Chân dung ông chủ dự án nghỉ dưỡng Phan Thiết khiến loạt quan chức tỉnh Bình Thuận sa lầy Chân dung ông chủ dự án nghỉ dưỡng Phan Thiết khiến loạt quan chức tỉnh Bình Thuận sa lầy , Người xứ Nghệ Kiev
Vũ Khoa
Theo tìm hiểu của Dân Việt, Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết khiến loạt quan chức tỉnh Bình Thuận sa lầy là của Tập đoàn Rạng Đông do ông Nguyễn Văn Đông làm Chủ tịch. Công ty này chỉ trong 4 năm 2016 - 2020 đã tăng vốn khủng và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh.
Tập đoàn Rạng Đông của ông Nguyễn Văn Đông lớn nhanh như "thổi"
Tiền thân của Tập đoàn Rạng Đông ngày nay là Tổ hợp Xây dựng số 4, được thành lập từ đầu năm 1991, hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Thi công xây dựng các công trình cầu đường, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng và công nghiệp ….;
Khai thác và chế biến khoáng sản; Sản xuất vật liệu xây dựng; Chế biến đồ gỗ; Cơ khí; Trồng rừng, trồng cao su; Đầu tư xây dựng các khu dân cư, các khu du lịch phức hợp (resort, khách sạn, sân golf,…) và đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức hợp đồng BOT.
Hiện nay, sau nhiều lần tái cấu trúc, Tập đoàn Rạng Đông trở thành Tập đoàn tư nhân đa ngành hoạt động chính trong các lĩnh vực: Đầu tư – Xây dựng; Khoáng sản kim loại; Thương mại, dịch vụ và Vật liệu xây dựng.
Năm 2016, Tập đoàn Rạng Đông đã là doanh nghiệp nghìn tỷ với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng do 2 cổ đông Nguyễn Văn Đông góp 1.056 tỷ đồng, tương đương 96% tỷ lệ sở hữu và cổ đông Huỳnh Tịnh Tú giữ 2% tỷ lệ sở hữu còn lại.
Những năm tiếp theo, Tập đoàn Rạng Đông lần lượt tăng vốn lên thành 1.804 tỷ đồng, rồi 2.435 tỷ đồng trong năm 2019.
Năm 2020 vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 3.137 tỷ đồng và lên 4.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021. Trong giai đoạn liên tục tăng vốn nêu trên, Tập đoan Rạng Đông chỉ công bố cổ đông giữ tỷ lệ sở hữu cao nhất là ông Nguyễn Văn Đông, danh tính các cổ đông còn lại không được tiết lộ.
Thâu tóm hàng loạt dự án bất động sản nghìn tỷ
Để có được vị trí hàng đầu trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Rạng Đông đã "thâu tóm" hàng loạt dự án nhà ở, nghỉ dưỡng có giá trị. Có thể nhắc đến như Dự án Ocean Vista tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích là 7,8ha được hoàn thành năm 2013; khu biệt thực Royal Hill diện tích 14ha và bắt đầu bàn giao nhà năm 2011; dự án Sea Link Mũi Né với diện tích 154ha đã chính thức đưa vào hoạt động năm 2010; dự án 62ha Phố biển Rạng Đông - Ocean Dunes.
Ngoài ra, Tập đoàn Rạng Đông còn sở hữu một số nhà máy lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như nhà máy xỉ titan Sông Bình, nhà máy Pigment Sông Bình, nhà máy nghiền Zircon Sông Bình và khu bảo tồn thiên nhiên Rạng Đông trên địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đầu tư nhà ở, khu du lịch, Rạng Đông còn tham gia vào một số ngành nghề "hái ra tiền" như khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng.
Được biết, Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trên diện tích đất tiền thân là sân golf Phan Thiết, thành phố Phan Thiết với diện tích hơn 62ha. Tháng 3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận thay đổi lần thứ 6, với việc điều chỉnh nội dung từ đất sân golf sang khu đô thị biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Sau đó Dự án đã vướng nhiều lùm xùm, đơn thư tố cáo của công dân và bị xác định giá đất thấp gây thiệt hại ngân sách, không bố trí 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội… Do đó, ngày 1/3/2023, Bộ Công an đã chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Ngày 23/4/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021
Hai cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận gồm ông Huỳnh Văn Tí (nhiệm kỳ 2010-2015) bị kỷ luật khiển trách, ông Nguyễn Mạnh Hùng (nhiệm kỳ 2015-2020) bị cảnh cáo.
Riêng chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 Lê Tiến Phương bị cách hết chức vụ trong Đảng và chính quyền.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo kết quả giám định tài sản phần diện tích 36ha đất ở đô thị tại dự án là hơn 2.800 tỉ đồng, trong khi ngân sách nhà nước chỉ thu về hơn 900 tỉ đồng phần diện tích này.