hàng năm Thủ tướng đều có chỉ đạo trong các công điện yêu cầu các địa phương phải công bố kế hoạch, chương trình dự kiến sửa đường, xây dựng các công trình mà ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, phải thông tin để người dân được biết.
Ngoài ra, khi thi công xong, các đơn vị phải khẩn trương dọn dẹp trả lại không gian đường phố trong thời gian nhất định, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Việc này ông cho rằng các địa phương phải nghiêm túc vào cuộc và phải thực hiện đúng, tránh tình trạng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân.
"Về mặt lâu dài, tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang thiếu một văn bản hướng dẫn mang tính quy định pháp luật về đánh giá tác động ùn tắc giao thông đối với các công trình chiếm dụng lòng đường. Khi chúng tôi tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thì các quốc gia phát triển luôn có những văn bản hướng dẫn rất chi tiết về việc này", ông Minh nói.
Từ phân tích này, ông Minh cho rằng, khi các đơn vị dự kiến xây dựng một công trình có chiếm dụng lòng đường sẽ phải tiến hành đánh giá tác động ùn tắc giao thông và phải theo một quy trình rất cụ thể. Khi đánh giá sẽ phải đưa ra nhiều phương án thi công, nhưng phương án thi công tốt nhất mới được lựa chọn.
"Phương án thi công cuối cùng phải là phương án có chi phí ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, môi trường thấp nhất. Có nghĩa là các chi phí về ùn tắc, đi lại, toàn bộ chi phí xã hội được quy đổi ra trong phương án thi công đó. Phương án thi công mà đem lại lợi ích tốt nhất cho xã hội, giảm thiểu ít nhất ùn tắc giao thông sẽ được lựa chọn", ông Minh chia sẻ.
Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc, để sớm ban hành quy định như phân tích ở trên. Khi có quy định mang tính bắt buộc như vậy thì công trình xây dựng chiếm dụng lòng đường, ảnh hưởng giao thông, gây ùn tắc giao thông, chủ dự án, đơn vị thi công sẽ phải phân tích, đánh giá lựa chọn phương án tốt nhất.
"Khi xây dựng công trình chiếm dụng lòng đường thường phải có ùn tắc, nhưng ùn tắc như thế nào, kiểm soát ra làm sao, phương án tốt nhất là phương án nào, công chúng có được tiếp cận thông tin đó không, có được giám sát phương án đó không, thì việc này tất cả phải làm rõ trong thời gian tới", ông Minh nói thêm.
Trước đó, hồi tháng 11/2022, người đi đường trên trục Nguyễn Xiển (Hà Nội) bức xúc vì thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do các "lô cốt" phục vụ dự án xử lý nước thải Yên Xá chiếm tới 3 làn đường. Sau đó, đến cuối tháng 11, chủ đầu tư, đơn vị thi công đã thu hẹp những "lô cốt", từ đó giao thông qua khu vực này mới "hạ nhiệt".
Chưa hết, mới đây cơ quan chức năng TP Hà Nội đã thông báo sẽ dựng thêm 8 "lô cốt" trên đường Nguyễn Trãi cũng để phục vụ dự án xử lý nước thải nói trên. Điều này khiến người dân rất lo lắng, bởi cung đường này vốn thường xuyên xảy ra ùn tắc, lại đúng dịp cuối năm giao thông căng thẳng.
Tọa đàm trực tuyến "Giao thông ngày cuối năm - Nỗi lo và giải pháp" diễn ra ngày 13/12 tại tòa soạn Báo điện tử Dân trí với sự tham gia của 2 khách mời: Ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an.