Nhà thơ Bùi Kim Anh: Sống để yêu thương Nhà thơ Bùi Kim Anh: Sống để yêu thương , Người xứ Nghệ Kiev
(NSHN) - Nhà thơ Bùi Kim Anh là người phụ nữ đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời nhưng luôn vượt qua những nỗi đau để sống lạc quan và yêu thương...
Một người thơ nhân hậu và nghị lực
Nhà thơ Bùi Kim Anh vừa cho ra tập thơ thứ 11 của mình, cuốn “Tóc trắng nắng mai”. Đây là một cuốn sách đẹp và dày dặn cùng những câu thơ dung dị, những cảm xúc chân thành, hồn hậu của một người đàn bà làm thơ đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời và thời cuộc nhưng luôn vượt qua những nỗi đau để sống lạc quan và yêu thương.
Tuổi Mậu Tý, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cuộc đời nhà thơ Bùi Kim Anh gắn bó trọn vẹn với công việc giảng dạy văn học tại một số trường ở Hà Nội - từ trường cấp 3 Cổ Loa, đến trường cấp 3 Bạch Mai và cuối cùng là Trường PTTH Hoàn Kiếm - Trần Phú.
Ngoài việc đứng trên bục giảng thì cô giáo Bùi Kim Anh còn làm thơ. Bà nói: “Tôi làm thơ từ nhỏ. Đến thời sinh viên cũng làm. Những bài thơ đó tôi chỉ viết ra trong sổ tay như là tâm sự của riêng mình. Và bài thơ đầu tiên của tôi được đăng là ở Báo Hànộimới, khoảng những năm 70 thế kỷ trước”.
Với nhà thơ Bùi Kim Anh, thơ là người bạn tri kỉ giúp bà giao tiếp với cuộc đời và cùng bà vượt qua mọi gian truân để không bị gục ngã.
Thơ của bà chứa đựng những nỗi niềm lắng đọng qua bao gian nan, vất vả, trĩu nặng những suy tư về thân phận con người và đời sống. Thơ của bà cũng luôn thấp thoáng không gian Hà Nội với từng góc nhỏ thân yêu gắn với kỉ niệm của bản thân và gia đình…
Bà kể, những lúc tưởng như tuyệt vọng nhất bà chỉ biết “mượn thơ làm gậy chống” để đứng lên, vượt qua khó khăn. “Tôi viết cho mình, viết từ cõi lòng mình, từ tâm tư mình trước mọi sự ở đời và vui buồn của chính mình. Một sự tự giải thoát bằng thơ, để được nói những điều mình không nói được, đúng hơn là không biết nói ra ở đâu. Tôi làm thơ vào những lúc không bên chồng, những lúc không bên con, những lúc không bạn bè. Khi trong nỗi cô đơn tột cùng, không còn biết lẩn trốn đi đâu, tôi tìm đến với thơ” – bà chia sẻ.
Đọc những câu thơ bà viết giữa chông chênh đời mình, tôi hiểu, thơ đã dìu bà đi qua gập ghềnh. Nhờ thơ, bà đã kiên cường chấp nhận thử thách.
Giờ, cứ rảnh rỗi lúc nào là bà lại viết như một cách nâng đỡ bản thân. Bà gõ máy tính thay cho cầm bút. Sự nghiệp nhà giáo đã hoàn thành nhưng “sự nghiệp” làm thơ, viết báo (dù chỉ là nghiệp dư thôi) vẫn làm bà thao thức. Báo nào mời viết bài bà cũng nhận lời. Bạn bè nào nhờ viết điểm sách bà cũng không chối từ. Thơ, tùy bút, tản văn, bình thơ… đủ cả. Viết với bà lúc này như là một một giải pháp chống lão hóa. Bà lo quỹ thời gian cuộc đời còn hạn hẹp, lo một ngày bệnh tật bất ngờ ập đến, vì vậy bà làm việc dường như không biết mệt mỏi…
Bà nói: “Cuộc đời một người đàn bà bình thường cũng đã quá truân chuyên, huống hồ cuộc đời một người đàn bà làm thơ. Mình nhạy cảm hơn thì cuộc sống cũng vì thế “đập” vào mình nhiều hơn, dễ buồn dễ vui hơn. Sống nhẹ nhàng an nhiên với cả những không may, thì lòng sẽ thanh thản”…
Bà ngoại yêu quý của “chú lính chì” Thiện Nhân
Cuối năm 2007, khi chị Trần Mai Anh, con gái đầu lòng của bà nhận nuôi Thiện Nhân - cháu bé ở Quảng Nam bị mẹ đẻ bỏ rơi, bị súc vật cắn đứt một chân và bộ phận sinh dục, vợ chồng bà đón con gái và các cháu ngoại về căn nhà ấm áp của mình để tiện chăm sóc, đỡ đần.
Khi ấy, bà đã động viên con gái mình: “Con đã làm một việc đầy ý nghĩa. Con hãy tin ở số phận”. Điều này bà đã viết trong một bài thơ tặng con: “Đời đã chọn con trao sứ mệnh lạ kỳ/ta không có quyền chối bỏ”…
Bà vừa lo việc nhà, vừa lo giúp con gái trông nom các cháu, trông Thiện Nhân sau những ca mổ tái tạo đường sinh dục. Bà theo con gái Mai Anh và Thiện Nhân đi khắp các bệnh viện trong và ngoài nước, lo toan chăm bẵm cháu vì cậu bé phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khác nhau. Bà không đành lòng nhìn con gái vất vả, việc của con cũng là việc của mình. Lăn lộn lo thủ tục hồ sơ giấy tờ, đi lại như con thoi, giúp con cháu từ việc lớn đến việc nhỏ, ai cũng phục sức chịu đựng của bà.
Qua hành trình chữa bệnh đầy gian khổ, sau bao nhiêu đêm cùng cháu vật vờ trên giường bệnh, chứng kiến cảnh Thiện Nhân nghiến chặt răng cam chịu, lòng bà đau xót: “Ngoại chẳng có gì khác hơn/chỉ biết ôm cháu bằng đôi tay lùng bùng da dẻ tuổi già/ôm cháu bằng trái tim của người đàn bà rám màu gió cát”...
Bà tâm sự rất xúc động: “Cuộc đời con người, ai cũng có thể gặp biến cố lớn. Tôi cũng vậy nhưng cho dù cuộc sống có bị vùi dập, tai ương đến mấy, đến tuổi xế chiều thế này, tôi vẫn còn nhiều sung sướng hơn Thiện Nhân. Mỗi lúc ngắm nhìn Thiện Nhân, tôi đều cảm thấy được tiếp thêm nhiều sức mạnh. Một đứa bé đẹp đẽ, thông minh, nhạy cảm, yêu thương cha mẹ ông bà. Thương Nhân vô cùng. So với Nhân, tôi thấy mình còn quá hạnh phúc. Mình còn có gia đình, con cái, những thứ mà sau này Nhân không dễ để có, vì những dị tật trên cơ thể mà cháu phải gánh chịu”…
Tình thương yêu đó đã đã làm nên điều kỳ diệu. Nhân càng lớn càng thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt là rất nhạy cảm. Cậu bé bây giờ đã có một cuộc sống đời thường như bao trẻ khác, tâm hồn dường như không còn những vết tích nào của cái ngày bị bỏ rơi đau xót ấy...
Và ngọn “lửa Thiện Nhân” ấp áp tình người mà gia đình bà nhóm lên ngày càng lan tỏa. Chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn” đã giúp cộng đồng có thêm niềm tin để khẳng định: Chuyện cổ tích giữa đời thường là có thật; cái đích của lòng yêu thương chân thành, bền bỉ sẽ khiến cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Cuộc đời luôn có những điều khiến ta suy ngẫm và trưởng thành, những cảm xúc sâu lắng cho ta thấy mình đang thực sự sống. Mỗi lần đến thăm bà trong con ngõ nhỏ ở phố Nguyễn Đình Chiểu tôi đều cảm nhận được tình thương yêu của những con người đang sống trong đó dành cho nhau thật ấm áp.