Phố Tây Hà Nội "hồi sinh"
22h mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, ngã tư phố Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tấp nập khách quốc tế và nội địa vui chơi, ăn uống.
Sau hai năm dịch Covid-19, từ tháng 3/2022, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, khu phố Tây dần "bình thường mới" và nhộn nhịp trở lại.
Ngồi một mình giữa "ngã tư quốc tế" Tạ Hiện, ông James Brogan, 50 tuổi, đến từ Anh, chậm rãi thưởng thức ẩm thực đường phố Việt Nam. Cách đây 6 tháng, ông đến Hà Nội cho công việc kinh doanh ở quận Tây Hồ.
Cũng như các du khách quốc tế khác mỗi khi đến Hà Nội, ông James chọn phố cổ là địa điểm vui chơi, giải trí.
"Tại đây có nhiều hoạt động du lịch đêm cho du khách, nhưng không đa dạng nên dễ nhàm chán. Còn những địa điểm nằm ngoài phạm vi quận Hoàn Kiếm, lại chủ yếu dành cho người Việt Nam", người đàn ông nói.
Tối cuối tuần, phố Tây Tạ Hiện chật kín du khách quốc tế và nội địa. (Ảnh: Mạnh Quân).
Các hàng bia mở cửa, nhiều bộ bàn ghế được kê ra vỉa hè làm con đường dài hơn 100 m trở nên nhộn nhịp. (Ảnh: Mạnh Quân).
Tuy không thường xuyên đi chơi sau nửa đêm, nhưng ông James nhận thấy, với du khách quốc tế, gần như chỉ có Tạ Hiện hoặc một số quán bar được phép mở cửa muộn là địa điểm vui chơi.
Ông James có một người bạn sinh sống ở quận Hà Đông. Người này thường đến các quán bia hơi hay nhà hàng uống rượu với người bản địa. Tuy nhiên, sau 21h, mọi hàng quán đều đóng cửa khiến cuộc vui bị… gián đoạn.
Mấy ngày trước, James Brogan tìm phố cà phê đường tàu tại Trần Phú - Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) nhưng được thông báo đã đóng cửa.
Ông hoàn toàn ủng hộ quyết định này của chính quyền địa phương, vì lo ngại nếu du lịch Hà Nội trở lại đúng công suất như trước dịch Covid-19, đông du khách kéo đến khu phố này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
"Tôi đề xuất nếu dành ngân sách mở rộng các con đường và vỉa hè, thì du lịch Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 30-40%", ông nói.
Ông James Brogan, du khách đến từ Anh. (Ảnh: Toàn Vũ).
Cách đó không xa, anh Lucky, 36 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, vừa uống bia vừa nói chuyện vui vẻ với một người bạn Việt Nam. Anh đã sống 11 năm ở Hà Nội, thành thạo tiếng Việt, hiện làm cho một công ty du lịch và xuất nhập khẩu.
Lucky nhận xét du lịch đêm ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang "hồi sinh" sau đại dịch. Tuy nhiên, sau 0h, những con phố không còn dáng vẻ huyên náo và tấp nập, thay vào đó là không khí ảm đạm. Những lúc như thế, anh thường uống bia với một vài người bạn tại một trong số hiếm hoi nhà hàng được phép mở cửa, sau về nhà nghỉ ngơi.
Người đàn ông 36 tuổi từng đến 8 quốc gia, trong đó ấn tượng nhất là Dubai. Anh kể, các hàng quán tại đây được mở cửa 24/24 giờ, du khách có nhiều lựa chọn vui chơi.
Anh Lucky (áo vàng) cùng người bạn vui chơi trên phố Tạ Hiện, trải nghiệm ngồi vỉa hè uống bia. (Ảnh: Toàn Vũ).
Chị Eleanor, 46 tuổi cùng người bạn Certo, 63 tuổi, đến từ Seattle (Mỹ) đi du lịch kết hợp công tác tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai họ quay lại Hà Nội, nói rằng rất yêu thích "con người và thành phố xinh đẹp này".
Theo Eleanor, Hà Nội có nhiều điểm du lịch thu hút khách du lịch quốc tế, một trong số đó là Tạ Hiện - khu phố Tây tấp nập, điều mà Seattle không có.
Chị nhớ mãi đêm muộn đi dạo quanh phố cổ, chật vật tìm quán ăn phù hợp thực đơn ăn chay của mình. Dù đã 0h, nhiều cửa hàng vẫn mở cửa, cô biết ơn khi được người dân bản địa tử tế và nhiệt tình giúp đỡ.
Chị Eleanor và người bạn Certo, quốc tịch Mỹ, quay trở lại Hà Nội vì quá yêu thích con người và thành phố xinh đẹp này. (Ảnh: Toàn Vũ).
Du lịch đêm Hà Nội còn "nghèo nàn"
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá Hà Nội đã có những kết quả khởi đầu đáng ghi nhận trong việc phát triển kinh tế đêm gắn liền với du lịch thông qua tổ chức phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Tây Tạ Hiện, hoạt động kinh doanh chủ yếu dịch vụ ăn uống, mua sắm, siêu thị tiện ích, khách sạn, massage, bar, karaoke... ở khu phố cổ.
Tuy nhiên, thực trạng kinh tế đêm Hà Nội hiện nay còn nhiều hạn chế, cần được tổ chức quy mô và bài bản hơn, để thực sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Ông Lương dẫn chứng việc du khách Tây đến Hà Nội cảm thấy các hoạt động du lịch đêm còn khá "nghèo nàn", đặc biệt sau 0h khi các hàng quán đều đóng cửa, họ không biết đi đâu.
"Đây là một điểm yếu của du lịch đêm Hà Nội", ông Lương nói. "Bởi sau một ngày trải nghiệm tại các địa điểm du lịch, du khách quốc tế có thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi - nghỉ ngơi theo nghĩa tích cực, chứ không phải đi ngủ. Họ muốn tận dụng thời gian về đêm để được trải nghiệm ẩm thực, mua sắm, hay các hoạt động mang tính vui chơi, các chương trình văn nghệ đường phố đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hoặc các chương trình biểu diễn có ứng dụng công nghệ hiện đại do các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế thực hiện".
Phố đi bộ Hà Nội dịp cuối tuần luôn đông nghẹt khách du lịch nội địa và quốc tế. (Ảnh: Mạnh Quân)
Để phát triển du lịch đêm Hà Nội, PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh giải pháp xây dựng tổ hợp: Vui chơi giải trí - ẩm thực - mua sắm đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý. Đây là nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm đầy đủ và khác biệt về điểm đến du lịch và sẽ không ngần ngại "chi đến đồng cuối cùng".
Tuy nhiên, cơ quan ban ngành không nên phát triển tràn lan mà cần có định hướng phát triển tại các khu vực phù hợp theo quy hoạch đô thị, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và gây khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
"Nếu thực sự xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì cần coi phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch là một giải pháp tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ", ông Lương cho hay.
Theo vị chuyên gia, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các bên liên quan cần nghiêm túc rà soát và sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách liên quan để thúc hoạt động kinh tế đêm gắn với du lịch.
"Ví dụ, như dịch vụ casino vốn được xem là khá nhạy cảm, nhưng nếu được quản lý chặt chẽ thì vẫn nên phát triển. Nhưng nếu cứ thử nghiệm, rồi cuối cùng không thông qua, thì là thất bại", ông Lương nói.
Ông đề xuất đa dạng hơn các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm để hình thành nên những "thành phố không ngủ", thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Chuyên gia nhận định du lịch đêm Hà Nội còn "nghèo nàn", cần đa dạng thêm các hoạt động để níu chân khách Tây (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)
Khi du khách muốn không ngủ thì dịch vụ phải "cùng thức"
Anh Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour nhận định, du lịch đêm Hà Nội hiện chủ yếu là du lịch ẩm thực trong khu vực phố cổ vào dịp cuối tuần.
Các trải nghiệm chưa được đa dạng, phong phú và đáp ứng nhu cầu "chơi xuyên đêm" của du khách. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều tạo ra các chương trình tour buổi tối và kết thúc tour trước 0h đêm.
Theo anh Năng, chương trình phổ biến khi du lịch Hà Nội về đêm thường sẽ đưa khách du lịch ăn tối và mua sắm chợ đêm phố cổ, sau đó tham quan cầu Long Biên, khám phá chợ đầu mối Long Biên, chợ hoa Quảng Bá.
Một số trải nghiệm mới như khám phá Hà Nội đêm bằng xe máy, xe jeep đưa khách khám phá thêm đêm hồ Gươm, hồ Tây, Nhà Thờ lớn.
"Nhìn chung trải nghiệm về Hà Nội chưa được sâu để đáp ứng nhu cầu du lịch có gu của khách quốc tế", anh nói.
Các nhóm du khách quốc tế thưởng thức ẩm thực đường phố Việt Nam trên phố Tạ Hiện. (Ảnh: Mạnh Quân).
Anh Năng dẫn chứng về "thành phố không ngủ" Pattaya ở Thái Lan nơi du khách được đắm chìm trong không gian náo nhiệt xuyên đêm. Toàn thành phố cùng thức với lung linh sắc đèn neon theo phong cách trẻ trung, thời thượng.
Đó là đêm của các buổi biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng là show diễn của các vũ công đường phố. Đó là đêm thức trắng của quán bar, pub, cửa hàng tiện lợi.
Tại Việt Nam, không khí của phố đi bộ Bùi viện (TPHCM) cũng có phần náo nhiệt hơn phố Tây Tạ Hiện (Hà Nội).
Ngoài những chương trình du lịch buổi tối, anh Năng cho biết, công ty còn xây dựng các chương trình du lịch xuyên đêm cho khách quốc tế bao gồm các trải nghiệm theo hành trình như: Ăn tối và khám phá chợ đêm phố cổ (có thể kết hợp xem chương trình ca nhạc tạp kỹ tại Nhà hát chèo), tham quan cầu Long Biên và khám phá chợ đêm Long Biên, sau đó du khách được trải nghiệm chợ hoa Quảng Bá.
Nếu du khách muốn tiếp tục trở lại không khí náo nhiệt, thì có thể lựa chọn đi bar trước khi về khách sạn nghỉ ngơi.
Theo anh, du khách cũng yêu thích trải nghiệm đi xe máy buổi tối khám phá các tuyến phố về đêm như tuyến Phan Đình Phùng - đường Độc Lập - Báo - con đường Gốm Sứ - Cầu Long Biên.
Anh Năng đánh giá, việc các hàng quán đóng cửa sau 0h là một trong những điểm yếu lớn nhất khiến du lịch đêm Hà Nội không phát triển.
"Khi khách muốn không ngủ thì dịch vụ phải ’cùng thức’. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận việc quy hoạch khu nào ’ngủ’, khu nào được phép ’thức’ cùng khách nước ngoài cũng là một việc vô cùng khó khăn với thành phố ngàn năm văn hiến như Hà Nội", anh nói.
Các công ty lữ hành đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch đêm Hà Nội. (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).
Để phát triển du lịch về đêm, anh đề xuất các giải pháp tổng thể đến từ nhiều cơ quan quản lý văn hóa, an ninh, kinh tế… Để tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh cùng thức với du khách, chắc chắn phải bảo đảm cho họ môi trường kinh doanh thuận lợi.
"Ngoài ra, với kinh nghiệm của Wondertour, chúng tôi cho rằng nên có thêm một khu phố cùng thức song song với 16 tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ Hà Nội. Ở đó, chúng ta quy hoạch các trải nghiệm không bị các tiêu chuẩn văn hóa gò bó sau 0h như vũ trường, chợ làng nghề, lễ hội đường phố…
Quy định quyền kiểm tra hành chính sau 22h đêm với các phương tiện giao thông là cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, tuy nhiên liệu nên có quy định ngoại lệ dành cho các công ty lữ hành đăng ký khai thác du lịch về đêm?", anh đặt câu hỏi.