Vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn khách hàng: Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị bao nhiêu năm tù? Vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn khách hàng: Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị bao nhiêu năm tù? , Người xứ Nghệ Kiev
Chinh Hoàng Thứ hai, ngày 19/12/2022
Sáng 19/12, phiên tòa xét xử vụ Công ty Alibaba lừa đảo hàng ngàn khách hàng tại TAND TP.HCM đã bước sang phần đề nghị án.
Sáng 19/12, tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP.HCM đã luận tội và đề nghị mức án đối với vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền" xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba do bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty và 22 bị cáo đồng phạm thuộc công ty này thực hiện.
Theo cáo trạng, Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), giao những người thân tín đứng tên. Các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận; tự vẽ ra 58 dự án "ma" và quảng bá là dự án khu dân cư để bán cho khách hàng.
Qua đó, Luyện và đồng phạm chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của 4.550 khách hàng. Viện KSND TP.HCM đề nghị Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh, Viện KSND đề nghị Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện, Giám đốc Công ty Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) từ 16 - 18 năm tù; các bị cáo đồng phạm còn lại với Luyện trong nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Viện KS đề nghị từ 13 - 20 năm tù.
Nhóm tội rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện KS tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh và đề nghị Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, Tổng giám đốc tài chính), bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai bị cáo Luyện) cùng mức án 30 năm tù.
Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán) bị đề nghị từ 5 - 6 năm tù về tội rửa tiền.
Viện KS phân tích nguồn tiền mua đất nông nghiệp của Luyện là từ chính khách hàng. Bị cáo tự vẽ 58 dự án, hơn nữa đất nông nghiệp Luyện thu mua không thể phân lô bán nền dưới dạng thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài nhưng bị cáo vẫn lập thỏa thuận, cam kết mua bán với khách hàng.
Theo xác minh tại các cơ quan chức năng liên quan, không có doanh nghiệp nào gửi hồ sơ xin giấy phép đầu tư, lập dự án đối với 58 dự án liên quan trong vụ án. Ngoài ra, một số đất nông nghiệp, Luyện và đồng phạm chỉ mới nhận tiền đặt cọc, hoặc thỏa thuận mua nhưng Luyện và đồng phạm vẫn lập dự án, bán cho khách hàng.
Viện KSND phân tích thủ đoạn của Luyện là cam kết mua lại nguồn hàng. Đến nay, khi các bị cáo bị đưa ra xét xử thì không khách hàng nào nhận được giấy chứng nhận dưới dạng thổ cư như theo thỏa thuận trong hợp đồng, mà đa số Công ty Alibaba sẽ trả lãi, hoặc thu mua trở lại nguồn hàng, hoặc khuyến khích khách hàng lấy lãi tái đầu tư vào hợp đồng mới các dự án khác với chính sách, khuyến mãi tốt hơn.
Về tội danh "rửa tiền" 13 tỷ đồng đối với 3 bị cáo trong vụ án, Viện KS nêu nguồn tiền này hình thành từ hành vi phạm tội lừa đảo của Luyện và đồng phạm.
Nhưng Võ Thị Thanh Mai - vợ bị cáo Luyện đã chỉ đạo 2 bị cáo liên quan lấy ra khi Luyện bị tạm giam, cho thấy bị cáo Mai muốn thu lợi đến cùng nguồn tiền này. Cáo trạng truy tố 3 bị cáo phạm tội "rửa tiền" là đúng.